Thái Lan phát triển dự án điện mặt trời nổi lớn nhất thế giới

Tác giả: khoahoc.tv

saosaosaosaosao
Diễn đàn khoa học 08/03/2019 14:53

Thái Lan đang thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch trong nền kinh tế bằng dự án xây dựng các trang trại điện mặt trời nổi

757ef_a1
Trang trại điện mặt trời nổi có công suất lớn nhất thế giới hiện nay ở huyện Phượng Đài, TP. Hoài Nam, tỉnh An Huy, Trung Quốc. Ảnh: SunGrowPower

Điện mặt trời nổi là giải pháp giúp tiết kiệm đất đai và khai thác lợi ích kinh tế từ các không gian nước không sử dụng, đặc biệt ở những nước có nhiều đập thủy điện như Thái Lan

Tham vọng lớn của Thái Lan

Trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg tại Bangkok hôm 4-3, ông Thepparat Theppitak, Phó Giám đốc bộ phận nhà máy điện và năng lượng tái tạo thuộc Tổng công ty Điện lực Thái Lan (EGAT) cho biết từ nay đến năm 2037, EGAT sẽ xây dựng 16 trang trại điện mặt trời nổi với tổng công suất 2,7 GW/năm ở 9 hồ chứa nước ở các đập thủy điện ở Thái Lan.

Tám trong 16 trang trại này sẽ có công suất lớn hơn trang trại điện mặt trời nổi có công suất lớn nhất thế giới hiện nay ở Trung Quốc.  Đây được xem là một dự án khổng lồ vì tính đến tháng 10-2018, tổng công suất của các trang trại điện mặt trời nổi đang vận hành trên thế giới chỉ mới đạt 1,3 GW.

Trang trại điện mặt trời nổi lớn nhất của dự án này có công suất 325 MW và sẽ được xây dựng ở đập thủy điện Sirikit, miền bắc Thái Lan, dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2035.

Đợt đấu thầu xây dựng dự án trang trại điện mặt trời nổi đầu tiên trong dự án trên sẽ được tiến hành trong vòng hai tháng tới và sẽ đón chào các nhà đầu tư quốc tế tham gia. Ông Thepparat cho biết EGAT đã phân bổ ngân sách dự kiến 2 tỉ baht (63 triệu đô la) cho trang trại điện mặt trời nổi có công suất 45MW ở đập thủy điện Sirindhorn, Đông Bắc Thái Lan. Nhà máy điện mặt trời này dự kiến sẽ vận hành vào năm sau.

Kế hoạch trên là một quyết định đặt cược đầy tham vọng của Thái Lan vào hệ thống điện mặt trời nổi thường có chi phí lắp đặt cao hơn các trang trại điện mặt trời trên mặt đất. Nếu EGAT xây dựng tất cả 16 trang trại đúng như kế hoạch thì điện mặt trời trang trại nổi sẽ chiếm 1/10 tổng sản lượng năng lượng sạch ở Thái Lan vào năm 2050.

Theo ông Thepparat, đặt các tấm quang điện trên các bề mặt hồ chứa nước thủy điện đồng nghĩa với việc EGAT sẽ không tốn nhiều chi phí xây dựng hạ tầng để truyền tải điện từ các trang trại điện mặt trời nổi vào mạng lưới điện quốc gia. Mặt khác, điều này sẽ giúp cải thiện tổng sản lượng điện nói chung ở các nhà máy thủy điện. Trong tương lai, EGAT sẽ sử dụng pin lithium-ion để trữ điện được sản xuất bởi các trang trại điện mặt trời nổi.

“Điện mặt trời và thủy điện sẽ được kết hợp đồng bộ trong dự án này và sẽ sử dụng các nguồn lực và tài sản có sẵn của chúng tôi. Chúng tôi đã nghiên cứu và hoạch định dự án này rất kỹ càng”, ông Thepparat nói.

Jenny Chase, Giám đốc bộ phận phân tích điện mặt trời của công ty nghiên cứu và tư vấn năng lượng mới BloombergNEF ở London, cho hay: “Khi chi phí các tấm quang điện giảm, nhiều công ty phát triển điện mặt trời đang tìm kiếm các bề mặt nước để lắp đặt chúng”.

Trong những năm gần đây, Thái Lan đang sản xuất điện nhiều hơn từ các nguồn năng lượng tái tạo. Nước này đặt mục tiêu đưa năng lượng tái tạo chiếm 27% tổng sản lượng của đất nước vào  năm 2037 so với mức 12% hiện nay.

Các hệ thống trang trại điện mặt trời nổi có chi phí đầu tư đắt hơn khoảng 18% so với các trang trại điện mặt trời trên mặt đất vì chúng cần hệ thống neo giữ các tấm quang điện và các linh kiện điện tử bền hơn, theo Ngân hàng Thế giới (WB). Tuy nhiên, ông Thepparat cho hay các dự án như vậy sẽ không sử dụng đất nông nghiệp, đất rừng, hơn nữa nước cũng có thể làm mát các tấm quang điện và duy trì tuổi thọ của chúng lâu hơn, giúp tăng mức tiết kiệm điện lên 10%.

Giải pháp năng lượng sách cho Đông Nam Á

b829f_a2
Đập thủy điện Sirindhorn ở tỉnh Ubon Ratchathani, Đông Bắc Thái Lan, được chọn là nơi khởi động cho dự án xây dựng 16 trang trại điện mặt trời có tổng công suất 2,7 GW/năm.

 

Đông Nam Á là khu vực thích hợp để phát triển các trang trại điện mặt trời nổi vì khu vực này có diện tích đất đai hạn chế, đặc biệt ở Singapore, Indonesia, Philippines, nơi có nhiều đường bờ biển và vùng nước nội thủy. Hơn nữa, nhiều nước Đông Nam Á như Thái Lan, Lào, Việt Nam có rất nhiều đập thủy điện, thuận lợi cho việc lắp đặt các tấm quang điện nổi.

Ở các nhà máy thủy điện lớn, chỉ cần lắp đặt tấm quang điện bao phủ 3-4% diện tích đập chứa nước là có thể nâng công suất của các nhà máy này tăng gấp đôi.

Trong nhiều trường hợp, các trang trại điện mặt trời nổi trên các con đập, hồ chứa nước và những bề mặt nước khác giúp các không gian không sử dụng này tạo ra lợi ích kinh tế trong khi đó vẫn bảo tồn đất đai để sử dụng cho canh tác và các mục đích khác.

Singapore đang phát triển một trong những hệ thống điện mặt trời nổi lớn nhất thế giới ở eo biển Johor, phía Bắc của đảo quốc này.

“Ở những nước khan hiếm đất đai như Singapore, viêc xây dựng các hệ thống điện mặt trời bị cản trở bởi các hạn chế về không gian mặt đất và mái nhà”, Frank Phuan, Giám đốc điều hành tập đoàn Sunseap, nhà cung cấp các giải pháp năng lượng sạch hàng đầu Singapore, nói.

Celine Paton, nhà phân tích cấp cao ở Viện Nghiên cứu năng lượng mặt trời Singapore, cho rằng về lâu dài các tiến bộ công nghệ sẽ đưa chi phí lắp đặt các trang trại điện mặt trời nổi ngang bằng với các trang trại trên mặt đất.

Một báo cáo của Ngân hàng Thế giới hồi năm ngoái cho biết trang trại điện mặt trời nổi đặc biệt gây thu hút ở các nền kinh tế phát triển nhanh ở châu Á bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ và các nước Đông Nam Á. Báo cáo dự báo trong kịch bản bảo thủ nhất với giả định các tấm quang điện chỉ bao phủ 1% diện tích các hồ nước ngọt nhân tạo trên thế giới nhưng công suất điện có thể đạt đến mức 400 GW.

Trang trại điện mặt trời nổi lớn nhất thế giới hiện nay được xây dựng trên khu vực sụt lún tạo thành hồ của một mỏ than ở TP. Hoài Nam, tỉnh An Huy (Trung Quốc). Trang trại này có chi phí xây dựng 151 triệu đô la và sản xuất đủ sản lượng điện để phục vụ 94.000 hộ gia đình

 

 

Ý kiến của bạn

Bình luận