Cánh của máy bay Airbus A350 XWB có thể uốn cong 90 độ |
Quy trình kiểm định
Trước khi được chuyển tới các hãng hàng không, máy bay phải trải qua một loạt thử nghiệm toàn diện, từ đông lạnh như ở Bắc Cực cho đến tập "bắn chim" ở buồng lái..., tất cả là để đảm bảo sự an toàn tối đa. Dưới đây là một số bài thử nghiệm mà chiếc máy bay nào cũng phải trải qua.
Thử nghiệm tĩnh
Để xem cánh và thân máy bay hoạt động thế nào trong điều kiện tải trọng bình thường và quá tải trọng bình thường, các nhà sản xuất tiến hành một cuộc “thử nghiệm tĩnh”. Chẳng hạn như hãng Airbus đã thực hiện thử nghiệm xác định tải trọng tối đa trên một khung máy bay tĩnh được lắp ráp đặc biệt cho chiếc A350 XWB Airbus vào năm 2013. Cánh của chiếc máy bay được ghi nhận có thể chịu tải trọng cao hơn gấp 1,5 lần so với tải trọng thực tế khi chở khách. Ở mức tải trọng tối đa, cánh của máy bay có thể uốn cong đến gần 90 độ. Thử nghiệm này giúp nhà sản xuất xác định điểm giới hạn của máy bay và đảm bảo tải trọng khi hoạt động luôn ở ngưỡng an toàn.
Chim và nước
Nếu máy bay bỗng dưng gặp một đàn chim đang di cư, đó không chỉ là một cuộc chạm trán đẫm máu cho đàn chim mà còn là một mối đe dọa cho các hành khách. Một chú chim nhỏ cũng có thể khiến động cơ bị chết hoặc nổ tung. Để đảm bảo động cơ máy bay có thể tiếp tục hoạt động bình thường ngay cả khi bị chim va, các nhà sản xuất đã tiến hành một bài kiểm tra với… chim chết. Chim được bắn thẳng vào động cơ với tốc độ cao từ một khẩu pháo hơi có đường kính lớn mà người ta gọi vui là súng bắn gà. Chim chết còn được bắn vào kính chắn gió để xem xem cửa sổ của máy bay có bị vỡ hoặc máy bay có bị bay lệch hướng hay không.
Bên cạnh chim thì nước cũng là một vấn đề đáng lo. Để xem điều gì sẽ xảy ra khi nước tràn vào động cơ chẳng hạn như khi mưa lớn, máy bay sẽ phải đi qua một mương nước đặc biệt. Thậm chí một số nhà sản xuất còn bắn cả đá lạnh vào động cơ để mô phỏng tình huống máy bay bay qua đám mây mưa đá.
Nóng và lạnh
Để kiểm tra khả năng chịu được nhiệt độ đóng băng của Airbus A350 XWB, các kỹ sư đã đưa nó đến Iqualuit - thủ phủ nằm ở cực Bắc của bang Nunavut, Canada. Trong vòng một tuần, chiếc máy bay sẽ phải trải qua các thử nghiệm như: Vận hành máy bay trên mặt đất và trên không ở nhiệt độ -280C, thực hiện đảo chiều trong tuyết, tăng tốc máy bay sau một thời gian dài ở nhiệt độ thấp… Máy bay sau đó cũng được thử nghiệm tương tự trong vòng một tuần ở các sân bay có độ cao lớn so với mực nước biển như Cochabamba, La Paz (Bolivia), Addis Ababa (Ethiopia) để tạo một sức căng lớn lên động cơ và các hệ thống khác.Kỹ thuật số
Một trong những cách tiên tiến nhất để thử nghiệm máy bay đó là thử nghiệm kỹ thuật số. Chẳng hạn, Bombardier Inc. - một công ty hàng không vũ trụ đa quốc gia có trụ sở tại Montreal, Quebec, Canada đã xây dựng một cơ sở thử nghiệm máy bay kỹ thuật số trên mặt đất. Người ta sẽ dựng lên một mô hình khổng lồ có tất cả các hệ thống chính của một chiếc máy bay điển hình để mô phỏng một chiếc máy bay đang bay trên bầu trời. Hệ thống mô phỏng này được gọi bằng cái tên “Chim sắt”. Chim sắt có thể mô phỏng các phân đoạn bay như cất cánh, hành trình, hạ cánh... Việc mô phỏng có thể dự đoán bất kỳ vấn đề nào ảnh hưởng đến cấu trúc máy bay như các vết nứt nhỏ xíu có thể xuất hiện tại một thời điểm cụ thể khi máy bay phục vụ dân dụng. Ngoài ra, các kỹ sư còn tiến hành siêu âm cho phần tiếp nối giữa cánh và thân máy bay để phát hiện các khiếm khuyết mà không cần phải tháo rời chiếc máy bay.
Kiểm tra sét
Khi bị sét đánh, máy bay nhôm truyền thống vẫn có thể tiếp tục hành trình an toàn bởi đặc tính dẫn điện cao của nhôm có thể làm tiêu tan dòng điện qua cấu trúc máy bay một cách nhanh chóng mà không gây ra bất kỳ thiệt hại nào. Nhưng ngày nay, để giảm trọng lượng, máy bay hiện đại được chế tạo bằng những vật liệu mới, nhẹ hơn như sợi carbon, có tính dẫn điện thấp hơn nhiều so với nhôm. Máy bay sợi carbon có thể cải thiện hiệu suất nhiên liệu lên tới 25% nhưng đòi hỏi cần được chống sét bằng một lớp lưới hoặc lá kim loại mỏng. Sau đó, máy bay sẽ phải trải qua một bài thử nghiệm với dòng điện có cường độ tối thiểu 100.000 amps - đủ để cấp điện cho cả một thị trấn nhỏ.
Tại hãng Boeing, có hai hệ thống khác nhau để kiểm tra sét: Máy phát điện áp cao 2 Megavolt tạo ra sét và hệ thống điện 50 - 60 KV có thể sản xuất dòng điện 200.000 amps để mô phỏng những cú sét đánh mạnh mẽ lên vỏ máy bay.
Đăng kiểm máy bay
Theo Công ước Hàng không dân dụng quốc tế (còn gọi là Công ước Chicago), tất cả máy bay dân dụng phải được đăng kiểm với Cơ quan Hàng không quốc gia (NAA). Mọi quốc gia, ngay cả những nước không tham gia Công ước Chicago đều có NAA với chức năng bao gồm đăng kiểm máy bay dân dụng. Thông thường, máy bay được đăng kiểm tại khu vực tài phán mà hãng hàng không đặt trụ sở và được hưởng các đặc quyền khi hoạt động quốc tế. Tuy nhiên, nhiều máy bay được đăng kiểm tại các đơn vị nước ngoài cung cấp dịch vụ đăng kiểm máy bay mở.
Các NAA sẽ tiến hành kiểm tra một lần nữa để chắc chắn máy bay đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn cơ bản về an toàn hàng không do Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) quy định cũng như các tiêu chuẩn riêng của từng quốc gia.
Trong phạm vi châu Âu, nhiều quy định an toàn hàng không được thiết lập bởi một cơ quan của Ủy ban châu Âu gọi là Cơ quan An toàn hàng không châu Âu (EASA). Do đó, một số quy định về hàng không do EASA đưa ra như: Giấy phép phi công, cấp phép loại tàu bay... được áp dụng chung cho các quốc gia châu Âu.
Mỗi máy bay dân dụng sẽ được đánh dấu nổi bật ở bên ngoài bằng một chuỗi ký tự chữ và số, cho biết quốc gia đăng ký và số series duy nhất của nó. Mã này cũng phải xuất hiện trong Giấy Chứng nhận đăng ký do NAA cấp. Mỗi chiếc máy bay chỉ có thể có một đăng ký trong một khu vực tài phán.
Tất cả máy bay dân dụng đều phải trải qua quá trình kiểm tra khắc nghiệt như trên. Do đó, nếu sau này bạn có gặp phải những tình huống bất ổn hoặc thời tiết xấu trên chuyến bay thì hãy yên tâm rằng, máy bay của bạn sẽ sống sót qua những điều kiện còn tồi tệ hơn rất nhiều.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.