Theo tờ trình vừa được UBND TP HCM gửi HĐND cùng cấp, xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải khách công cộng mức thu vé lượt 20.000 đồng (mức hiện nay là 15.000 đồng), vé tháng 600.000 đồng (hiện là 450.000 đồng) và 1.620.000 đồng đối với vé quý (hiện là 1,2 triệu đồng).
Xe từ 12 ghế ngồi đến 30 ghế ngồi, xe có tải trọng từ 2 đến 4 tấn mức thu 30.000 đồng đối với vé lượt (hiện nay là 20.000 đồng), 900.000 đồng đối với vé tháng (hiện nay là 600.000 đồng) và 2,4 triệu đồng đối với vé quý (hiện nay là 1,6 triệu đồng).
Loại xe từ 31 ghé ngồi trở lên, xe có tải trọng từ 4 đến 10 tấn giá vé lượt là 40.000 đồng (hiện nay là 25.000 đồng), vé tháng 1,2 triệu đồng (hiện là 750.000 đồng) và vé quý là 3,2 triệu đồng (hiện nay là 2 triệu đồng).
Trong khi đó, các loại xe còn lại có mức phí không đổi so với hiện nay gồm xe tải có tải trọng từ 10 đến 18 tấn và xe chở hàng bằng container 20 feet giá vé lượt 40.000 đồng, vé tháng 1,2 triệu đồng, vé quý 3,2 triệu. Xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên và xe chở hàng bằng container 40 feet giá vé lượt 80.000 đồng, vé tháng 2,4 triệu đồng, vé quý 6,5 triệu đồng (mức thu này không thay đổi so với hiện nay).
Nếu được HĐND TP thông qua tại kỳ họp dự kiến diễn ra vào ngày 8/12 thì các mức tăng phí xe qua trạm xa lộ Hà Nội sẽ được áp dụng từ ngày 1/1/2016 và đây là lần tăng phí thứ ba đối với xe qua trạm thu phí ở cửa ngõ phía đông TP này.
Theo báo cáo của Công ty cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng TP HCM (CII) thì việc tăng giá vé thu phí vào đầu năm 2016 (nếu áp dụng - PV) chỉ làm tăng doanh thu khoảng 15% do các loại xe thuộc nhóm tăng giá vé mạnh chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ (khoảng 4-5%) trong tổng doanh thu của trạm xa lộ Hà Nội.
Theo phương án tài chính được CII lập trên cơ sở doanh thu thực tế đã được kiểm toán từ thời điểm bắt đầu thu phí (ngày 1/6/2013) đến hết tháng 9/2015 và giả định mức phí trạm xa lộ Hà Nội được điều chỉnh bắt đầu áp dụng từ ngày 1/1/2016, thời gian thu phí được tạm xác định lại là khoảng 4 năm 6 tháng kể từ ngày bắt đầu thu phí (1/6/2013), rút ngắn khoảng 9 tháng so với thời gian thu phí hoàn vốn dự kiến (trước đây là 5 năm 3 tháng).
Nguyên nhân chủ yếu theo báo cáo của CII là do lưu lượng thực tế qua trạm xa lộ Hà Nội không giảm mạnh như ước tính trước đây khi toàn bộ tuyến cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây được đưa vào hoạt động và việc tăng giá vé thu phí vào đầu năm 2016 chỉ làm tăng doanh thu khoảng 15% do các loại xe thuộc nhóm tăng giá vé mạnh chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ (khoảng 4-5%) trên tổng doanh thu của trạm xa lộ Hà Nội.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.