Tàu HQ671 đang được neo tại sông Lạch Tray, Hải Phòng. Ảnh: HQ |
Cuối năm 2017, tàu vận tải quân sự số hiệu HQ671 là một trong 24 hiện vật, nhóm hiện vật được Thủ tướng công nhận bảo vật quốc gia. Con tàu còn có tên khác là C41, 641, được lưu giữ tại Bảo tàng Quân chủng Hải quân (Hải Phòng).
Tàu dài 31,5m, rộng 5,8m, cao từ đáy đến đỉnh cột cờ 11,7m, lượng giãn nước 165 tấn, là loại tàu Quảng Châu (trọng tải 50 tấn) do Trung Quốc sản xuất năm 1962, viện trợ cho Hải quân Việt Nam năm 1964. Vỏ tàu sơn màu xám bạc, mặt boong sơn màu xanh lá cây, phía mũi tàu in số hiệu HQ671 màu trắng.
Giám đốc Bảo tàng Hải quân, trung tá Hoàng Phi Hà cho biết, HQ671 là tàu duy nhất còn lại của Đoàn tàu “không số” - lực lượng vận tải anh hùng đã làm nên huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển. Quá trình tìm hiểu và xác minh, Bảo tàng đã tìm gặp những cựu binh từng là thuyền trưởng, máy trưởng, chiến sĩ làm việc trên tàu HQ671. Các nhân chứng đều khẳng định đây là con tàu C41, 641, là hiện vật có giá trị đặc biệt, bảo vật có ý nghĩa không chỉ đối với Hải quân nhân dân Việt Nam mà còn đối với cả quốc gia, dân tộc.
Theo ông Hà, tập thể cán bộ, chiến sĩ trên tàu HQ671 (C41 và 641) đồng thời cũng là thế hệ cán bộ, chiến sĩ từng công tác trên tàu 41, tham gia vận chuyển vũ khí chi viện chiến trường miền Nam. Trong đó, có chuyến đầu tiên mở đường Hồ Chí Minh trên biển tháng 10/1962. Vì vậy, thành tích của đội tàu HQ671 lá sự tổng hợp, tiếp nối và phát huy những chiến công của đội tàu 41.
Lịch sử ghi chép, từ tháng 10/1962 đến năm 1971, cán bộ, chiến sĩ đội tàu HQ671 (41, C41, 641) đã thực hiện gần 20 chuyến vận chuyển chi viện trực tiếp cho chiến trường miền Nam, chở được gần 400 tấn vũ khí vào các bến ở các tỉnh Quảng Ngãi, Phú Yên, Bà Rịa, Bạc Liêu, Cà Mau... Với những chiến công đặc biệt xuất sắc, ngày 11/1/1973, tập thể đội tàu được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (lần thứ nhất).
HQ671 - tàu không số vận chuyển vũ khí chi viện chiến trường miền Nam
Ngày 19/10/1962, tàu 41 vỏ gỗ (còn gọi là Phương Đông 1) do thuyền trưởng Lê Văn Một và chính trị viên Bông Văn Dĩa chỉ huy chở 30 tấn vũ khí vào bến Vàm Lũng (Cà Mau). Đây là chuyến đi đầu tiên đã khai thông con đường vận tải trên biển mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh nối liền hậu phương miền Bắc với chiến trường xa nhất ở tiền tuyến miền Nam, tạo bước ngoặt lịch sử có ý nghĩa chiến lược trong công tác chi viện cho miền Nam đánh giặc.
Một năm sau, tàu 41 tiếp tục chở hàng vào bến mới Lộc An, trực tiếp chi viện cho chiến trường mới ở Bà Rịa, góp phần quan trọng xây dựng lực lượng và sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ.
Sau khi đội tàu trở về miền Bắc, nhận tàu mới vỏ sắt, tiếp tục mang phiên hiệu tàu 41. Ngày 6/5/1964, tàu 41 do thuyền trưởng Phạm Vạn và chính trị viên Trần Hoàng Chiếu chỉ huy đã thực hiện thành công chuyến vận chuyển 47 tấn vũ khí vào bến Cà Mau chi viện cho Nam Bộ.
Ngày 29/11/1964, tàu 41 do thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh và chính trị viên Trần Hoàng Chiếu chỉ huy, chở 45 tấn vũ khí vào bến Vũng Rô (Phú Yên) an toàn. Đây là chuyến mở bến mới ở Nam Trung Bộ sau 13 ngày đêm đối mặt với bão gió và sự kiểm soát của kẻ địch. Sau chuyến đi này, tàu đi hai chuyến nữa, chở 102 tấn vũ khí vào bến Vũng Rô.
Trung tá Hồ Đắc Thạnh nhớ lại, ngày 26/11/1966, ông chỉ huy tàu 41 chở 59 tấn vũ khí, hàng hóa vào bến Đức Phổ, Quảng Ngãi thành công. Rạng sáng ngày 27/11, tàu chuẩn bị quay ra thì bị mắc cạn, ngoài khơi có tàu địch hoạt động. "Tình thế nguy hiểm, để đảm bảo bí mật con đường, tôi đã chỉ huy anh em cho hủy tàu", trung tá Thạnh kể.
Sau đó, cán bộ, thủy thủ tàu vượt đường Trường Sơn trở về miền Bắc, còn ông về làm cán bộ tiểu đoàn. Những cán bộ, thủy thủ còn lại nhận tàu mới vào năm 1967 mang phiên hiệu C41, tiếp tục vận chuyển vũ khí chi viện chiến trường miền Nam. Sau này tàu đổi tên là 641 và hiện nay là HQ671.
Tàu HQ671 tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng Trường Sa
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, tàu làm nhiệm vụ chở người, vũ khí, hàng hóa chi viện cho lực lượng tiến công giải phóng các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ.
Thượng úy Nguyễn Đắc Thớ, nguyên máy trưởng tàu từ năm 1968 đến 1981 kể lại, ông được được biên chế về tàu C41 tháng 12/1968 với chức vụ chiến sĩ máy 2. Lúc đó thuyền trưởng là ông Nguyễn Hồng Lỳ và chính trị viên là Trần Quốc Chẩn.
"Ngày 30/4/1970, tàu C41 nhận nhiệm vụ chở 58 tấn vũ khí vào miền Nam. Sau 8 ngày vật lộn với sóng to gió lớn, đến 4h30 ngày 8/5/1970, tàu vào bến Hang Hố, Cà Mau thành công. Cán bộ, thủy thủ tàu ôm chầm các đồng chí ở bến, mừng rơi nước mắt", ông Thớ kể lại.
Sau đó, tàu đi nhiều chuyến nữa nhưng không thành và phải ngừng vận chuyển vào Nam. Đến tháng 3/1975, tàu được lệnh tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Một tháng sau, tàu chở Đoàn 126 đặc công Hải quân đi giải phóng đảo Sơn Ca (quần đảo Trường Sa) và từ đó liên tục chở quân, vũ khí ra đảo Trường Sa.
Thiếu úy Vũ Văn Quang, nguyên là chiến sĩ Cơ điện Tàu từ năm 1973 đến 1982 nhớ rõ về sự kiện này. Đó là đầu tháng 4/1975, tàu nhận lệnh chở các chiến sĩ Phân đội 2 và Phân đội 4 thuộc Đội 1, Đoàn 126 Đặc công Hải quân đi giải phóng đảo Sơn Ca. 4h ngày 21/4, tàu xuất phát hướng ra Trường Sa. Đến ngày 25/4 tàu ra đến vùng biển Trường Sa và tiếp cận đảo Sơn Ca.
"Chỉ huy chiến đấu là đồng chí Đỗ Viết Cường, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Đội phó Đội 1. Sau lần một đổ bộ không thành, tàu chuyển hướng Tây Bắc tìm vị trí thuận lợi. 3 chiếc xuồng cao su chở các chiến sĩ Đoàn 126 đặc công Hải quân hướng về đảo, triển khai 3 mũi tiến công. Sau 30 phút chiến đấu, đảo Sơn Ca được giải phóng. Tàu chúng tôi được lệnh chở tù binh về đất liền", ông Quang nhớ lại.
"Trong các dịp kỷ niệm ngày mở Đường Hồ Chí Minh trên biển, cựu chiến binh chúng tôi lại đến thăm Bảo tàng và tàu HQ671 - con tàu đã gắn bó như máu thịt với chúng tôi suốt chặng đường dài. Mặc dù tàu mới được sơn lại và đã sửa chữa những chi tiết nhỏ, nhưng tất cả hệ thống máy vẫn còn nguyên vẹn như hồi chúng tôi sử dụng", ông Thớ cho hay.
Giám đốc Bảo tàng Hải quân Hoàng Phi Hà cho biết, hiện nay tàu HQ671 neo tại sông Lạch Tray, phục vụ đón khách tham quan.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.