Thẻ căn cước công dân khác gì chứng minh thư?

Xã hội 23/12/2015 06:28

Theo Luật Căn cước công dân có hiệu lực từ 1/1/2016, người dân từ 14 tuổi trở lên sẽ được cấp thẻ căn cước công dân 12 số. Đây là giấy tờ tùy thân thể hiện thông tin cơ bản về lai lịch, nhận dạng, được sử dụng trong các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam. Hà Nội cùng 16 địa phương khác sẽ thí điểm cấp thẻ này từ năm 2016.

Thượng tá Nguyễn Danh Quảng, Phó trưởng phòng Cảnh sát Quản lý Hành chính về Trật tự xã hội (Công an Hà Nội) trả lời Zing.vn xung quanh loại giấy tờ mới này.

- Thẻ căn cước công dân (CCCD) và Chứng minh nhân dân (CMND) giống và khác nhau điểm gì, thưa ông?

- CMND và Thẻ CCCD bản chất giống nhau, là loại giấy tờ pháp lý chứng minh nhân thân. Hình dáng, màu sắc, nội dung in trên Thẻ CCCD cơ bản giống CMND loại 12 số. Nội dung Thẻ CCCD có 19 mục, trong khi CMND có 20 mục, bỏ phần "Họ và tên gọi khác".

Thẻ căn cước công dân khác gì chứng min
Thượng tá Nguyễn Danh Quảng

Thẻ CCCD không có phần khai “Dân tộc”, nhưng có thêm mục “Quốc tịch”. Dấu in trên CMND là con dấu của Bộ Công an, nhưng trên Thẻ CCCD là hình Quốc huy.

Một điểm khác nhau nữa là hạn sử dụng, hạn của CMND là 15 năm. Với Thẻ CCCD, sau lần cấp mới, mọi người phải đi đổi vào các năm 25 tuổi, 40 tuổi và 60 tuổi. Sau 60 tuổi công dân không cần đổi.

- Thẻ CCCD mang đến lợi ích gì cho người dân và cơ quan quản lý?

- Luật Căn cước công dân quy định, cán bộ thực thi nhiệm vụ không được yêu cầu người dân xuất trình Giấy khai sinh, Sổ hộ khẩu nếu họ đã có Thẻ CCCD. Ngày tháng năm sinh, nơi thường trú của công dân được thể hiện đầy đủ trên thẻ.  

Thẻ CCCD được sử dụng thay cho hộ chiếu trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân nước ký kết được sử dụng Thẻ CCCD thay cho việc sử dụng hộ chiếu trên lãnh thổ của nhau. Tuy nhiên, chúng ta chưa ký kết thỏa thuận này với nước nào.   

Về phía Nhà nước, qua việc cấp Thẻ CCCD sẽ xây dựng được một kho cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Theo chiến lược của Bộ Công an, Thẻ CCCD sẽ dần sẽ thay thế Sổ hộ khẩu.

- Người dân cần mang giấy tờ gì, nộp lệ phí bao nhiêu khi làm Thẻ CCCD?

- Người dân làm Thẻ CCCD chỉ cần mang Sổ hộ khẩu, hoặc CMND cũ nếu có. Công dân ở Hà Nội muốn cấp thẻ, có thể đến số 499 Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân), 44 Phạm Ngọc Thạch (quận Đống Đa), hoặc Đội Cảnh sát Quản lý Hành chính về Trật tự xã hội công an các quận, huyện, thị xã, nơi mình ở.    

Thẻ căn cước công dân khác gì chứng min
Quy trình cấp thẻ CCCD khá giống với cấp CMND 12 số. Ảnh: Việt Đức.

Quá trình làm Thẻ CCCD, người dân không phải khai đơn đề nghị và xin xác nhận của cảnh sát khu vực, công an phường như làm CMND hiện nay. Mọi người chỉ cần tới điểm cấp Thẻ CCCD, khai theo mẫu, chờ lấy vân tay, chụp ảnh với thủ tục nhanh gọn, khoảng 10-15 phút.

Các trường hợp cấp mới và cấp đổi, cơ quan công an sẽ trả Thẻ CCCD sau 7 ngày làm việc, người dân cấp lại phải chờ 15 ngày làm việc.

- Người vừa đổi sang 12 số, nay muốn đổi tiếp Thẻ CCCD có phải mang theo giấy tờ cũ để giải quyết các giao dịch phát sinh không?

- Trong một số trường hợp giao dịch, theo tôi người dân vẫn phải mang theo CMND cũ. Yêu cầu này không phải do cơ quan công an đặt ra mà các ngành khác yêu cầu, chủ yếu là các giao dịch liên quan đến ngân hàng, đất đai.

Theo tôi, khi Luật CCCD có hiệu lực, các ngành không nên đòi hỏi người dân phải xuất trình các giấy tờ cũ nữa.

Để tạo điều kiện cho người dân, quá trình cấp thẻ CCCD, cơ quan công an sẽ cắt góc CMND cũ rồi giao lại cho họ để có thể thực hiện các giao dịch về sau.

- Thời điểm này, những người đang sử dụng CMND 9 hoặc 12 số có nên đổi sang thẻ CCCD?

- Từ ngày 1/1/2016, Hà Nội sẽ dừng cấp CMND 12 số cho người dân theo luật định, chuyển sang cấp Thẻ CCCD.

Theo tôi, những ai đang sử dụng CMND 9 số hoặc 12 số, còn hạn sử dụng, chưa nhất thiết phải đổi ngay sang Thẻ CCCD từ năm 2016. Việc đổi Thẻ CCCD rất dễ dàng, người dân lúc nào cũng có thể thực hiện được.

Ý kiến của bạn

Bình luận