Đó là thực tế được ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam chỉ ra khi trao đổi với VOV. Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), năng suất lao động (NSLĐ) của Việt Nam năm 2013 được xếp vào nhóm thấp nhất của khu vực châu Á - Thái Bình Dương; thấp hơn Singapore 15 lần, Nhật Bản 11 lần, Hàn Quốc 10 lần, Malaysia 5 lần, Thái Lan 2,5 lần.
Số liệu thống kê của Tổ chức năng suất châu Á cho thấy, NSLĐ của Việt Nam thấp hơn 2 lần so với năng suất bình quân của khu vực ASEAN.
Năng suất lao động của Việt Nam được xếp vào nhóm thấp nhất của khu vực châu Á. |
Trong khi đó, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có lực lượng lao động dồi dào. Năm 2013, dân số từ 15 tuổi trở lên là 69,3 triệu người, lực lượng lao động cả nước đạt 53,7 triệu, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động chiếm đến 77,5%.
Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam khẳng định, việc tranh thủ thời điểm dân số vàng để sử dụng có hiệu quả dân số trong độ tuổi lao động là rất cần thiết. Bên cạnh đó, môi trường của doanh nghiệp là hết sức quan trọng để nâng cao NSLĐ.
Với con số gần 80% lao động chưa qua đào tạo, dẫn đến việc tiếp thu khoa học công nghệ còn hạn chế. Cho nên cần đẩy mạnh đào tạo tại chỗ, đào tạo trên công việc…
Dẫn chứng số liệu trên với việc hàng triệu cử nhân, lao động có tay nghề thất nghiệp, trong khi các trường đại học, trường nghề “trăm hoa đua nở”, ông Nguyễn Anh Tuấn thừa nhận, đây là “nút thắt” trong vấn đề lao động của Việt Nam hiện nay và cần khắc phục mâu thuẫn này.
Ông Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh: “Các trường cần phải quan tâm hơn trong việc đào tạo lực lượng lao động Việt Nam trong thời gian tới. Cần phải xem xét tại sao rất nhiều cơ sở đào tạo mà tỷ lệ lại đạt thấp? Vấn đề có thể người lao động chưa có động lực để tham gia đào tạo nâng cao.
Doanh nghiệp cũng chưa làm rõ việc đào tạo sẽ mang lại lợi ích cho mình, nên người lao động chưa chủ động tham gia vào quá trình đào tạo. Còn cứ nói một chiều là hãy học đi thì sẽ không giải quyết được vấn đề gì”.
"Đã đến lúc các cơ sở đào tạo cần có những chương trình phù hợp với doanh nghiệp. Việc đào tạo rồi để đó, trong khi doanh nghiệp mỏi mòn tuyển lao động là một minh chứng vì sao NSLĐ ở ta quá thấp như vậy", ông Tuấn nói.
Liên quan đến tình trạng tình trạng thất nghiệp tại Việt Nam, còn nhớ hồi tháng 7/2015, Viện Khoa học Lao động và Xã hội công bố bản tin cập nhật thị trường lao động quý I/2015, trong đó chỉ rõ, tính theo trình độ chuyên môn, tỷ lệ thất nghiệp cao nhất nằm ở nhóm có trình độ cao đẳng chuyên nghiệp và cao đẳng nghề, tương ứng là 7,2% và gần 6,9%.
Nhóm không có bằng cấp, chứng chỉ có tỷ lệ thấp nhất ở mức 1,97%. Nhìn chung, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động của cả nước là 2,43%, tăng 0,22% so với cùng kỳ năm 2014.
Còn số liệu của Tổng cục Thống kê trong quý I/2015, trong số 100 sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng... thì có nhiều hơn 4 trường hợp không có việc làm.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.