Đó là ý kiến được các chuyên gia đưa ra tại buổi tọa đàm “Taxi truyền thống thời cạnh tranh” được tổ chức ngày 2-6.
Hành khách đi xe taxi tại sân bay Tân Sơn Nhất - Ảnh: HỮU KHOA |
“Sân chơi” chưa bình đẳng
Theo Hiệp hội Taxi TP.HCM, đầu năm 2016 có hơn 10.750 taxi đang hoạt động, chiếm 41% sản lượng vận tải hành khách công cộng. Số lượng hành khách đi taxi tăng 6%. Tuy nhiên trên thực tế, số lượng hành khách đi bằng taxi còn cao hơn nhiều vì có nhiều taxi trá hình, không kiểm soát được.
Ông Đỗ Văn Thắng - tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Mai Linh - nói: “Có sức ép lớn lên doanh nghiệp (DN) taxi truyền thống, nhưng gọi là ức chế thì đúng hơn”. Theo ông Thắng, các DN taxi truyền thống đang trong một sân chơi không bình đẳng, bị “trói”, bị siết chặt bởi rất nhiều quy định, thuế, phí...
Tập đoàn taxi Mai Linh lập ra quỹ cộng đồng hỗ trợ trường hợp tai nạn, ban an toàn để xử lý các tình huống, tìm lại hành lý bỏ quên, thất lạc cho khách. DN phải bỏ ra nhiều chi phí đầu tư thiết bị giám sát hành trình... Riêng chi phí kiểm định một năm 2 lần và phải xếp hàng chờ đợi, chi phí khám sức khỏe cho lái xe 6 tháng một lần, chi phí lập trình giá cước khi giá xăng lên xuống, và chỉ được điều chỉnh giá khi có ý kiến của Sở Tài chính.
Trong khi đó, ông Tạ Long Hỷ - chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM - cho rằng các DN taxi truyền thống đang chịu sự cạnh tranh không công bằng về điều kiện kinh doanh, dù đã có đầy đủ những quy định pháp lý.
Bởi “taxi” Uber không đóng thuế, không mua bảo hiểm cho lái xe, không mua bảo hiểm phương tiện, không chịu bất kỳ sự quản lý nào (trong khi taxi là ngành nghề kinh doanh có điều kiện). Uber tự quyết định giá cả, khi thấp điểm có thể hạ giá cước, nhưng khi cao điểm hay lễ tết có thể tăng, giá cước cao gấp 2-3 lần giá taxi truyền thống.
Khi có sự cố gì xảy ra, “taxi” Uber sẽ không thể giải quyết được cho hành khách. Trong khi đó, đối với taxi truyền thống, trách nhiệm gắn liền với thương hiệu. “Nếu taxi truyền thống không phải chịu thuế, phí, chạy y như “taxi” Uber, tôi khẳng định giá cước taxi truyền thống sẽ thấp hơn nhiều”, ông Đỗ Văn Thắng nói.
Taxi bất hợp pháp vẫn tồn tại!
Theo ông Tạ Long Hỷ, nếu tiếp tục để “taxi” trá hình hoạt động như hiện nay sẽ phá vỡ quy hoạch giao thông đô thị, làm cho tình hình kẹt xe tại TP HCM ngày càng thêm nghiêm trọng.
Điều bất hợp lý hiện nay là các DN taxi truyền thống mỗi năm nộp hàng trăm tỉ đồng tiền thuế, trong khi mỗi ngày Uber “taxi” chuyển khoảng 1 tỉ đồng lợi nhuận về Hà Lan, nhưng đến nay Nhà nước chưa thu được đồng thuế nào của Uber.
Ở các nước, tội trốn thuế là tội rất nặng. Vậy mà ở nước ta, Uber “taxi” vẫn nhởn nhơ, không bị các cơ quan chức năng xử lý đến nơi đến chốn.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Ngọc Giao - phó phòng quản lý vận tải Sở GTVT TP.HCM, chính sự xuất hiện của “taxi” Grab, “taxi” Uber, các DN taxi truyền thống có sự chuyển biến rất tích cực: tự nâng cao chất lượng, thay đổi phong cách phục vụ hành khách.
Dù vậy, ông Giao thừa nhận “taxi” Uber đang cạnh tranh không lành mạnh, đồng thời khẳng định “Uber kinh doanh vận tải hành khách bằng ôtô là bất hợp pháp”.
Theo ông Giao, xe Grab đã được Bộ GTVT cho phép thí điểm ở 5 thành phố dưới hình thức xe chở khách theo hợp đồng điện tử. Riêng Uber vẫn “nhởn nhơ” ngoài vòng pháp luật.
Cũng theo ông Giao, sau văn bản thứ nhất gửi đi nhưng không nhận được trả lời từ Uber, Sở GTVT TP đã gửi văn bản lần 2, trong đó nêu rõ “nếu kinh doanh vận tải bằng ôtô phải phối hợp với một công ty vận tải có giấy phép kinh doanh ngành nghề vận tải và đề xuất thí điểm hoạt động giống như Grab”. Ngoài ra, sở cũng chỉ đạo cho thanh tra giao thông kiểm tra, xử lý thường xuyên.
TS Trần Quang Thắng - viện trưởng Viện Kinh tế và quản lý TP.HCM - cho rằng người dân sử dụng “taxi” Grab hay Uber vì có ứng dụng công nghệ cho hoạt động taxi.
“Nếu trên tiêu chí tiện lợi, công nghệ phát triển thì nên khuyến khích. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ phải theo khuôn khổ pháp luật của nước sở tại, bảo đảm được tính tiện lợi, bảo hiểm, an toàn... cho người sử dụng”, ông Trần Quang Thắng nói.
“Con đường duy nhất để cạnh tranh là ứng dụng công nghệ vào quản trị, giảm chi phí, giảm giá thành… để giảm được cước phí, đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ để đáp ứng yêu cầu của hành khách" - Ông Đỗ Văn Thắng (tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Mai Linh) nói. |
Đổi mới để tồn tại và cạnh tranh
Ông Đỗ Văn Thắng khẳng định chỉ có thể cạnh tranh được một khi ứng dụng công nghệ vào quản trị, giảm chi phí, giảm giá thành... và cuối cùng sẽ giảm được cước phí. Do đó, DN taxi truyền thống hiện đang chú trọng đầu tư vào ứng dụng công nghệ để mang lại tiện ích cao nhất cho khách hàng.
“Một khi taxi truyền thống sử dụng lợi thế sẵn có là thương hiệu, sự chuyên nghiệp, bài bản cùng việc ứng dụng công nghệ, lợi thế cạnh tranh sẽ hơn hẳn”, ông Thắng nhìn nhận.
Theo ông Thắng, hiện các DN taxi truyền thống đã xây dựng những ứng dụng (app) riêng, trong đó Mai Linh đang khẩn trương triển khai công nghệ này và dự kiến cuối tháng 9-2016 sẽ đưa vào hoạt động.
Đặc biệt, Tập đoàn Mai Linh cũng nâng cao chất lượng phục vụ bằng biện pháp sa thải ngay những lái xe vô lễ với khách, chạy lòng vòng, gian lận cước, chê cuốc ngắn không đi.
“Cạnh tranh là quy luật tất yếu của kinh tế thị trường. Tự thân mỗi DN taxi truyền thống phải thay đổi nếu muốn tồn tại trong hội nhập quốc tế khi VN gia nhập TPP và các hiệp định thương mại khu vực và thế giới. Tuy nhiên, “luật chơi” phải công bằng và bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp”, ông Đỗ Văn Thắng nói.
Các chuyên gia tin tưởng rằng với những nỗ lực tự thay đổi, taxi truyền thống sẽ có “một tương lai tươi sáng” hơn. Chuyên gia giao thông Phạm Sanh cho rằng DN taxi truyền thống nên tăng cường khả năng tương tác, giải đáp những phản hồi, thắc mắc của hành khách.
Trong khi đó, theo đại diện Sở GTVT TP.HCM, DN taxi truyền thống “nếu đổi mới được xe thì tốt, không thì phải thường xuyên duy tu, sửa chữa xe, không để xì khói đen gây ô nhiễm môi trường”.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.