Mỗi ngày có hàng chục nghìn sản phẩm giá rẻ từ Trung Quốc được chuyển đến Mỹ - quần bò, đồ điện tử, đồ nhựa, thậm chí cả váy cưới. Lý do giá rẻ của chúng rất dễ hiểu: với mức sống thấp hơn và giá lao động rẻ hơn, các nhà sản xuất có thể sản xuất ra với chi phí thấp hơn nhiều so với Mỹ. Nhưng vẫn còn một lý do khác.
Chi phí vận chuyển từ Trung Quốc tới Mỹ cũng rất rẻ. Điều đó có nghĩa là những người bán gần như không phải tính thêm bất kỳ chút tiền phí nào khi gửi những hàng hóa trên đi qua quãng đường gần 9.700 km từ Trung Quốc sang Mỹ.
Nếu bạn muốn một con dao cạo lông mày ư? Trên trang Wish.com, một trang bán sản phẩm trực tiếp từ Trung Quốc, bạn có thể mua một chiếc với giá 95 cent, cộng thêm 2,62 USD tiền phí vận chuyển. Nhưng với món hàng đó tại Walmart.com, mức giá sẽ là 2,62 USD cho một gói 3 chiếc, nhưng phải cộng thêm 5,99 USD phí vận chuyển. Với mức giá hiện tại, gửi một bưu phẩm từ Bắc Carolina đến Fairfax, Virginia sẽ mất 1,94 USD. Còn từ Thượng Hải, sẽ là 1,12 USD.
Thứ Tư tuần trước, tổng thống Mỹ ông Donald Trump cam kết sẽ thay đổi nghịch lý này, khi cho biết ông đang chỉ thị Cục Bưu chính Mỹ (USPS) tăng phí đối với các hàng hóa quốc tế gửi tới Mỹ, bao gồm cả Trung Quốc. Quyết định này xuất phát từ việc nước Mỹ đã quyết định rút khỏi Liên minh Bưu chính Toàn cầu UPU.
Trên thực tế, từ lâu hàng loạt các bên, từ Amazon cho đến các doanh nghiệp nhỏ bán hàng trên eBay, đã kêu gọi tính phí cao hơn đối với các bưu kiện gửi từ nước ngoài, để giúp cạnh tranh tốt hơn với các nhà buôn Trung Quốc. Hơn nữa, cách làm này được cho sẽ giúp làm chậm dòng chảy hàng giả vào nước Mỹ.
Nguồn gốc của việc gửi hàng giá rẻ
Trong hơn một thế kỷ nay, thông qua UPU, cơ quan bưu chính ở các nước đã đồng ý gửi thư có nguồn gốc từ một quốc gia khác. Dịch vụ này từng được miễn phí, nhưng một bản cập nhật vào năm 1969 yêu cầu các cơ quan bưu chính nơi gửi sẽ phải trả cho cơ quan bưu chính nơi đến một khoản “phí thuê cảng” (terminal due) - để xử lý và phân phối kiện hàng đó. Khoản phí này được tính dựa trên mức độ phát triển của quốc gia nhận kiện hàng đó.
Theo đó, các quốc gia có dịch vụ bưu chính vẫn đang trong quá trình chuyển đổi có thể được tính phí cao, trong khi các quốc gia phát triển như Mỹ, sẽ phải tính phí thấp hơn. Năm 2006, một luật mới cho phép Mỹ gia nhập một thỏa thuận hai bên với các bưu điện nước ngoài, và về cơ bản, chấp thuận các khoản phí thuê cảng theo thỏa thuận riêng.
Năm 2011, khi thương mại điện tử bắt đầu cất cánh ở Mỹ, Cục Bưu chính Mỹ đã tham gia vào một thỏa thuận tay đôi với Bưu điện Trung Quốc cho phép người bán có thể theo dõi và gửi xác nhận với mức phí rất thấp chừng nào các món hàng đó là sản phẩm “ePacket”, có cân nặng dưới 2kg.
Với phí gửi hàng rẻ, sản xuất Trung Quốc cũng không hề đắt đỏ, và dòng chảy hàng hóa bắt đầu tuôn đi. Theo Cục Bưu chính Mỹ, khối lượng hàng gửi ePacket tăng gấp đôi từ 2014 đến 2016. Điều này giúp mang lại doanh thu 493 triệu USD cho USPS, nhưng nó cũng đi kèm với một chi phí. Trong khi các kiện hàng gửi từ Mỹ đến Trung Quốc rất đắt đỏ, chúng lại không thể gửi đi được nếu phí vận tải nằm trong ngưỡng không thể giao hàng của USPS, từ 25 cent cho đến 57 cent mỗi gói.
Cơn lũ hàng hóa từ Trung Quốc cũng gây ra nhiều vấn đề khác. Phần nhiều chất fentanyl đang lưu hành tại Mỹ đến từ những người bán hàng online ở Trung Quốc. Việc vận chuyển đồ điện tử nhỏ và mỹ phẩm trên biển cũng gây hại cho môi trường: một tàu container có thể gây ô nhiễm bằng 50 triệu xe ô tô. Ngoài ra, nhiều món hàng lại là hàng nhái rẻ tiền của các sản phẩm của Mỹ, nhưng vì mức giá thấp, người Mỹ vẫn mua nó.
Những người hưởng lợi từ quyết định này
Nhưng điều này sắp thay đổi hoàn toàn với quyết định vào thứ Tư tuần trước của ông Trump. Cho dù nó phá bỏ các thỏa thuận quốc tế đã kéo dài nhiều thập kỷ nay, nó cũng mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp nhỏ, cũng như các nhà bán lẻ tại cửa hàng của Mỹ để có thể cạnh tranh với người bán hàng Trung Quốc trên những trang web như eBay hay Amazon.
Ông Mike DeVries, người có một cửa hàng trên Amazon để bán các bộ phận trong máy nông nghiệp, cho biết: ông đã phải dừng bán các món đồ có cân nặng dưới 2kg như vòng bi bánh xe do không thể cạnh tranh lại về giá hàng đến từ Trung Quốc. Ông hiểu rằng quyết định vừa qua có thể làm giá hàng hóa từ Trung Quốc tăng một chút, nhưng nó là điều cần thiết đối với người Mỹ.
Không chỉ những người bán hàng nhỏ trên eBay được hưởng lợi từ quyết định này, ngay cả Amazon và người bán hàng của họ cũng vậy. Paul Misener, phó chủ tịch về chính sách công toàn cầu của Amazon cho biết vào năm 2015: “Các thỏa thuận vận tải quốc tế không được tạo ra hoặc duy trì các ưu đãi giả mạo cho những người bán hàng.”
Hơn nữa, thay đổi về giá hàng hóa gửi từ Trung Quốc cũng giúp Amazon chặn lại dòng chảy của hàng giả và hàng nhái từ các quốc gia khác đang được bày bán trên nền tảng của mình. Luật sư Christopher Johnson, người đại diện cho những người bán để chống lại việc buôn bán hàng giả, hàng nhái trên các nền tảng như Amazon và các trang khác, cho biết:
Quy định về ePacket “đã cho phép một kẻ làm hàng giả có thể gửi hàng giả theo đường bưu điện trực tiếp tới Mỹ gần như không mất gì cả, trong khi bạn mất đến 6 lần tiền như vậy để gửi món hàng tương tự đến nơi đó.”
Có thể thấy, quyết định tuần vừa qua của tổng thống Trump có thể là một đòn giáng mạnh vào những người bán hàng Trung Quốc trên các trang thương mại điện tử. Trong khi đây được xem một bước đi mới trong cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc, nó càng cho thấy rõ tuyên bố của ông Trump khi tranh cử: "Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại."
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.