Vụ việc công ty vận tải biển Hanjin phá sản đang ngày một phức tạp khi theo đại diện của hãng, các tàu chở hàng lênh đênh trên biển mà không được tiếp nhận tại các cảng biển có thể trở thành những con tàu ma khi nước ngọt và thức ăn cạn kiệt
Công ty Hanjin là một trong những hãng vận tải biển lớn nhất thế giới và đã nộp đơn phá sản lên tòa án Hàn Quốc trong tuần trước tại Seoul. Động thái này khiến 85 chiếc tàu đang lênh đênh trên biển của hãng gặp khó khi hàng loạt các cảng biển ở Mỹ, Châu Âu và Châu Á quyết định niêm phong hàng hóa nếu neo đậu.
Chủ tịch liên đoàn lao động của Hanjin, ông Kim Ho Kyung cho biết: “Những con tàu của chúng tôi có thể trở thành tàu ma. Nước và thức ăn đang dần cạn trên những con tàu chở hàng lênh đênh trên vùng biển quốc tế”.
Chính phủ Hàn Quốc ngay lập tức đã phải vào cuộc và bơm tiền hỗ trợ Hanjin. Tập đoàn này sẽ nhận được 100 tỷ Won (90 triệu USD) nhằm giải quyết vấn đề khó khăn trước mắt. Ngoài ra, Đảng cầm quyền Saenuri tại Hàn Quốc đang kêu gọi chính phủ cung cấp khoản vay ưu đãi 100 tỷ Won nữa cho hanjin nếu công ty này chấp nhận đưa ra các tài sản thế chấp.
Bộ Thủy sản Hàn Quốc ước tính hãng Hanjin cần ít nhất 600 tỷ Won để thanh toán các khoản phí trả chậm như xăng dầu, trong đó bao gồm khoản tiền 100 tỷ Won cần thanh toán ngay lập tức để các cảng biển chấp nhận dỡ hàng cũng như tiếp liệu.
Trong khi đó, công ty Hanjin đã phải tiếp tế nước và thực phẩm cho 6 tàu neo đậu tại Rotterdam và Singapore. Phía công ty cho biết hiện có khoảng 70 tàu chở hàng và 15 tàu chở nhiên liệu đang mắc kẹt tại 50 cảng ở 26 quốc gia trên toàn cầu.
Một thuyền trưởng của tàu chở hàng Hanjin điện đàm về công ty và cho biết họ đã được phép neo đậu tại cảng Nhật Bản để dỡ hàng nhưng phải rời đi ngay lập tức. Tồi tệ hơn, yêu cầu được tiếp liệu của con tàu này bị từ chối và các thủy thủ trên tàu đang rất lo lắng về sự an toàn của bản thân họ khi lênh đênh trên biển.
Trong khi các luật sư của Hanjin đang cố gắng giải quyết vấn đề pháp lý tại 43 nước thì những con tàu chở hàng của hãng đang hướng về các cảng Singapore, Hamburg hay Busan-Hàn Quốc với hy vọng những cảng biển này sẽ chấp nhận cho dỡ hàng để khách hàng có thể thu xếp phương tiện vận chuyển khác.
Mỗi con tàu chở hàng của Hanjin thường có khoảng 24 thủy thủ với nước ngọt và thức ăn cho vài tuần. Mỗi chuyến đi qua Thái Bình Dương từ Busan-Hàn Quốc đến Los Angeles-Mỹ hết khoảng 10 ngày trong khi đi đến kênh đào Suez-Ai Cập hay Rotterdam-Hà Lan hết khoảng 1 tháng.
Mỗi tàu chở hàng thường mang khoảng 8.000 container loại 20ft, tiêu tốn khoảng 80-85 tấn xăng dầu/ngày với chi phí vận hành khoảng 8.376 USD mỗi ngày. Trong khi đó, chi phí bình quân cho mỗi tàu chở hàng như vậy tại các cảng biển là 35.000 USD.
Sau khi các chủ nợ của Hanjin từ chối chi thêm tiền để tái cơ cấu nguồn vốn của công ty với lý do không hiệu quả, tập đoàn này đã buộc phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản. Hiện công ty vẫn cần khoảng 1,3 nghìn tỷ Won tiền mặt để giải quyết các khoản nợ trong 4-5 năm qua.
Theo hãng Drewry Maritime Research, ngành vận tải biển toàn cầu đã bắt đầu thua lỗ từ cuối năm 2015 và khả năng toàn ngành sẽ mất khoảng 5 tỷ USD trong năm nay do tình trạng thừa cung.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.