Tàu Cát Linh - Hà Đông được kiểm định chất lượng như thế nào?

Giao thông 24h 01/05/2019 15:00

Cục Đăng kiểm Việt Nam đã nghiệm thu được 98% khối lượng của các đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông.

 

tau-1-3364-1556333782
Tàu Cát Linh - Hà Đông đỗ tại khu bảo dưỡng Depot. Ảnh: Giang Huy.

Cục Đăng kiểm Việt Nam là cơ quan chịu trách nhiệm kiểm tra chất lượng an toàn của 13 đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông và 2 tàu công trình chuyên kiểm tra kết cấu hạ tầng trên tuyến. 

Theo ông Lê Hoàng Tùng, Phó phòng đường sắt, Cục Đăng kiểm, đến nay khối lượng cần kiểm tra đã hoàn thành 98%, kết quả đều đảm bảo yêu cầu về an toàn kỹ thuật. 

Cơ quan đăng kiểm đã kiểm tra các thiết bị của đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông ở trạng thái tĩnh và động như thiết bị trong buồng lái và khoang khách, hệ thống điều hòa, ánh sáng, cửa tàu, thiết bị phanh... Trong trường hợp hệ thống điện gặp sự cố, ắc quy của đoàn tàu đủ cung cấp điện cho một lần đóng mở cửa, chiếu sáng, thông gió trong vòng 30 phút.

Đoàn tàu cũng được kiểm tra việc vận hành trên tuyến như thử hệ thống phanh, thử khả năng tàu vận hành khi có sự cố, giả định tàu bị hỏng một nửa số động cơ điện thì các động cơ còn lại vẫn cung cấp đủ lực kéo đưa tàu về ga gần nhất.

Ngoài ra các chức năng an toàn của hệ thống điều khiển chạy tàu gồm các hệ thống: vận hành tàu tự động (ATO), tự động bảo vệ đoàn tàu (ATP), tự động giám sát (ATS) cũng được kiểm tra.

Tàu Cát Linh - Hà Đông được thiết kế vận hành theo 2 chế độ là lái tự động và lái thủ công. Ở chế độ lái tự động, việc tăng giảm tốc độ, đóng mở cửa tự động hoàn toàn, người lái tàu ra lệnh chạy tàu và quan sát, xử lý sự cố trên tuyến. Ở chế độ lái thủ công thì người lái phải điều khiển tàu hoàn toàn. Các chế độ này đều được cơ quan đăng kiểm kiểm tra. 

Tàu Cát Linh - Hà Đông sử dụng hệ thống tín hiệu điều khiển chạy tàu dựa trên thông tin (CBTC), đây là công nghệ hiện đại đang được áp dụng rộng rãi ở các nước như Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore, Thái Lan... Hệ thống này dựa vào truyền thông không dây, truyền thông tin hai chiều theo thời gian thực về vị trí, tốc độ đoàn tàu, khoảng cách giữa các đoàn tàu ... để điều khiển chạy tàu. Việc áp dụng công nghệ CBTC cho phép đoàn tàu thực hiện đóng đường di động giúp thu hẹp giãn cách giữa các đoàn tàu, nâng cao tần suất chạy tàu nhưng vẫn đảm bảo an toàn.

Thân vỏ tàu Cát Linh - Hà Đông được chế tạo từ vật liệu thép không gỉ, độ bền trên 30 năm theo thiết kế. Trên bàn điều khiển trong buồng lái có thiết bị chống ngủ gật tích hợp với cần điều khiển chính. Ở chế độ lái thủ công, nếu lái tàu buông tay khỏi cần điều khiển trong 3 giây thì đoàn tàu sẽ tự động phanh lại, chức năng này sẽ giảm thiểu được rủi ro như lái tàu ngủ gật, đột quỵ khi điều khiển tàu.

Ngoài việc kiểm định an toàn các đoàn tàu, đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông phải qua khâu đánh giá và được cấp giấy chứng nhận an toàn hệ thống. Việc đánh giá này sẽ do Liên danh Apave-Certifier-Tric, một tổ chức chứng nhận độc lập có đủ năng lực thực hiện, được chủ đầu tư dự án lựa chọn qua đấu thầu. Đơn vị độc lập này chịu trách nhiệm về kết quả đánh giá, chứng nhận của mình. 

Tại buổi kiểm tra dự án đầu tháng 3, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể yêu cầu tổng thầu và các đơn vị liên quan cần nỗ lực để dự án vận hành thương mại cuối tháng 4/2019. Tuy nhiên, các thủ tục kiểm nghiệm chưa hoàn tất, đoàn tàu chưa thể vận hành thương mại vào dịp 30/4 như kế hoạch.

Ý kiến của bạn

Bình luận