Có lẽ rất nhiều lần bạn đã thoáng nghe qua về tên lửa hành trình Tomahawk xuất hiện trên những trang tin tức, truyền hình. Hoa Kỳ có cả kho vũ khí tối tân nhất thế giới, nhưng tại sao tên lửa hành trình luôn xuất hiện với tần suất dày đặc so với những vũ khí khác?
VnReview xin lược dịch bài viết trên HowStuffWorks cung cấp một cái nhìn tổng quan và chi tiết về tên lửa hành trình, cách hoạt động và tại sao chúng lại vô cùng lý tưởng trong các tình huống nhất định.
Bắt đầu với những điều cơ bản
Tên lửa hành trình về cơ bản là một chiếc máy bay nhỏ và không có người lái, thường có sải cánh dài khoảng 2,61 mét, được trang bị động cơ phản lực và có thể bay từ 805 km đến 1610 km tùy thuộc vào cấu hình.
Nhiệm vụ của một tên lửa hành trình là mang theo loại bom có sức công phá lớn nặng khoảng 450 kg đến mục tiêu. Tên lửa sẽ bị phá hủy hoàn toàn khi quả bom phát nổ. Do các tên lửa hành trình có giá rất cao, từ 500.000 USD đến 1.000.000 USD mỗi chiếc, nên đây là một biện pháp khá tốn kém.
Tên lửa hành trình có một số biến thể và có thể được phóng từ tàu ngầm, tàu khu trục hoặc máy bay. Khi bạn nghe về hàng trăm tên lửa hành trình được bắn vào các mục tiêu, đó gần như luôn là loại Tomahawk phóng từ các tàu khu trục.
Tên lửa hành trình có lớn lắm không?
Các tên lửa hành trình thường dài khoảng 6,25 mét và có đường kính khoảng 0,52 mét. Khi phóng, chúng gồm tên lửa đẩy nhiên liệu rắn (khoảng 250 kg) và nặng khoảng 1,45 tấn. Tên lửa đẩy sẽ rời ra khi đốt cháy nhiên liệu của tên lửa. Sau đó cánh, đuôi và hút gió mở ra, và động cơ phản lực hoạt động.
Động cơ này chỉ nặng khoảng 65 kg và tạo ra lực đẩy tương đương khối lượng 270kg để đốt cháy nhiên liệu RJ4. Nhiên liệu được nạp khoảng 450 kg hay xấp xỉ 600 lít lúc khởi động. Khi bay, tên lửa có tốc độ khoảng 880 km/giờ.
Hệ thống dẫn đường của tên lửa hành trình hoạt động ra sao?
Điểm đặc biệt nhất của một tên lửa hành trình là độ chính xác đáng kinh ngạc. Chúng có thể bay xa 1000 dặm và xác định chính xác một mục tiêu nhỏ. Bên cạnh đó tên lửa hành trình cũng rất hiệu quả trong việc trốn tránh sự phát hiện của kẻ thù vì chúng bay rất thấp gần mặt đất, ngoài tầm quan sát của hầu hết các hệ thống ra đa.
Mỗi tên lửa hành trình đều được cấu thành từ 4 hệ thống khác nhau để giúp tiếp cận mục tiêu gồm hệ thống dẫn đường quán tính (IGS), hệ thống định vị toàn cầu (GPS), hệ thống dẫn đường dựa trên sự thay đổi địa hình (Tercom) và hệ thống so sánh tương quan kĩ thuật số (DSMAC).
IGS là một hệ thống gia tốc tiêu chuẩn có thể theo dõi vị trí của tên lửa dựa vào chuyển động. Trong khi đó Tercom sử dụng một cơ sở dữ liệu 3-D trên các địa hình mà tên lửa sẽ bay qua. Hệ thống Tercom ‘thấy' địa hình bằng cách sử dụng hệ thống ra đa và kết nối với bản đồ 3-D được lưu trữ trong bộ nhớ. Tercom sẽ chịu trách nhiệm trong trường hợp tên lửa hành trình ‘nằm sân' lúc bay. Còn hệ thống GPS sử dụng mạng quân đội từ các vệ tinh GPS và một máy thu GPS trên tên lửa để phát hiện vị trí của nó với độ chính xác rất cao.
Khi đến gần mục tiêu, tên lửa chuyển sang ‘hệ thống dẫn đường đầu cuối' để chọn các điểm tác động. Các điểm này có thể được lập trình trước bằng GPS hoặc hệ thống Tercom. Hệ thống DSMAC sử dụng một máy ảnh và một hình ảnh tương quan để tìm mục tiêu, và đặc biệt có ích trong trường hợp mục tiêu đang chuyển động. Một tên lửa hành trình cũng có thể được trang bị cảm biến hình ảnh hoặc chiếu sáng nhiệt như trong bom thông minh.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.