Tạp chí GTVT đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng về công tác chuẩn bị cho sự kiện về khởi nghiệp quy mô nhất trong năm này.
Thứ trưởng Trần Văn Tùng |
Xin Thứ trưởng cho biết về sự chuẩn bị của Bộ KH&CN cho sự kiện Techfest Việt Nam 2016?
Thứ trưởng Trần Văn Tùng: Bộ KH&CN coi đây là một sự kiện lớn của Bộ KH&CN và Quốc gia, là một “Ngày hội khởi nghiệp quốc gia” và có mời khách quốc tế tham dự.
Để thực hiện tốt sự kiện này, thời gian qua Bộ KH&CN đã phối hợp tốt với các Bộ, ngành để chuẩn bị với quy mô lớn hơn vào cuối năm 2016. Qua đó Bộ KH&CN cũng muốn nhìn lại một năm thực hiện phong trào khởi nghiệp quốc gia và khởi nghiệp gắn với đổi mới sáng tạo (ĐMST). Đây là những khởi nghiệp có nhiều kết quả nghiên cứu ứng dụng đưa vào trong doanh nghiệp (DN), đồng thời khẳng định đưa khoa học và công nghệ (KH&CN) vào phát triển Kinh tế, Xã hội (KT-XH) của đất nước.
Trong thời gian qua, Bộ KH&CN đã cùng với tất cả các Bộ, ngành, địa phương thông báo về sự kiện này để cùng phối hợp và chuẩn bị, hiện nay từ địa điểm cho đến các vấn đề liên quan đến nội dung, khách mời, chủ đề, các buổi khai mạc, bế mạc… cũng đã được chuẩn bị một các chu đáo. Địa điểm hiện nay đã chọn là Khách sạn Grand Plaza.
Ý nghĩa của sự kiện Techfest Việt Nam 2016 và sự kỳ vọng của Bộ KH&CN vào Techfest Việt Nam 2016?
Thứ trưởng Trần Văn Tùng: TECHFEST có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo ra một ngày hội, một sự kiện có thương hiệu quốc tế nơi các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể tiếp cận với khách hàng tiềm năng, các nhà đầu tư, các chuyên gia đầu ngành về công nghệ, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp và truyền thông trong nước và quốc tế.
Không chỉ giới thiệu, kết nối đầu tư giữa các doanh nghiệp khởi nghiệp nổi bật của Việt Nam và các nhà đầu tư trong nước và quốc tế; chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm giữa các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam với nhau và với hệ sinh thái khởi nghiệp trong khu vực, sự kiện còn hướng tới quảng bá các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp; các sản KH&CN tiêu biểu của các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ.
Năm 2015 là năm đầu tiên tổ chức Techfest tại Việt Nam, với quy mô gần 1.000 người và khoảng 50 nhà đầu tư trong và ngoài nước đã đến dự. Sau khi kết thúc Techfest 2015, đã có trên 1 triệu USD được đầu tư vào khởi nghiệp và gắn với đổi mới sáng tạo. |
Năm nay quy mô của khởi nghiệp Techfest 2016 cũng gấp đôi so với năm 2015 từ số lượng người tham gia, các Quỹ đầu tư, các Doanh nghiệp khởi nghiệp…
Có thể lấy ví dụ, ngay cả với những nước đã làm thành công về khởi nghiệp như Phần Lan, lần đầu tiên tổ chức ngày hội khởi nghiệp chỉ có khoảng 300 người đến, nhưng đến năm 2014 số lượng tăng lên 14000 người (Việt Nam năm đầu tiên khoảng 1000 người tham dự). Với những số liệu như vậy, chúng tôi nghĩ rằng việc tổ chức Techfest đã đi theo, học tập được một số kinh nghiệm của các nước đi trước và chúng ta đã có những kết quả đáng ghi nhận cho Techfest.
Chúng tôi cũng mong muốn nhận được sự quan tâm và tham gia của đông đảo của xã hội. Đặc biệt, sau Techfest 2016 dành được nguồn đầu tư từ các nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài vào hoạt động khởi nghiệp tại Việt Nam, nhất là khởi nghiệp gắn với đổi mới sáng tạo.
Ông có thể đánh giá về những thuận lợi và khó khăn đối với phong trào khởi nghiệp tại Việt Nam hiện nay?
Thứ trưởng Trần Văn Tùng: Là người đang theo dõi quản lý về hoạt động khởi nghiệp, tôi có cảm nhận đây là thời điểm rất thuận lợi cho phong trào khởi nghiệp cũng như khởi nghiệp gắn với đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Điều này thể hiện qua các chỉ đạo của Đảng, văn bản của Chính phủ, Nhà nước và các Bộ, ngành đều nói về khởi nghiệp… Bên cạnh đó, trong tâm lý của xã hội hiện nay mọi người nói đến khởi nghiệp rất nhiều, các cơ quan thông tấn, báo chí cũng nói nhiều về điều này và đây là những thuận lợi.
Tuy nhiên, bên cạnh đó còn nhiều khó khăn, nhất là việc hiểu và biết để làm khởi nghiệp đúng nhất. Ngoài việc có một tinh thần, nhiệt huyết, người khởi nghiệp phải có kiến thức về khởi nghiệp. Đây là những điều mà trong quá trình học tập tại các trường đại học, kinh doanh, các kiến thức về quản trị cho doanh nghiệp, các hoạt động quản lý về thị trường và tiền tệ nhiều khi không được dạy một các đầy đủ…
Ví dụ các trường về khoa học dạy các kiến thức về chuyên môn nhưng không ai dây cho các kiến thúc về pháp lý, sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm và làm thế nào để đảm bảo cạnh tranh trên thị trường…
Chúng tôi cũng đang bàn với Bộ Giáo dục và Đào tạo là với một số trường có thể đưa nội dung đào tạo về khởi nghiệp cho sinh viên như khối trường kỹ thuật, thương mại và những trường liên quan đến hoạt động có thể khởi nghiệp, giúp sinh viên trang bị những kiến thức cần thiết, ban đầu cho hoạt động khởi nghiệp của mình.
Lễ trao giải khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong năm 2016, Bộ KH&CN đã tổ chức nhiều chương trình tôn vinh, khuyến khích hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. |
Theo ông cơ chế chính sách cần có những đổi mới căn bản nào để đáp ứng tốt hơn cho hoạt động khởi nghiệp?
Thứ trưởng Trần Văn Tùng: Trước hết phải khẳng định, chính sách là một vấn đề quan trọng cho khởi nghiệp tại Việt Nam.
Với tinh thần hỗ trợ khởi nghiệp thời gian qua và sự chỉ đạo của Chính phủ, gần đây nhất, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng Luật hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa, đã dành môt chương cho doanh nghiệp khởi nghiệp, trong đó nội dung hoạt động khởi nghiệp đã được đưa vào và đã hình thành quy định cụ thể. Ngoài ra cần ban hành những văn bản chính sách có liên quan đến việc đầu tư tại Việt Nam, hoặc những chính sách về thuế cho hoạt động khởi nghiệp.
Ngoài ra các văn bản chính sách có liên quan đến việc đầu tư tại Việt Nam cần được quy định rõ ràng để các nhà đầu tư yên tâm khi đầu tư vào Việt Nam, ví dụ các nhà đầu tư từ nước ngoài muốn đưa tiền vào Việt Nam đầu tư cho khởi nghiệp được phép chuyển tiền ra khởi Việt Nam khi DN làm ăn tốt. Hoặc những chính sách về thuế cho hoạt động khởi nghiệp cần phải nhìn tổng thể vào các dự án họ đầu tư chứ không thể đánh thuế trên một dự án thành công, mà cần đánh giá ngay trên những dự án thất bại…như vậy sẽ khuyến khích họ đầu tư vào Việt Nam.
Chúng ta cần phải đảm bảo môi trường pháp lý, công khai minh bạch trong quá trình cung cấp thông tin, các thủ tục thành lập, các hoạt động liên quan đến khởi nghiệp cho các nhà đầu tư, các nhà khởi nghiệp biết để dàng thâm nhập vào kho cơ sở dữ liệu, điều đó mới giúp cho hoạt động khởi nghiệp tại Việt Nam thuận lợi.
Xin cảm ơn ông!
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.