Thái Lan chuyển giao quyền lực thế nào sau khi vua băng hà?

Xã hội 14/10/2016 10:45

Sự ra đi của nhà vua Thái Lan và quá trình chuyển giao quyền lực có thể là bước ngoặt tại đất nước hiện do quân đội kiểm soát

vuathailan
 

Ngày 13/10, Quốc vương Thái Lan Bhumibol Adulyadej qua đời tại bệnh viện Siriraj ở thủ đô Bangkok, hưởng thọ 88 tuổi. Sự ra đi của ông để lại nỗi đau buồn lớn cho toàn bộ hoàng gia và người dân nước này.

Đây được xem là bước ngoặt quan trọng không chỉ trong đời sống tinh thần của người dân mà còn trong cả đời sống chính trị tại Thái Lan vốn chưa từng hết sóng gió kể từ khi Thủ tướng Thaksin Shinawatra bị lật đổ năm 2006. Nhiều câu hỏi đã được đặt ra xung quanh sự kiện này.

Quốc vương có quyền lực gì?

Là người đứng đầu nhà nước và quân đội, Quốc vương Bhumibol phê chuẩn việc bổ nhiệm các quan chức cấp cao tại Thái Lan. Sau khi tiến hành đảo chính thành công vào năm 2014, chính quyền quân sự cai trị đất nước một cách hợp pháp với sự phê chuẩn của nhà vua.

Quốc vương Bhumibol được coi là biểu tượng của sự đoàn kết dân tộc, được toàn thể người dân Thái Lan sùng kính. Chân dung của ông được treo ở các tòa nhà, trường học và dọc theo những tuyến đường cao tốc trên khắp cả nước. 

Ai là người kế vị?

Quốc vương Bhumibol đã chỉ định con trai duy nhất của mình Maha Vajiralongkorn là người kế vị vào năm 1972. Thái tử Vajiralongkorn, 64 tuổi, thường được nhìn nhận là một "tay chơi" sống cuộc sống thượng lưu ở châu Âu.

Sở dĩ có những xì xào bàn tán về chuyện kế vị chính là bởi cuộc sống riêng của vị thái tử này có quá nhiều điều tai tiếng, không phù hợp với hình ảnh mẫu mực của hoàng gia. Thái tử Vajiralongkorn cũng hoàn toàn trái ngược với những ấn tượng về cha ông, một vị vua hết lòng vì đất nước trong suốt thời gian ở ngôi.

Điều này khiến các chuyên gia suy đoán rằng cuộc đảo chính 2014 là một nỗ lực của quân đội nhằm củng cố quyền lực trước khi ông Vajiralongkorn kế vị, đảm bảo quá trình chuyển giao ngai vàng được trơn tru.

Quân đội đứng ở đâu? 

Năm 2014, quân đội can thiệp vào chính trường Thái Lan, lật đổ chính phủ do nhân dân bầu ra lần thứ hai trong vòng một thập kỷ, đình chỉ hiến pháp. Tướng Prayuth Chan-o-cha được bổ nhiệm làm thủ tướng, người đứng đầu Hội đồng Hòa bình và Trật tự quốc gia. Cuộc đảo chính được xem là chiến thắng của giới tinh hoa chính trị, đồng thời là thất bại của phong trào dân túy đang lên.

Tháng 8 vừa qua, dự thảo hiến pháp mới do quân đội soạn thảo được bỏ phiếu thông qua, giảm quyền lực của các đảng phái chính trị, trao cho quân đội quyền bổ nhiệm các thành viên của thượng viện. Hội đồng Hòa bình và Trật tự quốc gia đã tìm cách hạn chế các cuộc tụ tập chính trị cũng như việc chỉ trích trưng cầu dân ý trước khi cuộc bỏ phiếu diễn ra. Khoảng 120 người đã bị các tướng lĩnh bắt giam.

Chuyện gì tiếp theo?

Trong quá khứ, nếu một thành viên hoàng tộc qua đời, thi hài sẽ được quàn trong 100 ngày, sau đó là nghi lễ kéo dài 6 ngày. Tuy nhiên, lần này có tương tự không hay kế hoạch khác thế nào vẫn là điều chưa rõ do những quy định về tội "đại bất kính" tại Thái Lan.

Luật pháp nước này rất nghiêm khắc với những hành vi xúc phạm hoàng tộc và trong thực tế ngay cả việc nói chuyện về hoàng gia cũng là điều cấm kỵ. Trong một diễn biến khác, Thủ tướng Prayuth Chan-o-cha tuyên bố các quan chức chính phủ Thái Lan sẽ để tang quốc vương trong một năm. 

Ông Prayut cũng nói Thái tử Vajiralongkorn muốn trì hoãn việc lên ngôi vì "giờ chưa phải thời điểm phù hợp" cho việc này.

Ý kiến của bạn

Bình luận