Phương tiện máy móc được huy động trên công trường |
Thi công xuyên Tết
Dự án cầu vượt nút giao An Dương - Thanh Niên là một trong tám công trình giao thông trọng điểm của TP. Hà Nội, được lên phương án xây dựng nhằm giải quyết UTGT cho 2 quận Ba Đình và Tây Hồ. Mặt khác, cây cầu còn tạo thuận lợi cho việc kết nối nhanh giữa trung tâm chính trị Ba Đình với sân bay Nội Bài thông qua cầu Nhật Tân; kết nối khu vực ngoài đê vào nội đô qua cửa khẩu An Dương. Bởi tính cấp thiết của công trình nên Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận cho Thành phố áp dụng cơ chế đặc thù, chỉ định thầu để đẩy nhanh tiến độ xây dựng.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Phạm Hoàng Tuấn - Giám đốc Ban QLDA Đầu tư Xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội cho biết: “Dự án cầu vượt An Dương - Thanh Niên có thời gian thi công được rút ngắn từ 01 năm xuống 10 tháng. Để hoàn thành được tiến độ vào giữa năm 2018 này, chúng tôi đã có sự điều chỉnh rất chi tiết, bổ sung các nhà thầu trên toàn tuyến cũng như rút ngắn tối đa ngày nghỉ lễ, Tết của các nhà thầu”.
“Việc khởi công dự án cầu vượt nút giao An Dương - Thanh Niên vào thời điểm giáp Tết Mậu Tuất năm 2018 đã được UBND Thành phố và Sở GTVT tính toán rất kỹ. Với đặc thù đây là nút giao thông có mật độ phương tiện cao nhất khu vực nội thành và thường xuyên UTGT vào giờ cao điểm, do đó việc tranh thủ thi công trong dịp Tết sẽ giảm thiểu UTGT và cũng đảm bảo tiến độ công trình”, ông Tuấn thông tin.
Đầu tháng Chạp, chúng tôi có mặt trên công trường thi công cầu vượt tại nút giao An Dương - Thanh Niên, không khí làm việc ở đây vẫn diễn ra rất sôi động, người nào việc ấy. Người điều khiển máy ép cọc, người thoăn thoắt thao tác máy cẩu đưa các cọc bê tông nặng hàng tấn đến vị trí đã định ép xuống nền đường Nghi Tàm. Tiếng máy chạy, tiếng người cười nói vang vang một góc phố.
Tâm sự với chúng tôi, anh Nguyễn Khắc Thành - công nhân điều khiển máy ép cọc (Tổ Ép cọc ván thép) quê tận huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên cho biết, Tết là dịp thiêng liêng để đoàn tụ gia đình, mọi năm dù có đi làm ở xa mấy anh cũng phải thu xếp về nhà cùng gia đình đón Tết. Tuy nhiên, năm nay do yêu cầu của công việc, anh đã tình nguyện ở lại trực Tết. Sau Tết, khi mọi người trong Công ty đến làm việc đầy đủ, anh và những công nhân tham gia trực Tết sẽ được về quê đoàn tụ cùng gia đình.
May mắn hơn anh Thoại, anh Đào Văn Minh (Tổ cầu 1 thuộc Tổng công ty Cơ khí xây dựng COMA) ở huyện Thanh Oai, TP. Hà Nội nên vẫn có thể tranh thủ về ăn Tết được với gia đình sau ca làm việc. Anh Minh tâm sự: “Ngày Tết ai cũng muốn ở bên gia đình, làng xóm. Nhưng vì yêu cầu của công việc, nhất là được đóng góp một phần nhỏ bé vào việc chống UTGT cho Thủ đô nên tôi và nhiều anh em đã nhận ở lại để thi công công trình. May mắn hơn các anh em khác là nhà ở Hà Nội, nên sau mỗi ca làm việc tôi vẫn tranh thủ về nhà ăn Tết cùng gia đình được”.
Chạy đua với thời gian, đưa dự án cán đích
Công nhân làm việc 3 ca liên tục để đưa dự án về đích đúng tiến độ |
Hòa mình trong không khí làm việc vui tươi, hối hả cùng những người lao động, Giám đốc Phạm Hoàng Tuấn cho biết: “Do thời gian thi công công trình gấp rút nên chúng tôi đã yêu cầu các nhà thầu thi công dự án làm việc 3 ca liên tục để hoàn thành các hạng mục nền móng ngay trong dịp Tết...”.
Theo ông Tuấn, các nhà thầu đã có những chính sách đãi ngộ thỏa đáng cho những công nhân làm việc trong dịp Tết. Sau khi công nhân nghỉ Tết đi làm đủ, những anh em trực Tết sẽ được bố trí nghỉ phép về quê đón Tết muộn cùng gia đình.
Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, tính đến thời điểm này, các đơn vị thi công đã hoàn thiện các phần việc khó khăn nhất của dự án, đó là hoàn thành việc hạ cốt phần đê Hữu Hồng cũng như đổ móng các trụ cầu. Đây là khâu khó khăn nhất vì phải bịt toàn bộ nút để thi công, các phương tiện từ phố Nghi Tàm, Âu Cơ, Thanh Niên khi muốn qua nút phải rẽ phải quay đầu xe tại điểm mở dải phân cách trên phố An Dương nên rất dễ xảy ra UTGT, nhất là khi giao thông thành phố trở lại hoạt động bình thường. Do đó, các đơn vị thi công đã phải làm ngày đêm để hoàn thành bằng được các hạng mục quan trọng này.
Cụ thể, tại cầu vượt nút giao An Dương - Thanh Niên đang tập trung hoàn thành phần móng trụ cầu, trong đó phần móng trụ cầu nằm giữa nút giao đã đổ bê tông xong và tổ chức phân luồng giao thông để các phương tiện có thể lưu thông qua nút bình thường.
Có thể nói, với sự nỗ lực hết mình của các nhà thầu như: Tổng công ty Cơ khí Xây dựng COMA, Công ty Cổ phần Tập đoàn Thành Long, Công ty Cổ phần Phát triển xây dựng và Thương mại Thuận An, hứa hẹn sẽ đưa công trình về đích đúng tiến độ, góp phần giảm thiểu UTGT cho giao thông Thủ đô
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.