Ảnh minh họa. |
Nhiều người trẻ được hỏi thể hiện rõ hai luồng ý kiến riêng biệt.
Số đông những người trẻ hoạt động trong các ngành nghề lao động trí óc đồng ý với đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu.
Những người lao động trực tiếp trong các ngành nghề nặng nhọc thì cho rằng, dự kiến tăng tuổi hưu là không phù hợp, nên giữ như hiện nay. Không ít ý kiến băn khoăn, việc kéo dài tuổi nghỉ hưu sẽ làm giảm cơ hội việc làm của họ...
Lưu Vân (24 tuổi, công tác tại một trường ĐH ở Hà Nội)đồng ý với đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu. “Tôi đồng ý nhưng phải xem xét tính chất công việc như lao động trí óc hay lao động chân tay. Tùy theo từng ngành có thể quy định tuổi nghỉ hưu sao cho phù hợp.
Nam giáo viên có thể nghỉ hưu khi 65 tuổi, nữ 60 tuổi nhưng công nhân nhà máy, thì nên nghỉ sớm hơn.
Hiện nay, với quy định nghỉ hưu như trong luật thực sự chưa tận dụng hết khả năng lao động vì nhiều người còn có đủ sức khỏe và trí tuệ minh mẫn để làm việc”.
Theo chị Vân, có ý kiến lo ngại người cao tuổi làm việc lâu năm có thể sẽ làm giảm cơ hội cho người trẻ thì cũng không phải hoàn toàn phụ thuộc vào việc quy định độ tuổi nghỉ hưu.
Vì nếu người trẻ có kiến thức, kĩ năng đáp ứng với các công việc cụ thể thì không có lí do gì phải e ngại hay sợ mất cơ hội.
"Không thể phủ nhân hiện tượng 'con ông cháu cha’, 'một người làm quan cả họ được nhờ' trong xã hội ta hiện nay nhưng không thể khẳng định 100% đó là hệ quả của việc tăng độ tuổi lao động” - chị Vân nói.
Hồng Hải (22 tuổi, Thái Bình): Thêm thử thách để người trẻ cố gắng
“Tôi là sinh viên mới ra trường. Tôi thấy công việc ở bất kỳ vị trí nào cũng sẽ cần người có năng lực, dù có tăng tuổi nghỉ hưu đi chăng nữa, sinh viên mới ra trường có năng lực cũng vẫn có cơ hội tìm kiếm việc làm.
Còn nếu coi tăng tuổi hưu là “chiếm việc của người trẻ" thì người trẻ nên nhìn nhận vấn đề theo cách thêm thử thách để cố gắng. Vì việc tăng tuổi và tìm việc là hai vấn đề khác nhau hoàn toàn. Tại sao chúng ta không nghĩ để người trẻ cạnh tranh với nhau mà lại đi so đo thêm 2-3 năm của người già?".
Lê Phương Dung, vừa tốt nghiệp trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên: Giảng viên về hưu vẫn dạy thêm...
"Đối với ngành nghề của tôi, tôi chỉ lấy ví dụ thế này: Một giảng viên ở một trường ĐH công lập đến tuổi về hưu.
Nếu về hưu thì sẽ trống một vị trí, tuy nhiên giảng viên đó không dừng công tác mà sẽ tiếp tục giảng dạy thêm cho các trường ĐH công lập hoặc dân lập khác.
Với năng lực và kinh nghiệm, giảng viên này sẽ thu hút thêm đông sinh viên đến học và khi ấy nhu cầu tuyển giáo viên lại tăng lên. Đó sẽ là cơ hội cho tôi và nhiều bạn khác khi mới ra trường.
Vậy thì giảng viên về hưu đó tạo ra việc làm hay lấy đi việc làm của người khác?”.
Trần Thị Anh, sinh vên đại học Y khoa Vinh, Nghệ An:Tăng tuổi hưu là hợp lí
“Tôi nghĩ tăng tuổi nghỉ hưu là hợp lý. Đặc biệt với ngành y thì học lâu mà tay nghề cần nhiều thời gian để trau dồi. Cho nên nếu nghỉ hưu sớm thì tuổi nghề ngắn, hơi thiệt thòi và đến tuổi đó rất nhiều người có tay nghề lâu năm đang muốn cống hiến, đang muốn làm việc đến khi không thể làm nữa thì họ mới nghỉ.
Ngành y rất cần những người lành nghề để truyền đạt kiến thức mà họ góp nhặt được từ lâm sàng, tức là kiến thức học được trên rất rất nhiều bệnh nhân”.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.