Lần đầu tiên, Trung Quốc sẽ cho phép một nhà sản xuất ô tô nước ngoài thành lập nhà máy ở nước này mà không cần phải liên doanh với một doanh nghiệp trong nước. |
Tesla đang dự định mở một nhà máy ở Thượng Hải với mục tiêu sản xuất 500.000 xe/năm, con số đủ để cạnh tranh với nhà máy chính của Tesla ở Fremont, California.
Đáng nói là Tesla cho biết công ty này sẽ là chủ sở hữu duy nhất của nhà máy nói trên. Cho đến nay, Trung Quốc luôn yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài phải thành lập liên doanh với các doanh nghiệp trong nước như một điều kiện để bước chân vào thị trường khổng lồ này.
Tesla mong muốn sẽ khởi công xây dưng nhà máy ở Thượng Hải trong tương lai không xa, sau khi nhận được những sự chấp thuận cần thiết từ phía chính phủ. Từ đó, nhà máy này sẽ mất khoảng hai năm để xây dựng và 2-3 năm nữa để có thể đạt sản lượng 500.000 xe/năm.
Trung Quốc hiện là thị trường lớn nhất thế giới tính theo doanh số bán xe mới. Và nhiều nhà sản xuất ô tô trên toàn cầu đã và đang đua nhau xây dựng nhà máy ở đây trong suốt 20 năm qua. Thế nhưng, các nhà sản xuất ô tô này buộc phải thành lập liên doanh và chia sẻ công nghệ của mình, và đương nhiên là cả lợi nhuận, với các doanh nghiệp Trung Quốc.
Tuy nhiên, Chính phủ Trung Quốc đang chịu áp lực từ phía Mỹ và các nước châu Âu về vấn đề này. Đó cũng là cái cớ mà chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump sử dụng để đánh thuế đối với lượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 50 tỷ USD.
Đương nhiên, Bắc Kinh đã bác bỏ cáo buộc rằng nước này "đánh cắp" các tài sản sở hữu trí tuệ. Nhưng hồi tháng Tư, Trung Quốc lại tuyên bố sẽ bắt đầu nới lỏng những yêu cầu về liên doanh đối với các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó những hạn chế đối với hoạt động sản xuất ô tô điện sẽ được dỡ bỏ trong năm nay.
Giá trị của nhà máy mà Tesla dự kiến xây dựng ở Thượng Hải chưa được tiết lộ, nhưng chính quyền địa phương cho biết đây sẽ là dự án sản xuất có sự góp vốn của nước ngoài lớn nhất trong lịch sử của thành phố Thượng Hải.
Nhưng hiện vẫn chưa rõ nhà máy mới này của Tesla sẽ được "tự chủ" như thế nào. Chính phủ Trung Quốc cho biết Tesla sẽ sở hữu toàn bộ nhà máy này, nhưng đồng thời cũng cho hay thỏa thuận với Tesla sẽ bao gồm một "thỏa thuận đầu tư" giữa "ông lớn" này với các cơ quan địa phương. Bắc Kinh cũng cho biết Tesla và thành phố Thượng Hải sẽ hợp tác về công nghệ và công tác nghiên cứu và phát triển (R&D).
Tesla từ lâu đã có hứng thú với việc mở rộng sản xuất sang Trung Quốc, nhưng lại muốn có quyền kiểm soát hoạt động sản xuất của mình. Các nhà sản xuất thường muốn hoạt động sản xuất ô tô diễn ra ở gần thị trường đầu ra mục tiêu. Xây dựng nhà máy ở Trung Quốc cũng làm giảm nguy cơ bị vướng vào những căng thẳng thương mại trong tương lai giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trung Quốc hiện đã đánh thuế 40% đối với ô tô nhập khẩu từ Mỹ. Thế nhưng các sản phẩm ô tô được sản xuất ở Trung Quốc, dù là bởi các công ty Mỹ, thì cũng không phải chịu mức thuế này.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.