Thất vọng khi các đại gia ôtô đòi ưu đãi mà không nội địa hóa

Doanh nghiệp 14/10/2017 06:55

Bộ Tài chính muốn thúc đẩy nội địa hóa, còn các doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp ôtô lại chỉ muốn giảm thuế nhập khẩu linh kiện, tăng ưu đãi, vì thế bộ bày tỏ khá thất vọng.

 

dsc01556-1507797583992
Đại diện Bộ Tài chính bày tỏ nỗi thất vọng trước đề nghị ưu đãi của VAMA

Bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, phó vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế, Bộ Tài chính, đã bày tỏ sự thất vọng khi cho rằng cơ quan nhà nước đã "rất vất vả" khi xây dựng chính sách, nhưng Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) lại không ủng hộ.

Theo bà Hằng, trong suốt 20 năm qua Việt Nam đã duy trì chính sách thuế bảo hộ ôtô rất cao, còn thuế nhập khẩu thì ngày một xuống thấp.

Vì thế, nếu không đặt ra điều kiện về tỉ lệ nội địa hóa thì doanh nghiệp sẽ nhập khẩu nguyên liệu, linh phụ kiện để hưởng ưu đãi thuế.

"Chúng tôi mừng vì doanh nghiệp lắp ráp trong nước ủng hộ Bộ Tài chính, nhưng VAMA lại không ủng hộ. Nếu giảm hết thuế nhập khẩu linh kiện sao phát triển công nghiệp hỗ trợ được, nên Bộ Tài chính phải gắn với sản lượng, nội địa hóa", bà Hằng nói.

Những phát biểu của bà Hằng được đưa ra tại hội thảo - triển lãm với chủ đề "Công nghiệp ôtô và cơ hội phát triển mạng lưới sản xuất tại Việt Nam" được Bộ Công thương tổ chức sáng 12-10.

Tổng giám đốc Công ty ôtô Toyota VIệt Nam, ông Toru Kinoshita, cũng là chủ tịch VAMA, cho rằng rất ủng hộ chủ trương của Chính phủ thúc đẩy sản xuất xe và linh kiện ôtô tại Việt Nam.

Tuy nhiên, ông này cho rằng ngành công nghiệp ôtô chỉ có thể phát triển được khi thị trường đủ lớn, vì thế ba giải pháp cần phát triển là duy trì tăng trưởng thị trường, hỗ trợ giảm chi phí chênh lệch giữa sản xuất xe hơi trong nước và nhập khẩu và ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư...

Ông Phạm Anh Tuấn, trưởng ban chính sách của VAMA, cho rằng ngành công nghiệp ôtô đang chịu nhiều sức ép cạnh tranh khi năm 2018 xe nhập khẩu từ ASEAN có thuế về 0%.

Doanh nghiệp sản xuất, theo ông Tuấn, phát triển không ổn định do sự thay đổi liên tục của chính sách thuế "lúc tăng lúc giảm".

Trong khi đó, sản lượng sản xuất quá nhỏ nên doanh nghiệp chủ yếu phải nhập khẩu đến 70-80% linh kiện, phải trả chi phí cao cho đóng gói, vận chuyển, thuế nhập khẩu.

Những yếu tố bất lợi trên làm giá thành sản xuất ôtô tại Việt Nam cao hơn Thái Lan, Indonesia…

Do đó, ông Tuấn đề nghị cần phải có chính sách thuế ổn định, lâu dài và nhất quán nhằm giúp thị trường tăng trưởng bền vững.

Cụ thể, trong ngắn hạn cần giảm hoặc bãi bỏ thuế nhập khẩu linh kiện CKD từ năm 2018 cho các nhà sản xuất ôtô và các nhà sản xuất linh kiện, không gắn với điều kiện về sản lượng, nội địa hóa.

Đồng thời, cần có ưu đãi sản xuất cho các nhà sản xuất nội địa để duy trì sản xuất trong nước, khi thị trường chưa đủ lớn.

Ý kiến của bạn

Bình luận