Cục QLĐB III (Tổng Cục đường bộ Việt Nam) vừa tổ chức tập huấn lắp ghép hệ dầm Bailey kép 2x1 nhịp 21m cho các đơn vị, hạt quản lý đường bộ, nhà thầu quản lý bảo dưỡng thường thuyên các tuyến quốc lộ trên địa bàn.
Theo ông Nguyễn Thanh Hoài, Cục trưởng Cục QLĐB III, thời gian qua, tại Cục QLĐB III (Khu quản lý đường bộ V trước đây), dầm Bailey đã và đang được sử dụng trong nhiều tình huống, điển hình như khi cầu chính bị hư hỏng nghiêm trọng không đảm bảo khả năng khai thác (kết cấu nhịp) thì có thể sử dụng nhịp dầm Bailey vượt trên mặt cầu hoặc làm cầu tạm đảm bảo giao thông. Trong các tình huống sự cố do thiên tai (sạt lở, đứt đường….) thì có thể sử dụng dầm Bailey để vượt qua đoạn đường bị đứt hay trong các trường hợp khác như hệ sàn đạo, trụ tạm chống đỡ.
"Đối với các tuyến đường, công trình đường bộ trên địa bàn do Cục QLĐB III quản lý thường xuyên đối mặt với thiên tai, mưa lũ, sạt lở, nguy cơ đứt đường, công trình cầu đường bộ bị tàn phá nên giao thông có thể bị chia cắt bất cứ lúc nào. Việc trang bị kiến thức, nâng cao kỹ năng, kỹ thuật lắp ghép hệ dầm Bailey cho đội ngũ cán bộ, công nhân giao thông đường bộ có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhằm đáp ứng yêu cầu ứng phó với các tình huống xẩy ra, vừa để đảm bảo giao thông, vừa thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn" , ông Hoài nhìn nhận.
"Từ tiền đề buổi tập huấn lần này, Cục QLĐB III sẽ đúc rút kinh nghiệm để nâng thành chương trình diễn tập lắp ghép hệ dầm Bailey ở địa điểm, vị trí có địa hình, địa vật tương tự như địa hình, hiện trường xảy ra các sự cố sạt lở, đứt đường trong thực tế. Có như vậy, đội ngũ cán bộ, công nhân mới tích lũy được kinh nghiệm, nâng cao kỹ năng, kỹ thuật lắp ghép hệ dầm Bailey, sẵn sàng ứng phó trước các tình huống thiên tai", ông Hoài nhấn mạnh.
Theo ông Trần Bá Đạt, Phó Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Tổng cục Đường bộ Việt Nam), mô hình cầu Bailey đầu tiên được Donald Bailey, một viên chức trong bộ chiến tranh Anh, một người ưa chuộng các mô hình cầu, đệ trình trong những năm thế chiến thứ hai.
Sau khi thiết kế và thử nghiệm thành công, cầu Bailey đầu tiên đã được sử dụng tại Bắc Phi năm 1942. Đến năm 1944, những chiếc cầu Bailey bắt đầu được sử dụng phổ biến. Cùng thời điểm này, Mỹ cũng được cấp phép để thiết kế và tự sản xuất cầu Bailey. Cho đến nay, cầu Bailey vẫn tiếp tục được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới nhờ những tính năng ưu việt của nó.
"Tại Việt Nam, cầu Bailey được biết đến khi quân đội Mỹ đưa vào lắp ráp để phục vụ nhu cầu cơ động vận tải trong cuộc chiến tại miền Nam Việt Nam. Sau chiến tranh, cầu Bailey vẫn được tiếp tục sử dụng tại Việt Nam để phục vụ dân sinh vì tính linh hoạt đáp ứng được các điều kiện khó khăn trong thi công do địa hình hiểm trở, đồng thời giảm thiểu chi phí cho những công trình cầu tạm", ông Đạt cho biết.
Cầu Bailey là một loại hình cầu di động, cho phép người sử dụng sản xuất, gia công trước, có thiết kế đơn giản và không đòi hỏi các thiết bị nặng trong cơ cấu. Cầu Bailey có những điểm ưu việt như: Cầu tạm Bailey phù hợp với mọi địa hình Việt Nam; tốc độ thi công, lắp ghép nhanh và thông cầu trong thời gian ngắn nhất; kết cấu cầu mang tính chất gọn, dễ dàng vận chuyển đến mọi công trình địa hình ở Việt Nam; rất linh hoạt cho mọi công trình, dễ dàng tháo ráp và tái sử dụng cầu tạm Bailey; chi phí sử dụng cầu tạm Bailey thấp, trong khi chất lượng cao.
"Với những giá trị ưu việt như thế, nếu chúng ta không duy trì, phổ biến, nâng cao kiến thức, kỹ năng, kỹ thuật lắp ghép hệ dầm Bailey thì sẽ có ảnh hưởng đến công tác đảm bảo giao thông đường bộ, ứng phó với thiên tai, cứu hộ cứu nạn. Không những vậy, qua cuộc tập huấn này, cũng là dịp cho các đơn vị rà soát lại vật tư, thiết bị, chủ động ứng phó với thiên tai; đội ngũ cán bộ, kỹ thuật, công nhân có dịp được bổ sung, trang bị thêm kiến thức, kỹ năng về kỹ thuật lắp ghép hệ dầm Bailey", ông Đạt nói.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.