“Thành phố sân bay” Long Thành: Cơ hội vàng cho Đồng Nai “cất cánh”

Tác giả: Quyết Văn

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 08/10/2019 06:54

Nằm ở vị trí giao thông quan trọng, sân bay Long Thành được định hướng trở thành một cảng trung chuyển hàng không quy mô lớn trong khu vực Đông Nam Á, góp phần thu hút vốn đầu tư trên mọi lĩnh vực cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đối với tỉnh Đồng Nai nói riêng và cả khu vực phía Nam nói chung.

 

hình ảnh

Sân bay Long Thành sẽ mở ra cơ hội cho tỉnh Đồng Nai "cất cánh" trong tương lai

Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành) được quy hoạch trên diện tích đất 5.000 ha tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai gồm 3 giai đoạn với tổng vốn đầu tư hơn 16 tỷ USD (tương đương hơn 336.000 tỷ đồng). Trong đó, giai đoạn 1 có vốn đầu tư hơn 5,4 tỷ USD. Mục tiêu của dự án giai đoạn 1 là đầu tư xây dựng một đường cất/hạ cánh, một nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, nhà ga hàng hóa 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm; chậm nhất năm 2025 sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác. 

Sân bay Long Thành là cảng hàng không lớn nhất, quan trọng bậc nhất của Việt Nam, một thị trường hàng không có tốc độ tăng trưởng vào hàng cao nhất thế giới (đứng thứ ba trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương). Sân bay Long Thành nằm ở trung tâm khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, là khu vực kinh tế phát triển năng động, có nhu cầu vận chuyển hàng không cao nhất cả nước.

Ông Lại Xuân Thanh - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết: “Long Thành hiện có nhiều thuận lợi để hình thành nên một “thành phố sân bay” trong tương lai. "Thành phố sân bay" là một mô hình đô thị đặc biệt lấy dịch vụ vận chuyển hàng không làm trung tâm để hình thành và phát triển các trung tâm công nghiệp, dịch vụ thương mại, logistics, hội nghị, văn phòng, cơ sở y tế, nhà hàng, khách sạn, vui chơi giải trí, hệ thống giao thông... Đây là cảng hàng không trọng yếu bậc nhất của quốc gia. Với vị trí, vai trò quan trọng nên khi triển khai xây dựng sân bay Long Thành phải đảm bảo áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại, tiên tiến nhất, ngang bằng các cảng lớn trong khu vực cũng như của thế giới”.

Dự kiến năm 2025, sân bay Long Thành đưa vào khai thác sẽ tạo động lực lớn cho sự tăng trưởng kinh tế. Công trình được cho là sẽ giúp gia tăng sức hút dòng vốn quốc tế, thu hút các doanh nghiệp nước ngoài từ khắp các lĩnh vực cũng như gia tăng lượng du khách đến với tỉnh Đồng Nai nói riêng và cả khu vực phía Nam nói chung.

Ông Trần Văn Vĩnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết: “Sân bay Long Thành sẽ tạo động lực phát triển mạnh mẽ trong việc định hình, xây dựng đô thị trước mắt và cả lâu dài vì mọi hướng kết nối đều tập trung vào khu vực này. Đồng Nai đang định hướng vùng xung quanh sân bay Long Thành bao gồm phần ngoại vi mở rộng kết nối đến Biên Hòa, Nhơn Trạch, Trảng Bom trở thành "thành phố sân bay". UBND tỉnh cũng đã cử các đoàn công tác đi tham quan, học tập kinh nghiệm xây dựng thành phố xung quanh sân bay từ các nước tiên tiến trên thế giới để làm cơ sở cho việc tiếp thu, ứng dụng tại Đồng Nai sau này. 

Nhiều tập đoàn, quốc gia trên thế giới cũng đã đến Đồng Nai tìm hiểu và đề đạt mong muốn được phối hợp, đầu tư cùng tỉnh trong việc quy hoạch, định hình xây dựng đô thị sân bay theo mục tiêu mà tỉnh đã lựa chọn. Kinh nghiệm cho thấy, việc phát triển đô thị thường gắn liền với phát triển hạ tầng. Trong tương lai, các đô thị của Đồng Nai, đặc biệt là những đô thị mới cần bám các tuyến giao thông huyết mạch để phát triển kinh tế”.

Ông Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia kinh tế cho rằng: “Thành phố sân bay” là mô hình phát triển đô thị gắn liền với các cảng hàng không quốc tế vốn đã rất thành công tại nhiều quốc gia trên thế giới. Việc hình thành nên “thành phố sân bay” là điều cần thiết để đáp ứng nguồn cầu lớn trong tương lai khi sân bay đi vào hoạt động. Dự án đầu tư quy hoạch sân bay Long Thành ra đời đã mang đến nhiều thông tin tích cực cho ngành Hàng không trong nước. Sở hữu vị trí giao thông thuận lợi cùng quỹ đất lớn, sân bay Long Thành được định hướng trở thành một cảng trung chuyển hàng không quy mô lớn trong khu vực Đông Nam Á, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế của từng địa phương và cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”

Ý kiến của bạn

Bình luận