Mặc dù trên thực tế, BrahMos không giống lắm với vũ khí của thần Brahma nhưng đây là một trong những tên lửa hành trình có sức hủy diệt mạnh nhất trên Trái Đất. |
Trong bài viết trên tờ Russia & India Report, nhà báo - chuyên gia phân tích các vấn đề đối ngoại Rakesh Krishnan Simha cho biết, không phải ngẫu nhiên mà chuyên gia tên lửa Sivathanu lại gọi tên lửa hành trình BrahMos là "Brahmastra (một loại vũ khí trong truyền thuyết) của các lực lượng vũ trang Ấn Độ.
Công ty liên doanh BrahMos Aerospace của Nga-Ấn không chỉ thiết lập tiêu chuẩn mới trong lĩnh vực phát triển tên lửa hành trình, mà còn áp dụng một hướng đi mới, trong đó liên tục thiết kế, thử nghiệm và sản xuất các phiên bản cải tiến của tên lửa cho tất cả các binh chủng của lực lượng vũ trang.
Hiện tại, hải quân và lục quân Ấn Độ đang triển khai tên lửa BrahMos với số lượng lớn. Ông Pillai – người sáng lập BrahMos Aerospace – cho biết, khi không quân Ấn Độ đưa vào trang bị phiên bản BrahMos-A (phóng từ trên không), BrahMos sẽ trở thành thứ vũ khí mang lại chiến thắng cho New Delhi.
Ý của ông Pillai là khi 3 quân chủng của Ấn Độ có được khả năng trút cơn mưa tên lửa xuống các mục tiêu của đối phương trước khi chúng kịp trở tay thì BrahMos sẽ là chìa khóa đảm bảo một chiến thắng thần tốc cho New Delhi.
Mặc dù có thể di chuyển với tốc độ Mach 3, nhưng phiên bản BrahMos tiêu chuẩn nặng tới 3,6 tấn. Thậm chí phiên bản BrahMos-A phóng từ trên không cũng nặng tới 2,5 tấn, tức là chỉ có Su-30MKI, mẫu máy bay chiến đấu lớn nhất của Ấn Độ, mới có thể mang theo chúng.
Tuy nhiên, các phiên bản mới sẽ có kích cỡ nhỏ hơn, di chuyển với tốc độ nhanh hơn và có tầm bắn xa hơn. Tên lửa BrahMos không chỉ được cải tiến theo thời gian, mà còn nhằm đáp ứng nhu cầu của một quân đội quy mô lớn như quân đội Ấn Độ.
Phiên bản BrahMos tăng tầm bắn
Tên lửa BrahMos tiêu chuẩn có tầm bắn 290km, do Nga bị hạn chế bởi Hiệp ước kiểm soát công nghệ tên lửa (MTCR) mà phương Tây đề ra để kiềm chế sự phổ biến của những phương tiện mang không người lái, có thể mang đầu đạn nặng 500k di chuyển quãng đường 300km.
Nói rõ hơn thì tất cả các nước thuộc MTCR không được phép xuất khẩu tên lửa có tầm bắn trên 300km.
Trong khi đó, BrahMos Aerospace tuyên bố công ty này sẽ phát triển một phiên bản tên lửa vượt ra ngoài giới hạn của MTCR và để phương Tây không thể ngăn cản điều này thì Ấn Độ đã được kết nạp làm thành viên của MTCR.
Tên lửa với tầm bắn 600km có thể tấn công những mục tiêu được phòng thủ nghiêm ngặt một cách chính xác. Ấn Độ đã tiến hành vụ bắn thử nghiệm đầu tiên của phiên bản tăng tầm bắn vào ngày 11/3/2017. Mẫu tên lửa này sẽ cho phép tàu chiến Ấn Độ tấn công các mục tiêu của đối phương từ khoảng cách xa hơn.
Tháng 10/2015, các tàu tên lửa của Hải quân Nga tại biển Caspian đã phóng tên lửa Kalibr nhằm vào các mục tiêu của IS cách xa 1.500km.
Tương tự như vậy, tên lửa BrahMos bắn đi từ các tàu tên lửa của Ấn Độ tại vịnh Kutch hoặc cảng Porbandar có thể dễ dàng vươn tới 2 thành phố Karachi và Hyderabad của Pakistan.
BrahMos II
Di chuyển với tốc độ siêu vượt âm (Mach 7 hoặc hơn), BrahMos II sẽ mang đầu đạn phá hủy mục tiêu, sau đó quay trở lại bệ phóng và sẵn sàng lặp lại quy trình.
Loại tên lửa mới này được lấy cảm hứng từ vũ khí Sudharshan Chakra của thần Vishn – bánh xe thần kỳ có thể phá hủy mục tiêu, sau đó quay về với chủ nhân.
"Chúng tôi ước mình có thể chế tạo ra thứ vũ khí tốt nhất" – ông Pillai nói – "Truyền thuyết này đã cho chúng tôi rất nhiều ý tưởng. Chỉ có một loại vũ khí duy nhất có thể tiêu diệt kẻ địch, sau đó quay về với chủ nhân, đó là Sudarshan Chakra".
BrahMos II hiện đang trong quá trình phát triển và dự kiến sẽ được triển khai trong giai đoạn đầu những năm 2020.
BrahMos NG
Chỉ nặng 1,4 tấn và có tầm bắn khoảng 120km, phiên bản BrahMos NG đủ nhẹ để có thể trang bị trên các tiêm kích nội địa Tejas của Ấn Độ.
Mẫu tên lửa này vẫn đang trong giai đoạn thiết kế và BrahMos Aerospace đang thảo luận với nhiều khách hàng.
Ông Sudhir Kumar Mishra, Giám đốc điều hành của BrahMos Aerospace cho biết:
"Chúng tôi có ý tưởng sản xuất hàng loạt tên lửa loại này để có thể tích hợp lên nhiều phương tiện mang khác nhau. Đây là một sáng kiến mới và chúng tôi nhìn thấy một thị trường khổng lồ dành cho nó ở Ấn Độ, cũng như các quốc gia nước ngoài".
Không quân Ấn Độ (IAF) có lẽ không mấy hứng thú với ý tưởng trang bị tên lửa tầm ngắn như vậy cho các máy bay Sukhoi (bởi nó có thể khiến các máy bay Su-30 rơi vào phạm vi phòng không của đối phương).
Thế nhưng, phiên bản NG có thể phù hợp với những máy bay tấn công thọc sâu như Jaguar hoặc MiG-27 để yểm trợ đường không cho lực lượng thiết giáp của Ấn Độ tiến vào.
Ngoài ra, những tên lửa này có thể được triển khai tiên phong, cho phép tiêu diệt các trung tâm thông thông tin và chỉ huy chiến trường của đối phương.
Theo trang tin Aviation Week, phiên bản NG còn có thể thích hợp với các tiêm kích hạm trên tàu sân bay. Mỗi chiếc MiG-29 có thể mang tới 3 tên lửa mini này.
Cơ chế phóng loạt
Khi được phóng theo loạt, tên lửa có thể đảm bảo khả năng phá hủy toàn diện. Năm 2014, tên lửa BrahMos đã được bắn thử nghiệm theo loạt từ khinh hạm INS Trikand (do Nga chế tạo) ngoài khơi phía tây Ấn Độ.
Cuộc thử nghiệm đã diễn ra thành công, trong đó 8 tên lửa hành trình BrahMos đã được phóng cùng lúc nhằm vào một mục tiêu đơn lẻ của đối phương.
Cách thức này có thể được sử dụng để tấn công mục tiêu cỡ lớn, như tàu khu trục hoặc tàu sân bay trên biển.
Tuy nhiên, yếu tố chi phí đóng vai trò quan trọng ở đây. 8 tên lửa BrahMos chỉ có thể mang lại hiệu quả kinh tế nếu nó được dùng để tiêu diệt một nhóm tàu lớn, các tổ hợp radar ven biển hoặc kho nhiên liệu.
Tiềm năng xuất khẩu
Mặc dù có cơ sở công nghiệp quốc phòng lớn nhưng Ấn Độ không lọt vào top 20 các quốc gia xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới.
Với BrahMos, New Delhi có thể ghi dấu ấn trên thị trường vũ khí quốc tế.
Do là tên lửa hành trình duy nhất trên thế giới hiện nay nên BrahMos sẽ không thiếu gì khách hàng. Tuy nhiên, những khách hàng này cần phải được chọn lựa thận trọng để đảm bảo rằng tên lửa BrahMos không rơi vào tay thế lực xấu.
Các thỏa thuận mua bán có thể mang lại nhiều lợi ích giá trị hơn tiền bạc, bởi chúng gắn kết bên mua và bên bán vào một mối quan hệ địa-chính trị lâu dài. Điều này có thể thúc đẩy nhiều thỏa thuận mua bán khí tài hơn.
Chẳng hạn, khi Ấn Độ mua MiG-21 từ Nga vào năm 1965, gần 100% vũ khí tiên tiến của họ có nguồn gốc từ Anh hoặc phương Tây. Nhưng chỉ 1 thập kỷ sau đó, hơn 80% số vũ khí của Ấn Độ đã có nguồn gốc từ Nga.
BrahMos còn có thể trở thành công cụ mặc cả hữu hiệu để Ấn Độ đối phó với Trung Quốc. Chẳng hạn, nếu Trung Quốc cung cấp vũ khí tiên tiến cho Pakistan thì Ấn Độ có thể cung cấp tên lửa BrahMos cho các đối thủ tiềm năng của Trung Quốc.
Trong tình huống này, BrahMos sẽ đóng vai trò hữu hiệu để ngăn Bắc Kinh bán vũ khí tiên tiến cho Islamabad.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.