Tây Nguyên "ngóng chờ" những cầu treo dân sinh

Tác giả: Trọng Nghị

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 01/10/2017 06:35

Bám dây qua sông, chênh vênh trên những chiếc cầu tạm bợ hay bì bõm vượt qua những đoạn đường bị ngập chìm trong nước…, đó là thực trạng của nhiều xã, huyện trên địa bàn Tây Nguyên khi hầu hết hạ tầng giao thông, các cây cầu dân sinh đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo an toàn cho người dân qua lại.

 

2
Nhiều cầu treo bị hư hỏng nặng

Dễ gặp nạn vì… cầu dân sinh

Trên địa bàn tỉnh Kon Tum hiện có 279 cây cầu treo, trong đó huyện Đăk Glei có 76 cầu treo, nhưng có tới 47 cầu không đảm bảo an toàn (trong đó 6 cầu đã dừng sử dụng). Huyện Kon Plông có 70 cầu treo, trong đó 17 cầu không đảm bảo an toàn và 12 cầu đã dừng sử dụng. Huyện Kon Rẫy có 24 cầu treo, trong đó có 14 cầu đang xuống cấp, cần được duy tu, sửa chữa. Huyện Đăk Tô có 20 cầu treo, trong đó có 5 cầu đã hư hỏng, xuống cấp, 2 cầu dừng sử dụng. Huyện Ngọc Hồi có 19 cầu treo, trong đó có 12 cầu đang duy tu sửa chữa, 3 cầu hư hỏng, xuống cấp. Huyện Sa Thầy có 18 cầu treo, trong đó có 6 cầu treo hư hỏng, xuống cấp. Huyện Đăk Hà có 13 cầu treo, trong đó có 2 cầu hư hỏng, xuống cấp.

Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng cầu treo xuống cấp là do đa số các cây cầu này được đầu tư, xây dựng đã lâu, hiện người dân đi lại thường xuyên… Bên cạnh đó, tác động của thời tiết cũng khiến các cây cầu treo ngày càng hư hỏng nặng, nhiều đoạn những tấm ván bắc ngang đã bị gãy rơi xuống sông khiến mọi người qua lại không khỏi sợ hãi.

Để khắc phục phần nào tình trạng trên và tránh trường hợp những người đi qua cầu, đặc biệt là trẻ em, các hộ dân sống gần mỗi khu vực cầu đã tự đóng ván, ghép những cây củi, cây gỗ để đi tạm qua cầu.

Chị Y Thoan  (ngụ tại xã Đăk R Ve, huyện Kon Rẫy) không khỏi trăn trở: “Cây cầu treo gần nhà tôi được làm từ rất lâu, nay đã hư hỏng nặng. Song, cả làng chỉ còn mỗi con đường này để đi nên bà con đành chấp nhận lên nương rẫy và đưa con em đến trường trên cây cầu này. Mỗi lần có người đi qua, chiếc cầu rung lắc ghê lắm, ván cầu và dây cáp đã hư hỏng lâu rồi. Bà con mong sao Nhà nước sớm sửa chữa cầu để yên tâm qua lại, đặc biệt là trẻ em sẽ không còn nguy hiểm khi đến trường”.

Bên cạnh đó, nhiều tuyến đường bộ trên địa bàn bị sạt lở nghiêm trọng, ăn sâu gần hết mặt đường. Hàng trăm tấn đất, đá và bê tông bị cuốn trôi do mưa lũ cục bộ ảnh hưởng trực tiếp đến việc đi lại của người dân trên địa bàn, nhất là ở những địa bàn vùng sâu, xa.

Mới đây, trên đường từ nhà lên rẫy cao su, khi qua suối Ia Rai, chị Phạm Thị Oanh (47 tuổi, trú tại thôn Tam An, xã Sa Sơn, huyện Sa Thầy) đã bị lũ cuốn trôi. Được biết, hàng năm cứ vào mùa mưa là nước ở suối Ia Rai chảy rất xiết. Trong khi đó, phần lớn đất sản xuất của bà con trong thôn đều nằm ở bên kia suối Ia Rai, khiến bà con đi lại rất khó khăn, nguy hiểm.

Dân và chính quyền mong muốn hạ tầng giao thông được cải thiện

1
hiều tuyến đường bị sạt lở nghiêm trọng

Ông Huỳnh Minh Chương - Chủ tịch UBND huyện Kon Rẫy cho biết: “Trên địa bàn huyện có khoảng có 24 cầu treo, trong đó 14 cầu đang xuống cấp, cần được duy tu, sửa chữa. UBND huyện hiểu rõ người dân gặp nhiều khó khăn trong việc đi lại, đặc biệt là với các cháu học sinh, đó là chưa kể đến việc chuyên chở nông sản mỗi khi vào vụ, tuy nhiên nguồn vốn ngân sách tại địa phương còn hạn chế, không đủ đáp ứng nhu cầu của địa phương. Trước thực trạng này, chính quyền đã có chủ trương đầu tư nhằm đáp ứng nhu cầu cần thiết của bà con, tuy nhiên kết quả vẫn phải đợi cấp có thẩm quyền phê duyệt. Thời gian tới, nhân dân địa phương mong muốn các bộ, ngành, các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương cần quan tâm đầu tư để người dân được đi lại thuận lợi, an toàn trên những cây cầu chắc chắn”.

Thực tế cho thấy, một số cây cầu tại xã Đăk Tờ Re, xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy đã xuống cấp rất nghiêm trọng. Ốc vít, dây cáp treo thì đã gỉ sét nặng, được cuộn tạm bợ, sơ sài, có thể bị đứt bất cứ lúc nào, đó là chưa kể mặt cầu là những tấm ván mục, thân tre nhỏ có thể gãy, vỡ, gây nguy hiểm cho người đi qua. Nhiều nơi, bà con phải bơi qua sông để đi lại. A Phúc - một người dân sinh sống ở đây cho biết: “Cầu treo vắt vẻo qua bờ sông đã hỏng nặng lắm rồi. Bà con đến mùa nước lên ngập hết cả người, cả cầu, nhiều khi phải bơi qua sông để đi làm, trẻ con cũng phải bơi qua để đi học. Nếu không qua sông thì lấy gì mà ăn, lấy gì để biết cái chữ… Đây là con đường duy nhất, mọi thứ đều phụ thuộc vào nó. Cầu mong cán bộ quan tâm để bà con an tâm sản xuất…”.

Về vấn đề này, ông Chương cho biết thêm: “Hiện tại, UBND huyện Kon Rẫy cũng đã tiếp thu nguyện vọng của bà con và đã có tờ trình lên UBND tỉnh Kon Tum đề xuất hỗ trợ kinh phí để xây dựng bước đầu các công trình cầu treo qua sông trên địa bàn 2 xã Tân Lập và Đăk Rờ Ve, nhằm đáp ứng nhu cầu người dân đi lại sản xuất, vận chuyển nông sản, góp phần giảm thiểu các nguy cơ xảy ra tai nạn đường thủy, ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của bà con nhân dân… Tuy nhiên, mọi chuyện vẫn còn đang phải… chờ”

Ý kiến của bạn

Bình luận