Người dân Trung Quốc từng có thời điểm không thể rời chiếc khẩu trang khi ra đường vì ô nhiễm không khí |
Các thành phố lớn tại Việt Nam như Hà Nội và TP HCM đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm, chất lượng không khí tồi tệ nhất từ trước đến nay. Đây cũng là vấn nạn mà Thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc từng trải qua. Tuy nhiên, sau 7 năm quyết chiến với ô nhiễm, chính quyền thành phố này đã “giành lại được bầu trời xanh”.
Thành tích chưa một quốc gia nào làm được
Sự thay đổi này thể hiện rõ qua những số liệu thống kê chính thức từ Hệ thống Giám sát không khí của Bắc Kinh kể từ ngày đầu tiên bắt đầu giám sát vào năm 2013 đến nay do Cơ quan Môi trường và Sinh thái học thực hiện.
Theo đó, năm 2019, mức độ tập trung bụi mịn PM2.5 (phân tử rất nhỏ và gây hại nhất, chỉ ra mức độ ô nhiễm không khí) trung bình tại Thủ đô Bắc Kinh đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2013, đứng ở con số 42 microgram/m3 không khí, giảm 53% so với mức 89,5 microgram trong năm 2013.
Mức độ tập trung bụi PM10 và khí thải NO2 tương đương 68 và 37 microgram/m3, gần đạt tới mục tiêu quốc gia mà Chính phủ Trung Quốc đặt ra. Dù một số mức độ ô nhiễm vẫn vượt khuyến nghị của tổ chức quốc tế nhưng tốc độ cải thiện nhanh chóng của Bắc Kinh cũng được Liên hợp quốc ca ngợi như một minh chứng cho chiến dịch chống ô nhiễm không khí hiệu quả.
Bà Joyce Msuya, Phó giám đốc Điều hành của Chương trình Môi trường thuộc Liên hợp quốc đã viết trong một báo cáo hồi tháng 3 năm ngoái rằng “không có thành phố hoặc khu vực nào khác trên hành tinh này thực hiện được chiến dịch diệt ô nhiễm hiệu quả như vậy”. Theo bà, tất cả là nhờ “sự đầu tư mạnh mẽ thời gian, nguồn lực và quyết tâm chính trị”.
Báo cáo từ Liên hợp quốc, dựa trên số liệu ô nhiễm từ năm 1998 đến năm 2017 cũng kết luận rằng, các biện pháp hạn chế sử dụng bếp than, tăng cường nhiên liệu sạch tại khu vực dân cư, đồng thời siết chặt kiểm soát hoạt động sản xuất trong ngành công nghiệp là 3 yếu tố quan trọng nhất.
Ông Ma Jun, Giám đốc Viện Các vấn đề môi trường và Cộng đồng - tổ chức phi Chính phủ có trụ sở tại Bắc Kinh cho biết, sự cải thiện này là kết quả của những chính sách như kiểm soát sử dụng nhiên liệu than, hạn chế khí thải từ phương tiện, phối hợp với các lĩnh vực khác, minh bạch hơn trong thu thập và công bố dữ liệu.
Ô nhiễm là một trong 3 thách thức
Trung Quốc bắt đầu cuộc chiến chống ô nhiễm năm 2013 trong đó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình xác định đây là một trong ba thách thức lớn nhất của nước này trong năm 2017.
Kể từ khi phát động chiến dịch, chính quyền TP Bắc Kinh đã đóng cửa tất cả các nhà máy sử dụng than, khuyến khích người dân chấm dứt sử dụng loại bếp này và thay bằng khí đốt tự nhiên hoặc điện.
Trong lúc thực hiện chính sách, có thời điểm chính quyền địa phương đối mặt với thách thức lớn, chẳng hạn như mùa đông năm 2017 - 2018, rất nhiều thành phố khu vực phía Bắc Trung Quốc đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhiên liệu và phải sống trong cảnh thiếu lò sưởi.
Tuy nhiên, tổng lượng than đốt trong TP Bắc Kinh đã giảm đáng kể từ đỉnh điểm khoảng 30 triệu tấn trong năm 2005 xuống còn vỏn vẹn 4 triệu tấn trong năm 2018. Chính điều này cũng giúp mức độ tập trung khí SO2 (lưu huỳnh đi-ô-xít) trong không khí giảm xuống 85% từ 28 microgram/m3 trong năm 2013 xuống chỉ còn 4 microgram trong năm 2019.
Chiến dịch này cũng giúp mức độ ô nhiễm trên toàn Trung Quốc giảm theo. Theo số liệu từ Chính phủ Trung ương, năm 2018, mức độ tập trung bụi mịn PM2.5 trung bình trên toàn quốc là 39 microgram/m3, giảm 9,3% so với năm ngoái.
Trên khắp 338 thành phố lớn, chất lượng không khí đều được xếp loại tốt trong 79,3% thời gian, suýt soát với mục tiêu 80% tổng số ngày chất lượng không khí tốt.
Song bất chấp những thành công này, Bắc Kinh vẫn còn con đường dài phía trước để có thể giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm. Cũng có thời điểm như năm ngoái, mức độ tập trung bụi mịn PM2.5 tại Bắc Kinh là 42 microgram/m3 - cao hơn nhiều tiêu chuẩn không khí quốc gia là 35 microgram và cao hơn khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới là 10 microgram.
2020 sẽ là năm cuối cùng trong kế hoạch 3 năm của Chủ tịch Tập nhằm giải quyết ba thách thức lớn nhất và theo ông Ma, bước tiếp theo sẽ là đạt được tiêu chuẩn chất lượng không khí quốc gia đồng thời cải thiện cách ngành công nghiệp vận hành.
“Câu hỏi đặt ra lúc này đó là làm thế nào để đạt được tiêu chuẩn cao hơn, cải thiện chất lượng môi trường theo cách sáng tạo nhất”, ông Ma nói.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.