Thủ tướng trao quyết định cho tân Chủ tịch PVN Trần Sỹ Thanh ngày 3/1/2018. |
Ngày 3/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao quyết định chính thức bổ nhiệm ông Trần Sỹ Thanh - Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư tỉnh uỷ Lạng Sơn giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Ông Thanh đồng thời giữ chức Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương.
Ông Trần Sỹ Thanh sinh năm 1971, quê Thanh Chương (Nghệ An) là Ủy viên Trung ương Đảng. Tháng 2/2004 ông được bổ nhiệm giữ chức Chánh văn phòng Kho bạc Nhà nước, sau đó là Phó tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước. Năm 2008 ông được điều chuyển tham gia Tỉnh uỷ Đăk Lăk.
Năm 2010 ông Thanh từng giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang, sau đó là Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương vảo tháng 2/2015. Tháng 10/2015 ông Thanh lại được điều động phân công về Lạng Sơn, giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn nhiệm kỳ 2015-2020.
Tại lễ trao quyết định bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên của PVN diễn ra sáng 3/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận xét, PVN có truyền thống và đội ngũ người làm dầu khí có nhiều cá nhân xuất sắc, lao động quên mình. Tập đoàn hàng năm đóng góp lớn cho ngân sách, nhưng cũng vấp váp, phải trả giá đắt khi một số cá nhân, lãnh đạo mắc sai phạm trong quản lý, điều hành.
Nhắc lại câu nói "lửa thử vàng, gian nan thử sức", Thủ tướng yêu cầu trước hết tân Chủ tịch PVN tiếp tục giữ gìn, phát huy đoàn kết thống nhất, vượt qua mọi khó khăn, trong đó làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ, công nhân viên.
“Phẩm chất cán bộ, ngoài năng lực thì đoàn kết, tập hợp đội ngũ để hoàn thành tốt nhiệm vụ là rất quan trọng. Củng cố bộ máy tốt hơn nữa, xây dựng bộ máy tinh gọn, vừa hồng vừa chuyên”, Thủ tướng nói.
Cùng với đó, lãnh đạo PVN cần chỉ đạo thực hiện các giải pháp và điều hành phát triển theo chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam. “Các đồng chí mà thất bại thì nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước khó có thể hoàn thành” vì tỷ lệ đóng góp của tập đoàn khá lớn trong cơ cấu GDP, cơ cấu nộp ngân sách.
Thủ tướng yêu cầu tập đoàn rà soát, cơ cấu lại các nguồn lực; thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn 2017-2020, khẩn trương trình Chính phủ đề án cơ cấu lại toàn diện tập đoàn trong quý I/2018.
Loạt dự án trọng điểm quốc gia như Cá voi xanh, khí lô B, lọc hóa dầu Nghi Sơn hay 5 dự án yếu kém, thua lỗ kéo dài chưa khắc phục xong của ngành dầu khí... cũng nằm trong số nhiệm vụ đang chờ vị tân Chủ tịch mới của PVN "xắn tay" giải quyết.
"Một loạt dự án có nguy cơ chậm trễ đang chờ Chủ tịch HĐTV mới cùng với Tổng giám đốc, tập thể các đồng chí ở đây thúc đẩy quá trình này”, Thủ tướng nói, đồng thời nhấn mạnh tập đoàn cần tiếp tục tiết giảm chi phí, chống lãng phí tiêu cực, tình trạng “sân trước sân sau”, nâng cao hiệu quả sản xuất, cạnh tranh.
Ngoài xử lý những lùm xùm, sai phạm trong nhân sự, quản trị của các đời Chủ tịch trước, tân Chủ tịch PVN cũng gặp thách thức không nhỏ trong điều hành khi tập đoàn này đang đứng trước nhiều trở ngại trong quá trình phát triển.
Kết thúc một năm đầy sóng gió, PVN đạt tổng doanh thu vượt 13,8% kế hoạch, tăng 10,1% so với năm 2016; nộp ngân sách Nhà nước vượt 22.900 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hợp nhất 31.900 tỷ, tăng 8.400 tỷ đồng so với năm 2016. Kết quả kinh doanh ngoài phụ thuộc vào kinh tế thế giới, diễn biến bất định của giá dầu thô, PVN cũng đang đứng trước khó khăn khi các mỏ dầu khai thác phải tìm kiếm, đầu tư xa hơn, tại vùng khó khăn hơn ở cả trong, ngoài nước. Trong khi đó, các lĩnh vực khác ngoài thăm dò, khai thác cũng đối mặt với không ít thách thức, đó là chi phí ngày càng lớn, vận hành khó hơn, công nghệ đòi hỏi cao hơn trong khi nguồn lực có sự hạn chế nhất định.
Nhận nhiệm vụ lãnh đạo Chính phủ giao, tân Chủ tịch PVN thừa nhận mình là người ngoại đạo với ngành dầu khí, nhưng ông mong muốn "không phải đứng đầu mà làm cùng, đứng cùng, chung tay, sát vai với tập thể cán bộ, công nhân viên tập đoàn để giai đoạn khó khăn của ngành dầu khí khép lại".
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.