Tên lửa Long March-3B mang theo Chang'e-3 phóng từ Trung tâm phóng vệ tinh Tây Xương ở tỉnh Tứ Xuyên ngày 2/12/2013. Ảnh: Reuters. |
Tàu vũ trụ Chang'e-4 (Hằng Nga 4) của Trung Quốc được phóng vào ngày 8/12 tới đây sẽ thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu phía bên kia của Mặt trăng, đồng thời kiểm tra xem liệu thực vật có thể phát triển ở đây không. Việc đáp xuống phần bề mặt này là điều mà trước đây Mỹ hay Liên Xô đều chưa từng làm được.
Chang'e-4 với phương tiện tiếp đất và xe thám hiểm sẽ được phóng bằng tên lửa Long March-3B (Trường Chinh 3B) từ Trung tâm phóng vệ tinh Tây Xương ở tỉnh Tứ Xuyên, đi vào quỹ đạo Mặt trăng trước khi đáp xuống vùng trũng cực Nam - Aitken. Địa điểm cụ thể có khả năng là bên trong hoặc xung quanh hố trũng Von Kármán, gần cực nam ngôi sao này.
Bản đồ khu vực xung quanh bãi đáp sẽ được vẽ ra để tiến hành đo các lớp đất bằng công nghệ radar. Các nhà nghiên cứu địa chất hy vọng có thể tìm hiểu được quá trình hình thành ban đầu của Mặt trăng thông qua nhiệm vụ lần này.
Ngoài ra, Chang'e-4 cũng sẽ lần đầu tiên tiến hành các thí nghiệm thiên văn vô tuyến từ nửa kia của Mặt trăng. Vì nửa kia của Mặt trăng không quay về Trái đất, Trung Quốc sẽ phóng vệ tinh chuyển tiếp dữ liệu Queqiao để hỗ trợ Chang'e-4 thực hiện nhiệm vụ.
Chang'e-4 sẽ mang khoai tây, hạt cải và trứng tằm tơ để tiến hành một thí nghiệm sinh quyển do 28 trường đại học Trung Quốc lên ý tưởng. “Nhiệm vụ lần này chắc chắn là một thành tựu quan trọng trong công cuộc thăm dò Mặt trăng”, tiến sĩ Carolyn van der Bogert, nhà địa chất vũ trụ tại Đại học Westfälische Wilhelms, Münster, Đức cho biết.
Ban đầu Chang'e-4 được chế tạo với mục đích dự phòng cho Chang'e-3. Với Chang'e-3, Trung Quốc đã thành công đưa phương tiện tiếp đất và xe thám hiểm lên nửa gần của Mặt trăng vào tháng 12/2013. Sự kiện này giúp Trung Quốc trở thành một trong ít những nước có thiết bị đổ bộ lên vệ tinh tự nhiên của Trái Đất.
Năm 1959, tàu vũ trụ Luna 3 của Liên Xô lần đầu tiên chụp được những hình ảnh nửa kia của Mặt trăng. Tuy nhiên từ đó đến nay vẫn chưa có cuộc đổ bộ nào lên khu vực này.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.