Một nhân viên điều tra trước mảnh thân vỡ của chiếc máy bay MH17 rơi xuống gần là Hrabove, Donetsk Ukraine ngày 22/07/2014 - EUTERS/Maxim Zmeyev |
Hai năm sau vụ chiếc máy bay Boeing 777 mang số hiệu MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines đang trên đường bay từ Amsterdam tới Kuala Lumpur bị bắn rơi trên vùng trời Ukraine làm 298 người thiệt mạng, hôm 28/9, Viện Công tố Hà Lan đã công bố kết quả điều cuộc tra hình sự quốc tế, theo đó khẳng định chiếc máy bay MH17 đã bị tên lửa BUK được đưa đến từ Nga bắn hạ hôm 17/07/2014, RFI cho biết.
Cuộc điều tra hình sự do nhóm điều tra chung JIT gồm các chuyên gia của Hà Lan, Úc, Ukraina, Malaysia và Bỉ. Mục tiêu của các nhà điều tra là truy ra những người chịu trách nhiệm trong vụ máy bay MH17 bị rơi để đưa ra trước pháp luật.
Sau hơn 2 năm điều tra, xử lý một khối lượng dữ liệu khổng lồ gồm: 5 tỷ trang tài liệu internet, nửa triệu bức ảnh, video, tiếp cận hơn 200 nhân chứng và các dữ liệu viễn thông với khoảng 150 nghìn cuộc nói chuyện điện thoại, nhóm điều tra đã có được kết quả chủ yếu sau:
Về vũ khí đã bắn vào máy bay
Viện công tố Hà Lan cho biết: "Nhóm điều tra chung (JIT) tin chắc đã có những bằng chứng không thể phản bác để khẳng định ngày 17/07/2014, chiếc máy bay MH17 đã bị bắn hạn bởi một tên lửa BUK loại 9M38".
Các nhà điều tra quốc tế làm việc dưới sự chỉ đạo của Viện Công tố Hà Lan đã so sánh các mảnh thu được tại hiện trường máy bay rơi, được cho là của vũ khí với những vật liệu đối chứng lấy từ nhiều loại tên lửa BUK.
Dựa trên các hình ảnh radar, các nhà điều tra khẳng định máy bay bị tấn công từ bên ngoài. Điều này loại bỏ các giả thiết máy bay bị tai nạn trục trặc kỹ thuật, có hành động khủng bố bên trong khoang máy bay hoặc MH17 bị tấn công từ một máy bay quân sự khác.
Nguồn gốc của tên lửa
Viện Công tố Hà Lan cho biết, dựa trên các ảnh chụp, video, nhân chứng, các dữ liệu viễn thông, điện thoại các nhà điều tra đã dựng lại hành trình di chuyển của tên lửa, theo đó có thể kết luận: hệ thống đã được chuyển từ lãnh thổ Nga sang Ukraine bằng một xe tải Volvo màu trắng có rơ-mooc. Chiếc xe tải còn được nhiều xe chở lính có vũ trang hộ tống .
Các cuộc nói chuyện điện thoại cho biết hệ thống BUK đã đi qua biên giới trong đêm trước khi xảy ra thảm họa.
Ngày 16/07/2014, lúc 19 giờ 09, giờ địa phương, một người được xác định có tên gọi Nikolaevich nói rằng nếu anh ta có thể nhận được tên lửa BUK vào buổi sáng thì sẽ rất tốt, còn nếu không mọi việc sẽ hỏng hết. Một người có tên Sanych trả lời: Nếu anh cần, chúng tôi sẽ gửi nó đến vùng của anh.
Tên lửa được bắn lên từ đâu?
Điểm đến cuối cùng của dàn tên lửa BUK này là một cánh đồng thuộc làng Pervomaiski, khi đó đang nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng nổi dậy thân Nga. Nhiều nhân chứng khẳng định đã trông thấy một cuộn khói, một bệ phóng BUK trong khu vực làng Pervomaiski và họ còn nhìn thấy quả tên lửa sau khi được phóng đi.
Bệ phóng tên lửa BUK sau đó đã được đưa lên chiếc xe tải và được chuyển về biên giới qua lãnh thổ Nga ngay trong đêm, theo các nhà điều tra.
Ai là người bắn tên lửa?
Các nhà điều tra không nêu tên bất kỳ một nghi can nào nhưng nói có rất nhiều người dính líu. Theo thông cáo của Viện Công tố Hà Lan thì "có khoảng một trăm người có thể liên quan đến vụ máy bay MH17 bị bắn rơi và đến việc vận chuyển giàn phóng tên lửa như đã nói ở trên. Cơ quan điều tra vẫn tiếp tục tìm kiếm thêm thông tin về các đối tượng tình nghi đó".
Trọng tâm của các câu hỏi nhằm vào dây chuyền chỉ huy. Ai đã ra lệnh đưa tên lửa BUK tới Ukraine và bắn hạ chiếc Boeing 777 số hiệu MH17? Nhóm phóng tên lửa đã tự ý hành động hay chỉ thực thi mệnh lệnh của cấp trên?
Cuộc điều tra vẫn còn tiếp tục kéo đến ngày 1/07/2018. Các nhà điều tra đã công bố trên trang mạng của nhóm www.jitmh17.com một số cuộc điện đàm thu được giữa hai người sử dụng mật danh "Orion" và "Delfin". Nhóm điều tra chung JIT kêu gọi những người có thể nhận ra giọng nói trong các cuộc nói chuyện trên liên lạc để cung cấp thêm thông tin.
Mặc dù kết quả điều tra vẫn còn chưa có được những chi tiết cụ thể để đạt được mục đích đề ra nhưng ngay sau khi nó được công bố ngày hôm qua, 28/09/2016, Nga đã đã lên tiếng đánh giá cuộc điều tra hình sự quốc tế này là vòng vo và mang động cơ chính trị.
Trong khi đó Ukraine kết luận ngay có sự can dự trực tiếp của Moscow trong vụ máy bay MH17 bị bắn rơi. Washington thì lên tiếng hoan nghênh những kết luận tạm thời của cuộc điều tra đã khẳng định những nghi ngờ của Mỹ ngay sau thảm họa xảy ra về sự can dự của Nga là đúng.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cho rằng, các kết luận của JIT là một giai đoạn quan trọng. Đồng thời ông kêu gọi phía Nga hợp tác đầy đủ với cuộc điều tra, giờ đây sẽ hướng tới việc xác định nghi phạm cụ thể. Về phần mình, thủ tướng Malaysia Najib Razak tuyên bố: "Malaysia muốn phải có hành động cứng rắn hơn".
Gia đình các nạn nhân đón nhận kết quả điều tra này với thái độ hoài nghi. Không ít người cho rằng Nga sẽ không bao giờ tự nguyện trao nghi phạm và sẽ chẳng có phiên tòa nào hết.
Điều gì đã diễn ra trên bầu trời Donbass ngày 17/07/2014?
Tháng 7 năm 2014, phần phía đông của Ukraine đang lún sâu vào trong chiến sự. Quân đội Ukraine đang cố lấy lại các thành phố bị mất vào tay quân nổi dậy thân Nga trong vùng Lougansk và Donetsk.
Khi các cuộc giao tranh trở nên dữ dội, Kiev đang mất dần ưu thế cả trên không. Hồi đầu mùa hè năm đó, lực lượng nối dậy được Moscow huấn luyện đã bắn rơi hàng loạt máy bay chiến đấu và trực thăng của quân đội Ukraine nhờ được trang bị các loại tên lửa đất đối không và các giàn pháo phòng không.
Cộng đồng quốc tế tỏ ra thờ ơ với cuộc chiến không có tên gọi này. Không có chỉ thị đặc biệt nào, các máy bay dân dụng vẫn tiếp tục bay qua bầu trời Ukraine, cho đến tận khi thảm họa xảy ra vào ngày 17/07/2014, chiếc máy bay Boeing 777, mang số hiệu MH17, của hãng hàng không Malaysia Airlines bay từ Amsterdam đến Kuala Lumpur bị nổ tung khi đang bay ở độ cao 10 nghìn mét trên thành phố Torez, miền đông Ukraine.
Thảm họa đã làm toàn bộ 298 người trên chiếc máy bay thiệt mạng, trong đó có 193 công dân Hà Lan. Một giờ sau đó, chỉ huy quân nổi dậy Igor Strelkov khoe khoang trên mạng xã hội vừa bắn rụng một máy bay chiến đấu Ukraine. Thông tin này sau đó đã nhanh chóng bị xóa đi.
Người ta biết được điều gì trước khi có kết quả điều tra quốc tế?
Ngay từ tháng 9 năm 2014, hướng điều tra tai nạn do con người hay trục trặc kỹ thuật trên máy bay đã bị các nhà điều tra loại trừ. Các chuyên gia nêu khả năng máy bay đã va chạm cực mạnh với số lượng lớn các vật thể có năng lượng cao.
Tháng 10 năm 2015, một báo điều tra của Cơ quan điều tra an ninh Hà Lan nêu chi tiết, máy bay đã bị phá hủy bởi một đầu đạn bắn vào bên trái của khoang lái. Vũ khí mà họ nói tới đó là tên lửa đất đối không BUK do Nga sản xuất. Loại vũ khí này vẫn được trang bị cho quân đội Ukraine và lực lượng nổi dậy được Nga huấn luyện cũng có. Theo các nhà điều tra, tên lửa được bắn lên trong vùng quân nổi dậy kiểm soát.
Ngay những ngày đầu thảm họa xảy ra, Kiev và Moscow tố cáo lẫn nhau đã bắn rơi chiếc Boeing của hàng không Malaysia Airlines.
Một uỷ ban điều tra Nga bảo vệ ý kiến cho rằng chiếc Boeing đã bị một máy chiến đấu của không quân Ukraine loại SU-24 bắn rơi. Giả thuyết này đã được chính quyền Nga nhiều lần chính thức nêu ra. Truyền hình Nga cũng công bố một bức ảnh vệ tinh nhằm xác tín cho giả thuyết thủ phạm là một chiến đấu cơ Ukraine.
Kịch bản này đã bị phản bác khi chính nhà chế tạo vũ khí Nga Almaz-Antey khẳng định máy bay bị nổ là do bị tên lửa đất đối không BUK bắn vào thân. Tuy nhiên ông này cũng quả quyết rằng tên lửa được bắn đi từ vùng do quân chính phủ Ukraina kiểm soát.
Hai ngày trước khi công bố kết quả điều tra quốc tế, tướng Nga Andrei Kobane một lần nữa đã lên tiếng tố Ukraine là thủ phạm bắn rơi chiếc Boeing MH17.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.