Đề án tái cơ cấu vận tải trong năm 2015 được cả xã hội đánh giá cao. |
Tại hội nghị, ông Trần Bảo Ngọc - Vụ trưởng vận tải cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về tái cơ cấu, trong năm 2015, Bộ đã triển khai nhiều giải pháp trọng tâm, được xã hội đánh giá cao. Chẳng hạn như đường sắt đã được thực hiện cổ phần hóa (CPH), huy động mọi nguồn lực kinh tế tham gia để thúc đẩy ngành vận tải đường sắt phát triển. Ở lĩnh vực đường Bộ đã thực hiện cải cách thủ tục hành chính, siết chặt quản lý vận tải, đẩy mạnh công tác kiểm soát tải trọng xe. Đường thủy tăng cường công tác sắp xếp mô hình hoạt động. Hàng không tạo ra được diện mạo hoàn toàn mới, được tổ chức quốc tế và người dân đánh giá cao trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ, an ninh.
Trong năm 2015, để hoàn thành các mục tiêu quan trọng trong công cuộc tái cơ cấu ngành vận tải, Bộ GTVT đã thành lập các Tiểu ban chỉ đạo nhằm xây dựng các đề án tái cơ cấu ở các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường thủy nội địa và đường biển. Bên cạnh đó, xây dựng các hành lang vận tải chính, nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm chi phí vận tải, xây dựng thể chế, chính sách để phát triển vận tải đa phương thức, logistics…
Việc phát huy lợi thế của vận tải đường bộ trong các khâu gom hàng, tạo chân hàng, vận chuyển hàng hóa, hành khách cự ly ngắn và trung bình là một hướng đi hoàn toàn đúng, đã tạo nên một diện mạo mới, duy trì sự ổn định của ngành vận tải.
Ở lĩnh vực đường sắt, Bộ tập trung chỉ đạo nâng cao khả năng vận tải hàng hóa đường dài, khối lượng lớn; vận tải khách đường dài, hành khách liên tỉnh, đặc biệt tăng thị phần đảm nhận của vận tải đường sắt trên các hành lang vận tải chủ yếu và vận tải hành khách công cộng đô thị tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Đối với lĩnh vực đường thủy nội địa, trong năm 2015 đã đảm nhận vận chuyển hàng rời khối lượng lớn với chi phí thấp, hàng siêu trường, siêu trọng, vận tải chuyển tiếp phục vụ nông nghiệp và nông thôn; tăng thị phần đảm nhiệm vận tải đường thủy nội địa tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng một cách có hiệu quả.
Lĩnh vực vận tải hàng hải, trong năm vừa qua đã thực hiện vận chuyển hàng triệu tấn hàng viễn dương, các tuyến vận tải trục Bắc – Nam. Phát triển các tuyến vận tải hành khách ven biển, hải đảo. Chú trọng đầu tư đảm bảo sự kết nối liên hoàn giữa cảng biển và mạng lưới giao thông và đầu mối logistics ở khu vực và phát triển các dịch vụ hỗ trợ đi kèm.
Đối với lĩnh vực hàng không, Bộ chỉ đạo ngành hàng không tập trung phát huy tối đa thị phần vận tải hành khách đường dài, quốc tế và hàng hóa có giá trị cao; phát triển vận tải hàng không trở thành phương thức vận tải an toàn và thuận tiện theo hướng thị trưởng mở, gắn liền với thị phần vận tải hàng không khu vực và thế giới.
Trong năm 2016, Bộ GTVT cần cập trung phát triển loại hình vận tải biên giới |
Chia sẻ về các nhóm giải pháp tái cơ cấu vận tải năm 2016, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết: Với chủ đề của năm là đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu, thiết lập lại thị trường vận tải theo hướng phát triển hài hòa các phương thức vận tải, phát huy được các thế mạnh của tổ hợp vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics, Bộ GTVT sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý đối với công tác quản lý hoạt động kinh doanh vận tải. Tăng cường công tác phối hợp với các ngành, địa phương trình Chính phủ ban hành các Nghị định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải. Đồng thời, tiếp tục tập trung mạnh vào các nhóm giải pháp trọng tâm như: Thu hút xã hội hóa đầu tư và khai thác bến xe khách, cảng thủy nội địa, cảng biển…
Mặt khác, Bộ tiếp tục xây dựng và triển khai các phương án, đề án tăng cường kết nối các phương thức vận tải đến các cảng biển đầu mối, các trung tâm phân phối hàng hóa, phát triển vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics. Đặc biệt, lấy Đề án đổi mới và nâng cao hiệu quả quản lý kinh doanh vận tải đường sắt làm mục tiêu trọng tâm; Đầu tư, mở rộng mạng lưới đường bay đối với lĩnh vực hành không. Tăng cường công tác thanh kiểm tra hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ và các loại hình vận tải khác.
“Bên cạnh đó, năm 2016, ngành vận tải tiếp tục nhân rộng mô hình hoạt động sàn giao dịch vận tải. “Năm 2015, chúng ta đã xây dựng và triển khai hoạt động của sàn giao dịch vận tải hàng hóa đường bộ. Sau hơn một tháng đưa vào hoạt động, sàn giao dịch đã có gần 200 đơn vị kinh doanh vận tải đăng ký tham gia hoạt động trên sàn, nhiều giao dịch vận tải thông qua sàn đã được ký kết thành công. Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục triển khai xây dựng các sàn giao dịch vận tải đường thủy, đường sắt, hàng hải…” – Thứ trưởng nói.
Tham gia ý kiến tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Thanh – Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam (HHVTOTVN) kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác quản lý xe trên các tuyến cao tốc, cần có báo cáo chuyên đề hàng tháng, hàng quý về phương thức vận tải, tổ chức vận tải để nâng cao hoạt động vận tải.
“Bên cạnh đó, Bộ cần đẩy mạnh áp dụng Khoa học công nghệ thu phí một dừng đối với các Trạm thu phí đường bộ trên toàn quốc. Đồng thời, Hiệp hội tiếp tục đề xuất Bộ GTVT triển khai đề án tổ chức phạt nguội đối với các xe quá tải trọng cho phép và các xe vi phạm tốc độ xe trên đường cao tốc trong năm 2016” – ông Thanh nhấn mạnh.
Gần 200 đơn vị kinh doanh vận tải đăng ký tham gia hoạt động trên sàn giao dịch vận tải trong 2 tháng cuối năm 2015, thông qua sàn nhiều hợp đồng đã được ký kết thành công. |
Đồng quan điểm với những kiến nghị của Hiệp hội Vận tải ô tô VN, ông Nguyễn Văn Tương – Chủ tịch Hiệp hội vận tải logistics Việt Nam cho rằng, để tái cơ cấu ngành vận tải trong giai đoạn tiếp theo, Bộ GTVT nghiên cứu sửa đổi bổ sung Luật Logictis cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Tập trung phát triển loại hình vận tải biên giới đối với các nước trong khối Asean. Đặc biệt, kiến nghị Bộ thành lập Ủy ban điều phối logictis Biên giới trong thời gian tới.
Đặc biệt, Hiện đang có xu hướng chuyển từ vận tải đường bộ sang đường sông, đường sắt vì chi phí đường bộ cao quá. Vì thế, Bộ GTVT cần chú trọng phát triển hạ tầng, ban hành các cơ chế khuyến khích đối với hai lĩnh vực vận tải này. Khi đó chi phí logistics chắc chắn sẽ giảm”, ông Tương đề xuất.
Liên quan tới vấn đề điều chỉnh giá cước taxi trong thời điểm giá xăng dầu tiếp tục giảm sâu, Chủ tịch Hiệp hội vận tải taxi Hà Nội bức xúc cho rằng, các DN vận tải taxi đang phải chịp áp lực rất lớn trong việc giảm giá cước taxi. Phải nói rằng, các DN đang “bị ép buộc” phải giảm giá cước. Gần như các hãng taxi trên địa bàn Hà Nội đều cảm thấy mệt mỏi trong việc điều chỉnh giá cước. Phân trần về điều này, vị đại diện Hiệp hội taxi Hà Nội cho rằng, để giảm được vài trăm đồng giá cước thì DN phải bỏ ra hàng trăm triệu đồng chỉ để in lại bảng giá, như vậy là rất tốn kém. Nếu không giảm thì ở trên kêu, ở dưới dân phản ứng.
“Trong khi taxi truyền thống luôn ổn định về giá cả và dịch vụ thì loại hình Uber, Grab taxi lại đang có chiều hướng biến tướng về giá và khó kiểm soát. Như ngày rét mướt hôm nay, các xe Taxi Uber đồng loạt “niêm yết” 30 nghìn/Km mà dân vẫn cứ đổ xô gọi xe, trong khi đó taxi truyền thống ổn định với mức giá 11 nghìn/km thì dư luận vẫn bức xúc đòi giảm giá”, Đại diện Hiệp hội taxi Hà Nội gay gắt nhấn mạnh.
Tại cuộc họp, đại diện các Hiệp hội Vận tải thủy nội địa và Hiệp hội vận tải cảng biển cũng đề xuất một số cơ chế cần tháo gỡ để đảm bảo sự phát triển ổn định, đúng chủ trương.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết, tất cả các ý kiến, kiến nghị tại hội nghị sẽ được các cơ quan của Bộ ghi nhận, nghiên cứu chỉnh sửa và bổ sung với mục tiêu nâng cao công tác quản lý nhà nước, tạo điều kiện tốt nhất cho DN phát triển và bảo đảm quyền lợi cho người dân.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.