Thẩm tra dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành

Tác giả: Phạm Trọng Nghị

saosaosaosaosao
Thị trường 19/10/2017 15:12

Ngày 18/10, tại TP Đà Nẵng, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã thẩm tra Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

 

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh điều hành p
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh điều hành phiên họp

Tham dự có đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai...

Tại phiên thảo luận của Thường trực Ủy ban kinh tế, nhiều đại biểu băn khoăn về tính chính xác của số liệu diện tích đất ở trong tổng diện tích đất thu hồi và khung giá bồi thường đối với các hộ gia đình nhường đất cho dự án. Theo đó, tổng diện tích đất dự kiến thu hồi khoảng 5.585 ha, thuộc địa bàn huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, trong đó diện tích đất vườn cây cao su là 2.378ha, đất hộ gia đình sử dụng khoảng 2.970ha, đất do cơ quan, tổ chức sử dụng là 109 ha, diện tích còn lại là đất giao thông, sông suối. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 23.049 tỷ đồng theo thời giá tháng 7.2017 từ ngân sách quốc gia và ngân sách tỉnh, được Chính phủ giao UBND tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư dự án.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Trần Văn Vĩnh, trên cơ sở các quy hoạch được phê duyệt và các mốc giới đã được bàn giao, từ năm 2014, UBND tỉnh Đồng Nai đã tổ chức điều tra, khảo sát trực tiếp đến từng hộ dân và các tổ chức sử dụng để thu thập về số liệu về đất đai, dân cư và nguyện vọng của người dân về nhu cầu tái định cư để lập báo cáo trình các cơ quan chức năng. Đến thời điểm hiện tại, địa phương đã quy hoạch tổng số lô đất nền là 4.823 lô, dự kiến phục vụ nhu cầu tái định cư cho 4.562 hộ gia đình, chiếm 95% số lô đất nền tái định cư. Cũng theo số liệu điều tra, khảo sát tính đến thời điểm tháng 7.2017, diện tích đất ở của các hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng chỉ có 35,64 ha.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Trần Văn Vĩnh tiếp
Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Trần Văn Vĩnh báo cáo tại phiên họp.

Cho ý kiến tại phiên thảo luận, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội Bùi Sĩ Lợi cho rằng, tỉnh Đồng Nai phải lập kế hoạch bồi thường giá đối với người dân bị thu hồi phải minh bạch rõ ràng, ban hành mức giá đất tái định cư phải cùng thời điểm bị thu hồi để đảm bảo quyền lợi của người dân và ổn định cuộc sống sau khi chuyển đến nơi ở mới, tránh tình trạng ban hành giá bồi thường thấp, nhưng giá đất tái định cư cao sẽ đẩy người dân vào khó khăn.

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cho rằng, với mức hỗ trợ 21 triệu đồng, tương đương bằng 4,5 tháng lương mà UBND tỉnh Đồng Nai đưa ra để phục hồi thu nhập thực tế cho người dân, đây là một số liệu quá cụ thể và sẽ không phù hợp theo từng thời điểm và cao hơn so với các dự án khác. Do vậy cần phải điều chỉnh bằng việc tính theo tháng lương cơ bản tại thời điểm ban hành quyết định thu hồi để tránh khúc mắc, gây ra khiếu kiện.

Về cơ chế chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư trong báo cáo còn thiếu tính minh bạch. Cụ thể, đối tượng, phạm vi chịu tác động của dự án là rất lớn nhưng vì sao trong báo cáo lại không đưa chi tiết, trong khi đó tất cả các chi tiết về kết cấu hạ tầng nhỏ như đường ống nước cũng được đưa vào… Ngoài ra, việc đề xuất bồi thường thu hồi và hỗ trợ tái định cư cần phải công bằng chứ không thể dựa vào hộ gia đình chính sách để ưu ái, vì điều này sẽ tạo ra những tiền lệ xấu, bởi gia đình chính sách đã được hưởng những chính sách ưu đãi và hỗ trợ của Đảng, Nhà nước. Đặc biệt, cần quan tâm và lập dự án chi tiết đào tạo nghề cho người lao động theo nhu cầu thực tế và có địa chỉ chứ không phải đào tạo nghề theo Đề án 1956 của Chính phủ trước đây để lấy ngân sách. Riêng đối với những đối tượng cao tuổi không đảm bảo việc chuyển đổi nghề nghiệp cần có chính sách hỗ trợ riêng, vì trước đây họ vốn sống bằng sản xuất nông nghiệp.

Qua đó, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh khẳng định, chúng ta thấy sự cần thiết phải bàn về dự án này để lọc tối đa sạn trước khi dự án trình ra Quốc hội. Do vậy đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai phối hợp với Bộ Tài nguyên - Môi Trường, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lập và đưa ra số liệu chính xác, nhất là các đối tượng, các nhóm đối tượng và cơ chế chính sách dành cho họ phải mang tính thống nhất, rõ ràng chứ không thể mập mờ. Bởi những vấn đề gì mà Ủy ban Kinh tế băn khoăn thì Đại biểu QH cũng băn khoăn. 

Ý kiến của bạn

Bình luận