Taxi chạy lòng vòng đón khách vừa lãng phí tiền xăng lại gây ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Ảnh minh họa: KT |
Theo thống kê từ Sở GTVT TP.HCM, hiện nay số lượng xe taxi tại thành phố này đã đạt hơn 10.700 xe, vượt mức xe theo dự kiến 9.500 xe của giai đoạn 2010-2015 là 12,7%.
Lộ trình phát triển vận tải taxi tại TP.HCM đến năm 2020 theo kế hoạch là 12.700 đầu xe. Nhưng đến nay, với 36 đơn vị hoạt động taxi đã có tới gần 12.700 đầu xe và được dự báo sẽ tiếp tục tăng vượt mức quy hoạch đề ra.
Trong khi đó, hạ tầng giao thông tại TP.HCM còn nhiều bất cập. Tổng chiều dài các tuyến đường chỉ đạt hơn 4.100 km và mới có hơn 1.700 km đường có bề rộng lòng đường trên 7 m (chiếm hơn 41%); gần 2.100 km đường không có vỉa hè hoặc có nhưng rất nhỏ dưới 1 mét (chiếm hơn 51%). Chính điều này đã kiến hạ tầng giao thông không thể bắt kịp với tốc độ gia tăng phương tiện.
Đặc biệt, theo tính toán của Viện Chiến lược và Phát triển GTVT (Bộ GTVT), nếu 60% phương tiện lưu thông trên đường, diện tích mặt đường đô thị toàn thành phố vượt năng lực khoảng 1,2 lần diện tích mặt đường đô thị, thậm chí có nơi còn vượt đến 2 lần.
Cụ thể tại Hà Nội, hàng ngày có tới 17.400 chiếc taxi đang lăn bánh, chủ yếu ở các quận nội đô. Thế nhưng, Hà Nội hiện chỉ có 32 điểm đỗ cho taxi và chỉ đủ sức phục vụ dưới 200 xe. Hệ quả tất yếu, taxi phải chạy lòng vòng liên tục trên phố ngay cả khi không có khách.
Trung bình mỗi ca, 1 xe taxi di chuyển khoảng 200 km và với tỷ lệ chạy rỗng cao như hiện nay, mỗi ngày một xe có thể “dạo chơi” hết 100 km, tiêu hao khoảng 7 lít xăng.
Nếu nhân với trên 17.000 xe, mỗi ngày sẽ có đến 3 tỷ đồng tiền xăng bị lãng phí cho những chiếc taxi không chở khách nhưng vẫn phải lăn bánh, gây ùn tắc đô thị và gia tăng lượng phát thải khí nhà kính.
Từ thực tế trên, các chuyên gia giao thông cho rằng ngoài việc gia tăng nhanh số lượng xe cá nhân hiện nay gây nên tình trạng quá tải hạ tầng giao thông đô thị, thì một nguyên nhân khác rất đáng lưu tâm là việc có quá nhiều xe chạy rỗng ngoài đường với các phương tiện chính là taxi, xe cá nhân và xe gắn máy.
Theo ông Nguyễn Ngọc Giao, Phó phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT TP.HCM, hoạt động của taxi truyền thống với tần suất chạy rỗng hiện nay vẫn thuộc loại cao, góp phần tăng lưu lượng xe trên đường, làm kẹt xe, tăng khí thải vào môi trường và làm đội giá cước.
“Bên cạnh đó, còn một lượng xe 'dù' chạy vòng qua vòng lại để đón thêm khách tại các khu điểm nóng như bến xe, nhà ga hay các cửa ngõ ra vào thành phố cũng trở thành nguyên nhân gây kẹt xe”, ông Giao nêu.
Đại diện Viện trưởng Chiến lược và Phát triển GTVT (Bộ GTVT) – Phó Viện trưởng, TS. Lê Đỗ Mười, cho rằng nếu hạn chế được xe chạy rỗng trên đường sẽ tận dụng nhiều hành khách đi cùng một chuyến, một lộ trình, từ đó, tạo sự minh bạch trong cung cấp dịch vụ cho hành khách, giảm hệ số chạy rỗng của phương tiện, góp phần giảm ùn tắc giao thông.
“Tuy nhiên, cơ quan quản lý Nhà nước cũng phải đưa ra các biện pháp nghiên cứu, điều tra cụ thể lượng xe chạy rỗng để có các biện pháp phù hợp, từ đó mang lại hiệu quả mong muốn”, TS. Lê Đỗ Mười lưu ý.
Còn PGS.TS. Nguyễn Bá Hoàng, Phó hiệu trưởng Đại học GTVT TP.HCM, dẫn chứng ở một số thành phố và quốc gia phát triển trên thế giới, để giảm số lượng ôtô lưu thông nhằm giảm việc ùn tắc giao thông, chính quyền sở tại quy định xe đi vào các cửa ngõ thành phố phải có tối thiểu 2 - 3 người ngồi trên xe.
“Các đô thị lớn của Việt Nam như Hà Nội hay TP.HCM cần có thống kê và nghiên cứu chính xác về lượng người đi trên taxi, ôtô cá nhân và xe máy chuyên chở trên cùng 1 chuyến đi.
Lượng taxi chạy rỗng trên đường ngày càng gia tăng, cùng với trên 50% số xe máy chỉ chở 1 người là một tronhg những những nguyên nhân chính, gây ách tắc giao thông đô thị”, PGS.TS. Nguyễn Bá Hoàng nêu rõ.
Mới đây, Thủ tướng đã nhận định, việc phát triển của loại hình kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng ứng dụng hợp đồng điện tử đã phần nào tác động đến loại hình kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi. Đây là quy luật tất yếu nhưng mang tính tích cực theo hướng đáp ứng được nhu cầu đi lại với chi phí phù hợp, bảo đảm thuận tiện và an toàn.
Tuy nhiên, Thủ tướng nhìn nhận ngoài những tích cực nêu trên, một số hạn chế cũng cần điều chỉnh, như việc quản lý cần phối hợp sát và trách nhiệm hơn.
Riêng việc quy hoạch, các địa phương cùng các Bộ, ngành cần xem xét sự đáp ứng đồng bộ giữa quy hoạch và nhu cầu đi lại, trong đó đẩy mạnh tối ưu hóa tổ chức giao thông để ưu tiên và tạo thuận lợi cho xe buýt, taxi, các phương tiện giao thông công cộng nhằm dần hạn chế xe cá nhân, đồng nghĩa với việc giảm lượng xe chạy rỗng không cần thiết.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.