Tăng cường phát triển thị trường Logistic giữa Việt Nam và Hàn Quốc

Tác giả: Minh Nghĩa

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 30/08/2016 14:32

Hiện có khoảng 200 đến 250 doanh nghiệp giao nhận kho vận ở phía Nam, và tại phía Bắc, tập trung tại Hà Nội có khoảng 100 đến 200 doanh nghiệp.


hoi thao logistic Viet Han
Hội thảo cơ hội Logistic Việt Hàn

Sáng nay (30/8), tại TPHCM, được sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao và Thương mại Hàn Quốc và Tổng Cục Hải Quan Việt Nam, Viện Nghiên cứu Hàng hải Hàn Quốc (KMI) phối hợp cùng Thời Báo Việt – Hàn, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), Hiệp hội Giao nhận vận tải quốc tế Hàn Quốc (Korea International Freight Forwarders Association (KIFFA), T& C Global tổ chức Hội thảo “Phương án tiếp cận thị trường Logistic trong bối cảnh thực hiện Hiệp định thương mại tư do Việt Nam - Hàn Quốc” tại khách sạn Lotte Legend Hotel Saigon. 

Hội thảo với sự tham gia của hơn 120 doanh nghiệp trong lĩnh vực giao nhận kho vận, chủ tàu, cung cấp dịch vụ liên quan đến xuất, nhập khẩu...Các chủ đề được đưa ra thảo luận tại Hội thảo nhằm tạo điều kiện thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Hàn Quốc và ngược lại, cũng như hỗ trợ tư vấn tiếp cận thị trường logistic Việt Nam đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ Hàn Quốc, xây dựng chuỗi cung ứng hàng đông lạnh, dịch vụ cảng biển …

Phát biểu tại khai mạc hội thảo, ông Chinsoo Lim, phó chủ tịch Viện nghiên cứu Hàng hải (KMI) cho rằng: hội nghị được tổ chức trong bối cảnh mối quan hệ phát triển kinh tế giữa Việt Nam và Hàn Quốc ngày càng tăng mạnh, trong đó lĩnh vực vận tải, giao nhận kho vận, Thành phố Hồ Chí Minh là điểm đầu của chương trình xúc tiến của Việt, sau đó sẽ mở ra các thành phố tại khu vực Đông Nam Á. Sự năng động của nền kinh tế Việt Nam, đã và đang đem lại lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam, hy vọng diễn đàn này sẽ đặt nền tảng bước đầu để các doanh nghiệp Hàn Quốc có thể gắn kết chặt chẽ hơn với doanh nghiệp Việt Nam.

Ngài Park No Wan-Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc tại Tp. Hồ Chí Minh cho biết: “Đây là lần đầu tiên tổ chức hội thảo mang tính chuyên ngành giao nhận kho vận giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc, nhằm tạo điều kiện thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai nước, giúp gắn kết phát triển kinh tế giữa hai nước đi vào chiều sâu, đem lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc, đặc biệt cho các doanh nghiệp Hàn Quốc đang tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực vận tải, giao nhận kho vận. Bên cạnh đó, giúp doanh nghiệp Hàn Quốc tìm ra mô hình hợp tác hiệu quả trong thời gian tới”.

 Ông Hank Park, tổng giám đốc Công ty TNHH KCTC Việt Nam cho biết: “Mặc dù các Hiệp định thương mại song phương và đa phương giữa Việt Nam và các đối tác đã và đang ký kết làm cho thị trưởng xuất nhập khẩu của Việt Nam rộng mở, mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp giao nhận kho vận, tuy nhiên, cũng là lúc các doanh nghiệp trong ngành giao nhận kho vận đối mặt với cạnh tranh khốc liện từ các doanh nghiệp tại thị trường Việt Nam.

hanjin
Hanjin, một trong nhiều hãng tàu Hàn Quốc tham gia chuỗi cung ứng Logistic tại Việt Nam

Hiện các doanh nghiệp giao nhận kho vận có quy mô tại khu vực phía Nam vào khoảng khoảng 200 đến 250 doanh nghiệp, trong khi đó tại phía Bắc, tập trung tại Hà Nội khoảng 100 đến 200 doanh nghiệp. Nhiều hãng tàu Hàn Quốc đã tham gia thị trường Việt Nam như Hanjin, Hyundai, KMTC, Heung A, Chang Geum, Namsung, Dongjin, Bumju, Asan…. Bên cạnh đó, các công ty cung ứng các dịch vụ Logistic và các dịch vụ liên quan như CJ GLS, KCTC, DONGBANG LOGISTICS VINA, Dongbu, Express, Hanjin, Chunil Package and Freight…

“Đa số các công ty giao nhận Hàn Quốc tiếp cận thị trường Việt Nam với số vốn ít ỏi, thiếu sự kết nối toàn cầu cũng như khả năng tiếp cận vốn đầu tư. Trong thời gian tới các doanh nghiệp Hàn Quốc cần mở rộng dịch vụ hậu cần phân phối liên kết như vận tải hàng không, hoạt động kho lạnh- kho đông… Bên cạnh đó, cần xây dựng mạng lưới phân phối, cũng như cần có kế hoạch trung và dài hạn”, ông Hank Park cho biết thêm.

cac dai bieu hoi thao
Các quan chức lãnh sự, khối doanh nghiệp Hàn Quốc và Việt Nam tại hội thảo

Vào tháng 5 năm 2015, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA) được ký kết, đánh dấu mốc quan trọng cho mối quan hệ hợp tác chiến lược giữa Việt Nam và Hàn Quốc.

Đến nay Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam, chỉ sau Trung Quốc và Hoa Kỳ, là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 và nhập khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam. Việt Nam cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ 6 của Hàn Quốc. Đặc biệt, trong hơn 2 thập kỷ đã qua, quan hệ thương mại song phương tăng mạnh, thương mại 2 chiều từ 0,5 tỷ USD vào năm 1992 tăng lên 34,4 tỷ USD năm 2015. Tính đến tháng 4/2016, tổng số vốn đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam đã đạt trên 48 tỷ USD với 5.213 dự án đầu tư, dự kiến hai nước kỳ vọng đạt được mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 70 tỷ USD vào năm 2020.

Với các cam kết mới mở cửa thị trường từ phía  Hàn Quốc, hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ được hưởng nhiều cơ hội. Cụ thể, Hàn Quốc tự do hóa 97,2% giá trị nhập khẩu (tính theo số liệu năm 2012), chiếm 95,4% số dòng thuế, đặc biệt trong đó có nhiều nhóm hàng nông, thủy sản xuất khẩu chủ lực như tôm, cua, cá, hoa quả nhiệt đới, và hàng công nghiệp như dệt may, đồ gỗ, sản phẩm cơ khí, v.v… Việt Nam là đối tác FTA đầu tiên được Hàn Quốc mở cửa thị trường đối với những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh như tỏi, gừng, mật ong, khoai lang, v.v… (thuế suất những mặt hàng này rất cao từ 241-420%). Nhờ vậy, tạo cơ hội cạnh tranh đáng kể cho hàng xuất khẩu của Việt Nam so với các đối thủ cạnh tranh khác trong khu vực như Indonexia, Malayxia, Thái Lan và Trung Quốc.

Ý kiến của bạn

Bình luận