Thay vì F-16, nên mua F/A-18 cũ để phối hợp tác chiến cùng Su-30MK2?

Sản phẩm 08/11/2016 14:10

Mỹ đã chuyển giao nhiều máy bay tiêm kích F-16 cũ đang được bảo quản tại căn cứ Davis-Monthan cho một vài quốc gia đồng minh

f-a-18c-1478450909610-0-0-1079-1738-crop-147845091
 

Mỹ đã chuyển giao nhiều máy bay tiêm kích F-16 cũ đang được bảo quản tại căn cứ Davis-Monthan cho một vài quốc gia đồng minh nhằm giúp họ nhanh chóng gia tăng sức mạnh quân sự.

Tiêu biểu cho trường hợp trên có thể kể đến Không quân Indonesia. Trong năm 2012, Mỹ cùng với Indonesia đã thông qua thỏa thuận có nội dung quốc gia Đông Nam Á sẽ nhận được 24 máy bay chiến đấu F-16 Block 25 đã qua sử dụng để sau đó nâng cấp lên chuẩn Block 52. Ngoài ra, họ còn được bàn giao 6 máy bay cùng loại để lấy phụ tùng.

Số tiêm kích F-16 trên Mỹ sẽ chuyển giao dưới dạng "cho không", nhưng các khoản chi phí nhằm phục vụ đại tu và nâng cấp thì Chính phủ Indonesia phải chi trả. Ước tính Indonesia sẽ bỏ ra khoảng 750 triệu USD để sở hữu số chiến đấu cơ trên.

Sau khi tiếp nhận đầy đủ, Không quân Indonesia đã điều động một vài phi đội F-16 tham gia phối hợp cùng Su-30MK2 để tuần tra bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Mặc dù đã được nâng cấp, nhưng nhiệm vụ bảo vệ không phận trên đất liền có vẻ thích hợp với một chiếc tiêm kích hạng nhẹ như F-16 hơn là phải gồng mình song hành cùng chiến đấu cơ hạng nặng trong những chuyến tuần tra dài trên biển.

Lợi thế của F-16 là rất linh hoạt, sức cơ động cao, chi phí khai thác rẻ... nhưng nó cũng có nhược điểm là tầm hoạt động ngắn, tải trọng vũ khí (đặc biệt là vũ khí phục vụ tác chiến đối hải) không thể ngang hàng với Su-30MK2.

Do vậy, đã xuất hiện ý kiến là thay vì mua F-16, Không quân Indonesia lẽ ra nên nghị Mỹ bán cho dòng tiêm kích hải quân F/A-18 Hornet để đáp ứng tốt hơn yêu cầu thực tế trong tình hình mới, khi "nhiệt độ" tại biển Đông ngày một nóng lên.

Tiêm kích F/A-18 Hornet trong trạng thái niêm cất bảo quản tại căn cứ Davis-Monthan

So sánh với F-16 thì lợi thế của F/A-18 nằm ở bán kính hoạt động lớn (740 km so với 550 km), được thiết kế tối ưu cho nhiệm vụ tác chiến đối hải (khả năng bay thấp, cất hạ cánh đường băng ngắn, tối ưu hóa kênh dẫn đường cho vũ khí tấn công mặt biển), độ bền khung thân cũng tốt hơn...

Bên cạnh đó, trong nhiệm vụ tác chiến phòng không thì F/A-18 cũng tỏ ra chẳng hề thua kém F-16, nó được trang bị hệ thống điện tử hàng không tiên tiến cho phép sử dụng tất cả những loại vũ khí tối tân nhất hiện nay.

Nhược điểm đáng kể của phương án dùng F/A-18 thay thế F-16 có lẽ là giá thành trên một giờ bay của Hornet cao gấp hơn 1,5 lần Fighting Falcon, sẽ khiến nhiều quốc gia nghèo vốn đề cao yếu tố kinh tế phải cân nhắc thật kỹ.

Tóm lại, nếu một lực lượng không quân muốn nhanh chóng sở hữu tiêm kích thế hệ mới, tin cậy, giá thành rẻ để lấp đầy khoảng trống mà máy bay cũ nghỉ hưu đã để lại, họ không đặt nặng yêu cầu tác chiến đối hải thì F-16 là lựa chọn tối ưu.

Tuy nhiên nếu muốn tính xa hơn cho nhiệm vụ đánh biển (tương tự trường hợp của Indonesia) thì F/A-18 lại là phương án hợp lý hơn cả, đây là kinh nghiệm rất đáng để tham khảo cho quốc gia nào đang manh nha ý định mua chiến đấu cơ cũ của Mỹ.

Ý kiến của bạn

Bình luận