Dấu mốc lịch sử của ngành đường sắt thế giới
SNCF lần đầu tiên khởi xướng khái niệm “đường sắt cao tốc” ở Pháp vào năm 1970, khi đề xuất xây dựng một tuyến đường sắt mới nối liền Paris và Lyon dựa trên 4 nguyên tắc: Dành riêng để chuyên chở khách, tương thích với mạng lưới đường sắt hiện có, tần suất chuyến cao, thời gian hành trình ngắn.
Năm 1981 đánh dấu một bước ngoặt lịch sử trong ngành Đường sắt của Pháp nói riêng và giao thông nước này nói chung, khi SNCF khai trương tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên khởi hành từ Paris tới Lyon. TGV trở thành một điểm nhấn nổi bật trong GTVT và lịch sử đường sắt thế giới khi trở thành hệ thống đường sắt cao tốc đầu tiên ở châu Âu. Nó còn trở thành “kỳ phùng địch thủ” với hệ thống tàu cao tốc Shinkansen của Nhật Bản khi xác lập kỷ lục “Tàu chạy trên ray nhanh nhất thế giới” vào năm 1990, đạt tốc độ 515,3km/h. Dù kỷ lục này đã bị Shinkansen phá vỡ vào năm 2003 nhưng TGV vẫn luôn được người ta nhắc đến là một trong những hệ thống tàu cao tốc nhanh nhất thế giới.
20 năm sau ngày chuyến tàu đầu tiên lăn bánh, TGV đã có mặt ở phía Nam, phía Tây, phía Bắc nước Pháp và mở rộng sang các nước láng giềng như Bỉ, Ý, Thụy Sĩ, Đức, Hà Lan; đơn cử như tuyến tàu điện mang tên Thalys kết nối Pháp - Đức - Bỉ - Hà Lan; Eurostar kết nối Pháp - Bỉ - Anh… Hiện tại, TGV đã kết nối hơn 230 điểm đến ở 15 quốc gia giữa Pháp và châu Âu. Nhiều loại tàu cao tốc phát triển từ TGV đã lăn bánh ở Hàn Quốc (KTX), Tây Ban Nha (AVE) và ở Mỹ (Acela).
Thành công cả về kỹ thuật lẫn thương mại
Một chuyến tàu TGV phục vụ với vận tốc trung bình 320km/h. Để đạt được vận tốc cao như vậy, TGV phải sử dụng đường ray đặc biệt, ở đó những đường ray vòng được nâng cao và hàng loạt những cải tiến cho phép tàu lăn bánh ở tốc độ cao. Những cải tiến này dựa trên những nguyên tắc cơ bản như: Mô-tơ công suất lớn, trọng tâm của tàu thấp, hình dáng khí động học, những điểm móc nối phải cực chắc chắn, tín hiệu hỗ trợ chính xác cho lái tàu khi không thể quan sát được hai bên lúc tàu chạy với vận tốc cao.
Chi phí lắp đặt một tuyến TGV khá cao nhưng nếu so với các tuyến tàu cao tốc khác trên thế giới thì nó lại rẻ nhất. Theo thống kê của Alstom, đường ray TGV đầu tiên nối Paris - Lyon tốn khoảng 4 triệu USD/km. Những dự án TGV gần đây tốn trung bình 10 - 20 triệu USD/km, trong khi để xây một kilomet đường sắt tàu cao tốc ở Ý tốn 25 triệu USD, ở Hàn Quốc là 35 triệu USD, ở Hà Lan là 53 triệu USD và ở Anh là 74 triệu USD. Tuy vốn đầu tư cao nhưng nguồn lợi TGV mang lại cho SNCF không hề nhỏ. Trong vòng 10 năm sau khi khánh thành chuyến TGV đầu tiên, lượng hành khách liên tục tăng mạnh. SNCF uớc tính hệ thống TGV phục vụ khoảng 250.000 hành khách mỗi ngày, lượng hành khách một năm trung bình đạt 90 triệu người. Đến cuối năm 2003, hệ thống TGV đã cán mốc 1 tỷ hành khách và đến 2010 là 2 tỷ hành khách.
Ở thời kỳ hoàng kim, TGV chiếm khoảng 75% khối lượng vận chuyển hành khách trên tuyến giao thông do SNCF quản lý. Hoạt động chuyên chở giữa Pháp và các nước láng giềng đã đem về lợi nhuận khổng lồ cho SNCF. Lợi thế giúp TGV cạnh tranh được với hàng không và đường bộ chính là khoảng thời gian di chuyển ngắn, dịch vụ đa dạng, thuận tiện, an toàn và giá vé rẻ hơn nhiều so với máy bay thời bấy giờ; chưa kể nó còn thân thiện với môi trường - một yếu tố quan trọng đối với người dân Pháp vốn nổi tiếng là yêu thiên nhiên. Những điều này đã giúp TGV không có đối thủ ở những quãng đường dưới 1.000km và thời gian dưới 3 giờ trong phạm vi nước Pháp cũng như các nước lân cận.
Đế chế suy tàn
Từ năm 2010, TGV bắt đầu đi xuống một phần là bởi sự phát triển như vũ bão của các hãng hàng không giá rẻ, chi phí di chuyển bằng tàu cao tốc không còn cạnh tranh được với máy bay. Chẳng hạn, di chuyển gần 800km từ Paris đến Marseille mất khoảng 3,5 tiếng và tốn tới 180 euro cả đi lẫn về, tương đương 16% lương tối thiểu ở Pháp. Trong khi đó, người dân hoàn toàn có thể săn vé máy bay giá rẻ từ Paris đi tới Marseille với giá chỉ 25 - 30 euro.
Chi phí đầu tư cho TGV ở Pháp dù thuộc hàng thấp nhất thế giới nhưng vẫn khá tốn kém, cao gấp ba lần chi phí làm đường cao tốc 4 làn xe. Chi phí bảo dưỡng hàng năm cũng không ít, khoảng 1 triệu euro/km/năm. Theo báo cáo mới nhất của SNCF, hiện chỉ có tuyến tàu Paris - Lyon - Marseille lãi khoảng 4,2%, trong khi các tuyến đường TGV khác của Pháp không có lãi, thậm chí lỗ vốn và trở thành gánh nặng của Chính phủ và người dân. SNCF chọn giải pháp tăng giá vé hơn khoảng 30% để bù lỗ càng khiến TGV thất thế trước hàng không.
Mặc dù vậy, TGV vẫn là lựa chọn của nhiều hành khách thích du lịch ngắm cảnh hoặc thư giãn trên những chuyến tàu cao cấp, sạch sẽ, thay vì phải chen chúc trên những chuyến bay giá rẻ xô bồ. Dù không còn ở thời kỳ hoàng kim nhưng cũng không thể phủ nhận TGV là yếu tố quan trọng góp phần hồi sinh ngành Vận tải Đường sắt của Pháp và trở thành một biểu tượng trường tồn của xã hội hiện đại nước này o
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.