Mọi người sợ hãi nằm sấp xuống sàn nhà khi Altintas nổ súng bắn chết Đại sứ NgaREUTERS |
Tên của tay súng đã sát hại Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ là Mevlut Mert Altintas, một cảnh sát 22 tuổi chứ chẳng phải là một tay khủng bố mới trà trộn. Vì thế, Altintas đã dùng thẻ hành nghề để dễ dàng vào được buổi triển lãm ảnh tối ngày 19.12 ở thủ đô Ankara, nơi Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ Andrey Karlov phát biểu.
Bộ trưởng Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ Suleyman Soylu đã xác nhận những thông tin về kẻ đã nổ súng như trên và cho biết đang điều tra động cơ vụ việc.
Một cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đã hô to "đừng quên Aleppo, đừng quên Syria" sau đó bắn chết Đại sứ Nga tại nước này ngay trước sự chứng kiến của nhiều người tại một buổi triển lãm ảnh ngày 19.12 ở Ankara.
Thông tấn xã Thổ Nhĩ Kỳ dẫn lời ông Soylu cho hay Altintas sinh ngày 24.6.1994, tốt nghiệp Trường hướng nghiệp cảnh sát Izmir Rustu Unsal.
Tại cuộc triển lãm, trông tay súng 22 tuổi này rất “sáng sủa”: diện đồ vest láng mướt, cà vạt và nịt đồng bộ với nhau, cạo râu nhẵn nhụi, tóc tai gọn gàng. Báo Express đưa tin, vào thời điểm xảy ra vụ nổ súng, Altintas là người duy nhất đứng phía sau ông Karlov trên bục phát biểu.
Báo The Telegraph cho biết, lúc bắn ông đại sứ đến 9 phát, Altintas đã la lên: “Allahu Akbar. Chúng tôi đã thề tử vì đạo. Đây là sự trả thù cho Syria và Aleppo. Cho đến khi họ được an toàn, mấy người sẽ không nếm được sự an toàn…”.
Phóng viên AP, người có mặt ngay tại hiện trường thì đưa tin hung thủ đã hô to: “Đừng quên Aleppo! Đừng quên Syria!”.
Rất nhanh chóng sau khi sự việc xảy ra, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng Altintas có dính líu tới giáo sĩ Hồi giáo đang sống lưu vong ở Mỹ Fethullah Gulen, người bị quy trách nhiệm cho hàng loạt bất ổn ở Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm cả vụ đảo chính hụt hồi tháng 7.
Hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức giấu tên của Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố “có dấu hiệu mạnh mẽ” về sự liên quan giữa tay súng Altintas với ông Gulen.
Thị trưởng Ankara, ông Melih Gokcek viết trên Twitter: “Kẻ tấn công là một cảnh sát. Theo những gì tôi nghe được, hắn là một thành viên FETO”. Được biết FETO là từ thường được dùng ở Thổ Nhĩ Kỳ để chỉ tổ chức của những người ủng hộ ông Gulen.
Tuy nhiên Reuters dẫn lời trợ lý của giáo sĩ Gulen là ông Alp Aslandogan bác bỏ mọi sự liên quan của ông Gulen trong vụ này.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.