Phương tiện sử dụng làn thu phí không dừng |
Tiếp tục dán thẻ VETC cho phương tiện
Những ngày qua trên tuyến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ - Ninh Bình, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông không giảm, việc triển khai thu phí không dừng đã tác động mạnh đến ý thức của chủ phương tiện. Trao đổi với Tạp chí GTVT, anh Phạm Hồng Thủy, lái xe Công ty cổ phần xe khách Ninh Bình cho biết, trước đây xe chúng tôi mua vé tháng để chạy tuyến Ninh Bình – Giáp Bát. Cứ hết tháng chúng tôi gửi thông tin cho Trạm rồi nộp tiền, chi phí cũng giảm được chút ít và tiện nhất là xe đi vào làn nào cũng được, tùy tình hình giao thông cụ thể. Tuy nhiên với việc triển khai thu phí không dừng ở nhiều cửa, buộc chúng tôi phải suy nghĩ lại, và đằng nào cũng phải đóng tiền nên chúng tôi đã mở tài khoản giao thông để sử dụng làn thu phí không dừng.
Theo thống kê của Tổng cục ĐBVN, tính đến hết ngày 21/6, sau 12 ngày triển khai hệ thống thu phí không dừng trên tuyến Pháp Vân – Cầu Giẽ - Ninh Bình, số lượng vé giao dịch qua tất cả các trạm trên tuyến là 28.615 lượt giao dịch thu phí tự động ETC thành công. Chỉ tính riêng ngày 21/6 số lượt giao dịch ETC qua Trạm thành công là: 3.409 lượt.
Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN cho biết, đây là tín hiệu đáng mừng cho việc chấp hành của các chủ phương tiện ủng hộ chủ trương thu phí không dừng.
Trao đổi với Tạp chí GTVT, đại diện Công ty TNHH Thu phí tự động VETC cho biết, trong tháng 6 và tháng 7, Công ty vẫn tiếp tục tổ chức dán thẻ cho các chủ phương tiện tại nút giao Vực Vòng (chiều Hà Nội xuống) và tại Trạm Pháp Vân (chiều từ Ninh Bình lên) và 2 trạm dừng nghỉ tất cả các ngày trong tuần. Công ty vẫn duy trì chính sách dán thẻ miễn phí lần đầu cho phương tiện. Ngoài các điểm dán thẻ trên tuyến cao tốc, VETC tổ chức dán thẻ tại tất cả các Trạm thu phí đã triển khai thu phí tự động ETC và một số Trung tâm đăng kiểm hoặc đại lý ủy quyền trên địa bàn các tỉnh.
Các phương tiện phải gắn thẻ đầu cuối
Trước đó, ngày 17/6/2020 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg quy định về việc thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng, và thay thế Quyết định số 07/2017/QĐ-TTg ngày 27/03/2017. Trong đó tại điểm 9 quy định: phương tiện giao thông đường bộ thuộc đối tượng chịu phí dịch vụ sử dụng đường bộ và các phương tiện được miễn phí sử dụng dịch vụ đường bộ (xe cứu thương, xe cứu hỏa, xe chuyên dùng phục vụ an ninh, xe sử dụng vé “Phí đường bộ toàn quốc”) phải được gắn thẻ đầu cuối.
Gắn thẻ đầu cuối cho phương tiện |
Việc gắn thẻ đầu cuối được thực hiện tại các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới, các đại lý do nhà cung cấp dịch vụ thu phí ủy quyền. Bộ Công an, Bộ Quốc phòng phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và nhà cung cấp dịch vụ thu phí thực hiện gắn thẻ đầu cuối cho các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ thuộc lĩnh vực an ninh, quốc phòng tham gia giao thông.
Chủ phương tiện không phải trả chi phí gắn thẻ đầu cuối cho lần lắp đặt đầu tiên trước ngày 31/12/2021. Từ ngày 31/12/2021 trở đi, chủ phương tiện phải trả chi phí gắn thẻ đầu cuối cho nhà cung cấp dịch vụ thu phí.
Nhà cung cấp dịch vụ thu phí mở tài khoản thu phí cho chủ phương tiện trên hệ thống thu phí điện tử không dừng ngay lần đầu gắn thẻ đầu cuối. Mỗi tài khoản có thể sử dụng để chi trả cho nhiều phương tiện giao thông đường bộ; mỗi phương tiện giao thông đường bộ chỉ được nhận chi trả một tài khoản thu phí. Chủ phương tiện nộp tiền vào tài khoản thu phí (thông qua các hình thức nộp trực tiếp, liên thông tài khoản ngân hàng và các hình thức khác) để sử dụng dịch vụ thu phí điện tử không dừng theo quy định.
Đại diện VETC cho biết, với việc dán thẻ đầu cuối đối với xe cá nhân chỉ cần các giấy tờ sau: Chứng minh thư nhân dân, Đăng ký, Đăng kiểm và Thông tin xe đúng theo giấy tờ; đối với xe của tổ chức, doanh nghiệp cần: Đăng ký kinh doanh hoặc Công văn của tổ chức (kèm danh sách xe), Đăng ký, Đăng kiểm từng xe và Thông tin xe đúng theo giấy tờ xe.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.