Tàu vận tải siêu trọng trường hoạt động thế nào?

Tác giả: khoahoc.tv

saosaosaosaosao
Sản phẩm 07/04/2018 15:36

Khả năng chìm/nổi của tàu có được là nhờ các két nước chuyên dụng Ballast.

 

Dockwise-Vanguard

Dockwise Vanguard "cõng" cả một dàn khoan dầu khí.

Dockwise Vanguard là tàu vận tải siêu trọng trường thuộc loại khủng nhất hiện nay. Nó được dùng để vận chuyển những con tàu lớn như du thuyền Costa Concordia, hay đưa các dàn khoan dầu khí ra ngoài khơi. Vậy tàu vận tải này đã "gánh vác" những món hàng siêu khủng đó như thế nào?

Nhu cầu vận chuyển khối lượng hàng hóa lớn bằng đường biển đã hối thúc sự ra đời của những con tàu "quái vật" có khả năng chuyên chở vượt trội, thậm chí mang theo được cả... những con tàu khác, hay bất kỳ một lượng hàng hóa nào mà những con tàu thông thường không thể kham nổi.

Nguyên mẫu tàu vận chuyển siêu trọng trường đầu tiên được ra mắt là MV Lichtenfels, chế tạo vào những năm 1920 bởi công ty vận tải ĐG Hansa. Sau Chiến tranh Thế giới thứ 2, ĐG Hansa trở thành hãng vận chuyển hạng nặng nổi tiếng nhất toàn cầu. Tuy nhiên danh hiệu đó giờ đây đã vào tay tập đoàn Dockwise (Hà Lan) với số lượng tàu chuyên chở cao cấp nhiều nhất thế giới (19 tàu), đa dạng cho mọi chủng loại và mục đích.

Rất nhiều loại hình tàu vận tải khổng lồ đã được Dockwise phân phối và điều hành, bao gồm những mẫu Mighty Servant 1, MV Blue Marlin, MV Black Marlin và Vanguard. Trong đó Vanguard là mẫu tàu lớn nhất từng được Dockwise chế tạo bởi nó có thể chở hàng đến 117.000 tấn. Nó có thể vận chuyển các giàn khoan dầu khí ngoài khơi, và cũng có thể mang các tàu khác tới các bến tàu.

Vanguard có kích thước 275m x 70m, diện tích boong tàu 19.250m2 nên có khả năng chuyên chở lớn hơn 50% so với con tàu Blue Marlin. Đây là tàu bán chìm sở hữu thiết kế mở, boong tàu có thể hạ xuống dưới mặt nước 16m để các con tàu khác hoặc hàng hóa tự bơi vào và neo đậu. Phần boong cũng được thiết kế để nước chảy qua và không gây nguy hiểm cho tàu.

Dockwise-Vanguard-1

Tàu có thể chìm xuống dưới mặt nước 16m.

Khả năng chìm/nổi của tàu có được là nhờ các két nước chuyên dụng Ballast. Theo đó, nước biển sẽ được bơm đầy vào két nước này để tàu có thể chìm sâu dưới mặt nước, và bơm nước ra để làm nổi tàu.

Do có khả năng cõng trên lưng các con tàu khác nên Vanguard cũng có thể hoạt động như hệ thống ụ nổi giúp sửa chữa tàu, thuyền ngay trên biển. Tàu cũng có thể nhận hàng hóa từ bến tàu, thông qua cơ chế trượt vào đường ray.

Khi mang trên mình những con tàu khác, mức độ khủng của nó có thể tăng gấp đôi vì bản thân con tàu đã có độ giãn nước 116.173 tấn, và cộng với sức mang 117.000 tấn hàng hóa, thì tổng trọng tải tối đa có thể lên tới 233.173 tấn.

Các tháp được thiết kế sao cho dễ dàng di chuyển bên mạn tàu cũng như đảm bảo sự an toàn của thuỷ thủ đoàn khoảng 40 người. Chỗ ở của thuỷ thủ đoàn, bao gồm cả các thuyền viên cứu hộ, nằm phía mạn phải của tàu.

Vanguard được trang bị hai động cơ Wartsila 6L38 và hai động cơ Wartsila 12V38, ngoài ra còn có động cơ phụ Wartsila 6L20. Hệ thống động cơ diesel thuộc loại lớn nhất thế giới này cho phép con tàu di chuyển ở tốc độ 14 hải lý/giờ.

Dockwise-Vanguard-2

4 tháp trên tàu có thể di chuyển linh hoạt.

 

Hyundai Heavy Industries (HHI) đã giúp Dockwise đóng tàu Vanguard từ nửa cuối năm 2011, tới tháng 2/2013 siêu tàu chính thức được bàn giao cho đối tác Hà Lan. Tàu Vanguard, từng có tên là Type-0, có tổng chi phí hoàn thành lên đến 240 triệu USD. Từ năm 2014, Dockwise đã bắt đầu nghiên cứu sản xuất con tàu kế nhiệm Vanguard, siêu tàu được dự kiến có kích thước và khả năng vận tải lớn hơn so với người tiền nhiệm, tuy nhiên đến nay chưa thấy có thông tin thêm về con tàu Vanguard thế hệ 2 này.

Ý kiến của bạn

Bình luận