Từ triển lãm ở Moscow, tới tập đoàn phương Tây đầu tiên tại Liên Xô
Năm 1959, với mục đích muốn lãnh đạo Liên Xô biết tới đời sống và văn hóa Mỹ, Tổng thống Mỹ Dwight D. Eisenhower đã quyết định sử dụng kênh ngoại giao để mở Triển lãm Quốc gia Mỹ tại Moscow. Việc tổ chức triển lãm này do Phó tổng thống Richard Nixon phụ trách.
Hình ảnh lãnh đạo Liên Xô uống nước giải khát Pepsi đã trở thành hình ảnh quảng cáo trên toàn thế giới của hãng này.
Tại triển lãm, hai nhà lãnh đạo Liên Xô và Mỹ là Nikita Khrushchev và Nixon đã gặp gỡ và trao đổi về các công nghệ, sản phẩm tiêu dùng của Mỹ, cũng như các chủ đề quốc tế khác. Thời tiết tại Moscow lúc đó khá nóng bức, cuộc đối thoại giữa hai nhà lãnh đạo Nga, Mỹ kéo dài khá lâu và ông N. Khrushchev đổ mồ hôi rất nhiều.
Nhận thấy điều này, Phó chủ tịch phụ trách vấn đề Marketing của Tập đoàn Pepsi, Donald M. Kendall đã đưa cho nhà lãnh đạo Liên Xô một cốc nước giải khát Pepsi ướp lạnh. Hình ảnh nhà lãnh đạo Liên Xô uống nước giải khát Pepsi sau đó đã trở thành biểu tượng quảng cáo của hãng trên khắp thế giới sau đó.
Tuy nhiên, đó chưa phải là thời điểm Pepsi được phép hoạt động tại Liên Xô. Việc này chỉ diễn ra vào năm 1972, khi ông Richard Nixon đã trở thành Tổng thống Mỹ, còn Donald M. Kendall là Chủ tịch Tập đoàn Pepsi. Với ảnh hưởng chính trị và ngoại giao của mình, ông R. Nixon đã giúp Pepsi trở thành tập đoàn phương Tây đầu tiên được phép kinh doanh tại Liên Xô.
Thanh toán bằng… vodka
Sau khi thỏa thuận cho phép Pepsi được hoạt động kinh doanh tại Liên Xô có hiệu lực vào năm 1972, một vấn đề được đặt ra là phương thức thanh toán giữa hai bên. Thời điểm đó, do chiến tranh Lạnh, Liên Xô không có giao dịch thương mại nào với phương Tây và đồng ruble không thể quy đổi ra các loại ngoại tệ phương Tây.
Và một giải pháp đã được sử dụng là Pepsi cung cấp đồ uống giải khát, thức ăn nhanh, còn phía Liên Xô sẽ thanh toán bằng đồ uống có cồn là vodka. Điều này hoàn toàn hợp lý khi Liên Xô sở hữu nhiều thương hiệu vodka nổi tiếng thế giới.
Sau khi đàm phán, Pepsi trở thành nhà phân phối độc quyền thương hiệu vodka Stolichnaya tại Mỹ. Đây là thương hiệu vodka lâu đời tại Nga được thành lập năm 1901 theo công thức đặc biệt của nhà hóa học Dmitri Mendeleev.
Vodka Liên Xô rất được ưa chuộng tại Mỹ, còn nước uống giải khát có gas được người dân Liên Xô yêu thích đã tạo ra nguồn lợi kinh tế hai chiều cho Tập đoàn Pepsi.
Bất ngờ trở thành "cường quốc hải quân"
Tới năm 1989, thỏa thuận giữa Pepsi và phía Liên Xô đáo hạn và hai bên bắt đầu đàm phán về thỏa thuận mới. Ở thời điểm đó, quy mô sản xuất của Tập đoàn Pepsi tại Liên Xô là 20 nhà máy với tổng giá trị ước tính khoảng 3 tỷ USD.
Sự phát triển kinh doanh của Pepsi tại Liên Xô đã vượt quá khả năng thanh toán bằng việc phân phối độc quyền vodka Stolichnaya, trong khi đó Liên Xô không thể quy đổi tiền ruble thành ngoại tệ để thanh toán thỏa thuận đã buộc hai bên phải tìm ra phương thức thanh toán mới.
Sau khi được thanh toán, Pepsi bất ngờ trở thành "cường quốc hải quân" trên thế giới.
Trong những năm 1980, sau nhiều năm phát triển nóng, Quân đội Liên Xô dư thừa rất nhiều tàu chiến và tàu ngầm. Từ đây, một phương án thanh toán đặc biệt đã được thực hiện. Liên Xô chuyển giao cho Pepsi 17 tàu ngầm diesel-điện, 1 tuần dương hạm, 1 khu trục hạm và 1 khinh hạm để thanh toán thỏa thuận.
"Khoản thanh toán" đặc biệt này cũng gây khó khăn cho Pepsi, nhưng tập đoàn Mỹ đồng ý để được phép tiếp tục kinh doanh tại Liên Xô. Sau khi thỏa thuận có hiệu lực, Pepsi bất ngờ trở thành "cường quốc hải quân" khi sở hữu hạm đội hùng hậu đứng thứ 6 thế giới về lực lượng tàu ngầm.
Do không có nhân lực quản lý và sử dụng, toàn bộ tàu ngầm và chiến hạm phía Liên Xô chuyển giao đã được Pepsi bán lại cho một công ty tái chế Thụy Điển để tháo dỡ, phân kim.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.