Tăng rà soát, xóa “điểm đen” tai nạn giao thông

Tác giả: Khánh Lê

saosaosaosaosao
An toàn giao thông 21/03/2022 09:27

Cải tạo hạ tầng, xóa “điểm đen” TNGT, điểm tiềm ẩn TNGT trên hệ thống quốc lộ toàn quốc là giải pháp căn cơ để giảm TNGT, đảm bảo trật tự ATGT, giúp các địa phương thực hiện mục tiêu kéo giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương.


Một vị trí

Một vị trí "điểm đen" gây mất ATGT

Các “điểm đen” TNGT là mối nguy cơ cao mất ATGT và luôn tiềm ẩn TNGT, do đó, việc xóa các “điểm đen” là loại bỏ nguy cơ xảy ra mất ATGT cho người tham gia giao thông. Trong những năm qua, Tổng cục ĐBVN và các địa phương rất nỗ lực huy động nhiều nguồn vốn để cải tạo, nâng cấp hạ tầng giao thông, góp phần kiềm chế TNGT.

Trao đổi với Tạp chí GTVT, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Vụ trưởng Vụ ATGT, Tổng cục ĐBVN cho biết, đối với các “điểm đen” TNGT mới phát sinh, các đơn vị, địa phương cần kịp thời nắm bắt, thu thập số lượng, lập hồ sơ theo Thông tư số 26/2012/TT-BGTVT báo cáo ngay về Tổng cục ĐBVN (đối với quốc lộ) để xem xét, xử lý. Còn các điểm tiềm ẩn TNGT, do nguồn lực có hạn, yêu cầu các đơn vị thường xuyên cập nhật và tập hợp, lập hồ sơ theo Thông tư số 26/2012/TT-BGTVT, trong đó phân thứ tự ưu tiên, tính chất, mức độ kinh phí dự kiến, báo cáo và trình trong kế hoạch sửa chữa định kỳ hàng năm. Trường hợp các điểm có tính chất bức xúc, nguy cơ mất ATGT cao trên quốc lộ thì lập hồ sơ đề xuất gửi Tổng cục ĐBVN để xem xét, giải quyết.

Ông Hùng lấy dẫn chứng, vừa qua, Sở GTVT tỉnh Nam Định đã đề xuất Tổng cục ĐBVN hỗ trợ kinh phí đầu tư 3 công trình xử lý “điểm đen” TNGT trên tuyến QL21 (tại các vị trí km183+800 đến km184+600; km182+470) và QL21B (tại vị trí km137+200). Tại khu vực “điểm đen” TNGT km182+470, phương án xử lý được phê duyệt với kinh phí trên 9,197 tỷ đồng, mở rộng cầu chợ Đôi trên QL37B kết hợp cải tạo tăng bán kính góc giao giữa cầu chợ Đôi với QL21, đồng thời cạp mở rộng cục bộ mặt đường trên QL21, thảm tăng cường toàn bộ mặt đường trên các tuyến QL21, QL37B và vuốt nối mặt đường nhánh trong phạm vi nút giao; tổ chức giao thông khu vực nút giao bằng đèn tín hiệu...

Tại vị trí km183+800 đến km184+600, phương án xử lý là mở rộng cục bộ mặt đường và cải tạo bán kính đường cong tại các nhánh rẽ trong khu vực nút giao trên QL21; sửa chữa hư hỏng khe co giãn trên cầu Yên Định và sửa mặt đường trên QL21 đảm bảo êm thuận; tổ chức lại giao thông trong khu vực nút giao theo vòng xuyến trung tâm và bổ sung hệ thống báo hiệu đường bộ với tổng kinh phí được duyệt là 6,9 tỷ đồng. Mặt đường QL21 được mở rộng về phía bên phải (đoạn từ km183+811 đến km184+612) và điều chỉnh tim đường để tăng bề rộng làn xe chạy trên cả hai chiều đường; cạp mở rộng cục bộ mặt đường hai bên QL37B để tăng bán kính góc giao giữa QL37B với QL21 và đường nhánh ven sông trong khu vực nút giao; sửa chữa hư hỏng khe co giãn cũ trên cầu Yên Định bằng khe co giãn thép dạng ray; di chuyển cổng chào trên QL37B tại khu vực đầu cầu theo phạm vi mở rộng mặt đường trên QL21 (kinh phí do địa phương chịu trách nhiệm).

Đối với vị trí km137+200 (cầu Ba Bà) trên tuyến QL21B, tổng mức đầu tư sửa chữa là trên 9,681 tỷ đồng. Phương án xử lý là cạp mở rộng cầu về phía thượng lưu kênh Ngòi Cầu bên trái QL21B, vuốt nối đường hai đầu cầu đảm bảo êm thuận; điều chỉnh, bổ sung hệ thống báo hiệu đường bộ và hệ thống chiếu sáng trong khu vực phù hợp với quy mô cầu sau khi cạp mở rộng. Theo đó, cầu Ba Bà được cạp mở rộng thêm 3,2 m; bề rộng cầu sau khi hoàn thành là 9 m; đường dẫn hai đầu cầu được mở rộng cục bộ mặt đường để nắn chỉnh đường xuống cầu đồng bộ với quy mô mặt cầu sau khi cải tạo.

Ý kiến của bạn

Bình luận