Hiện tại có khá nhiều công ty đang nghiên cứu và phát triển những phương tiện bay có thể cất/hạ cánh thẳng đứng, một vài trong số đó đang bước vào giai đoạn thử nghiệm với phiên bản kích thước thật. |
Một khái niệm mới dành cho những loại phương tiện bay này là “Xe bay” (flying car) đang được sử dụng rộng rãi. Đúng ra, “xe bay” là chỉ loại phương tiện “lưỡng cư” không và bộ, tức có thể bay trên không và chạy trên đường, song thuật ngữ xe bay hiện sử dụng mở rộng, đôi khi được dùng cho cả những phương tiện bay cá nhân hiện đại nhỏ gọn, dù chúng không chạy được trên đường.
Volocopter là một trong những công ty điển hình phát triển phương tiện bay cá nhân, đầu tiên vào năm 2011 là thiết kế nền tảng. Thế hệ thứ 2 với nhiều cải tiến là Volocopter VC200 và mẫu Volocopter 2X là thiết kế mới nhất, vừa được ra mắt thế giới với chuyến bay thử đầu tiên tiến hành ở Dubai. Trên nhiều kênh thông tin truyền thông cũng gọi chiếc Volocopter 2X là xe bay.
Thực chất là một chiếc drone kích thước lớn, Volocopter có phần cabin dạng khoang lái trực thăng có khả năng chuyên chở 1-2 hành khách. Nhìn chung, Volocopter 2X nhẹ và nhỏ hơn hầu hết các mẫu trực thăng hiện nay, sử dụng năng lượng điện để hoạt động và được bố trí tới 18 cánh quạt phía trên. Khối pin của chiếc 2X, có thể sạc đầy mỗi lần sau 2 giờ, cho phép nó hoạt động liên tục trong 27 phút với tốc độ bay hành trình 50km/h, tầm bay xa nhất 27km với tốc độ hành trình 70km/h. Volocopter 2X có thể bay với tốc độ tối đa 100km/h, tải trọng lớn nhất 160kg, tốc độ cất cánh 3m/s, tốc độ hạ cánh 2,5m/s và trần bay trên 2.000m.
Chiếc taxi bay được thử nghiệm với phần cabin không có người ngồi. Và trong cuộc thử nghiệm này, chiếc xe đã đạt tới độ cao 200m và đã bay quanh bãi thử suốt 5 phút. Theo nhà sản xuất, phiên bản sản xuất của chiếc taxi bay này có khả năng tự lái hoàn toàn và di chuyển trên một lộ trình với điểm đầu và điểm cuối được lựa chọn bởi hành khách. Thông qua ứng dụng cài đặt trên các thiết bị di động, hành khách cũng có thể chủ động gọi những chiếc taxi bay này tới vị trí hiện tại của mình.
Vì là một phương tiện tự lái nên Volocopter 2X không cần đến phi công điều khiển, qua đó cắt giảm chi phí nhân công và cho phép nó hoạt động trong một mang lưới sân bay được thiết kế đặc biệt. Mục tiêu cao nhất của công ty là dịch vụ taxi bay theo mô hình Uber nhưng không có người lái.
Mặc dù công nghệ cất/hạ cánh thẳng đứng của Volocopter tỏ ra rất thực tế nhưng vẫn không tránh khỏi sự hoài nghi đối với kế hoạch hoạt động của hãng này. Rõ ràng có rất ít sự cản trở khi chiếc 2X lưu thông trên không nhưng luôn có những vấn đề rất đáng lo ngại bởi ngay cả những chiếc trực thăng hiện đại nhất hiện nay cũng cần đến khả năng đưa ra quyết định của con người. Trong khi đó, có rất nhiều sự tương đồng giữa một chiếc trực thăng truyền thống và một phương tiện bay cất/hạ cánh thẳng đứng sử dụng năng lượng điện với nhiều động cơ nhỏ.
Volocopter không phải là công ty duy nhất đang phát triển phương tiện bay cất/hạ cánh thẳng đứng. Có thể kể đến mẫu xe bay 2 chỗ ngồi mang tên Eagle của Lilium vừa được thử nghiệm cách đây vài tháng. Nó là một chiếc xe bay sử dụng năng lượng điện với một hệ thống các động cơ phản lực cánh quạt cỡ nhỏ đảm nhận việc cất hạ cánh và đẩy chiếc xe tiến về phía trước khi nó đạt độ cao càn thiết. Lilium Eagle có thể đạt vận tốc tối đa 300km/h và tầm hoạt động gần 310km sau mỗi lần nạp đầy năng lượng.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.