Ảnh minh họa |
Theo ScienceAlert, đó là một lộ trình đầy tham vọng của nhóm các nhà khoa học đưa ra cho mục tiêu năm 2050. Việc tạo ra 100% năng lượng tái tạo cũng đồng nghĩa với việc giảm khí thải nhà kính, cắt giảm chi tiêu cho sức khỏe và tránh hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Ước tính có phần đầy tham vọng này của nhóm nghiên cứu gần 30 nhà khoa học Mỹ dựa trên đánh giá cụ thể về khả năng đáp ứng yêu cầu của 139 quốc gia trên thế giới. Những yêu cầu này bao gồm khả năng chuyển sang sử dụng năng lượng gió, nước và năng lượng mặt trời trong vòng 3 đến vài thập kỷ tới.
Các nhà nghiên cứu tin rằng, những cải tiến sâu rộng về hạ tầng năng lượng hiện nay đã thừa sức đáp ứng yêu cầu từ Hiệp định khí hậu Paris đưa ra tại COP 21 hồi năm 2015. Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ các quốc gia có muốn chung tay thực hiện điều đó sớm hơn hay không.
Nhà nghiên cứu Mark Delucchi, đến từ trường ĐH. California, đồng thời thuộc nhóm nghiên cứu khẳng định: "Phát hiện này của chúng tôi gợi ý nhiều lợi ích rất to lớn, do đó chúng ta cần đẩy nhanh hơn nữa quá trình chuyển đổi sang các mô hình năng lượng gió, nước và mặt trời, càng nhanh càng tốt".
Hành động này không chỉ giúp tạo thêm việc làm trong ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, ước tính hơn 24 triệu vị trí trên toàn cầu, mà đặc biệt còn giúp trong lành bầu khí quyển, giảm thiểu ô nhiễm do nhiên liệu hóa thạch.
Ước tính tới 2050, nguồn năng lượng tái tạo từ điện gió ngoài biển và năng lượng mặt trời sẽ chiếm số lượng lớn nhất
Nhóm nghiên cứu đưa ra phân tích, việc thúc đẩy năng lượng tái tạo có thể giúp giảm tỷ lệ tử vong do ô nhiễm không khí hàng năm lên tới 4,6 triệu trường hợp.
Nhưng vấn đề cốt lõi về lâu dài chính là việc giữ và giảm nhiệt độ toàn cầu xuống dưới 2 độ C trước cuối thế kỳ này. Nói một cách quyết liệt hơn, ít nhất con người cần duy trì mức nhiệt độ thấp hơn 1,5 độ C so với thời tiền công nghiệp để bảo vệ sự sống cho nhân loại trong tương lai.
Một nghiên cứu liên quan khác được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 2015 tại COP 21. Thời điểm đó, nghiên cứu lấy cơ sở dựa vào lộ trình tiến tới năng lượng tái tạo trên 50 bang ở Mỹ tính tới năm 2050.
Các nghiên cứu đều do Mark Z.Jacobson, một đồng sáng lập tổ chức phi lợi nhuận The Solutions Project và đến từ trường ĐH. Standford, Mỹ khởi xướng.
Jacobson chia sẻ: "Điều thú vị nhất về kết quả nghiên cứu là việc tất cả các quốc gia mà chúng tôi phân tích đều có đủ nguồn lực. Mặc dù trong trường hợp, một số quốc gia nhỏ có dân số lớn, họ có thể phải nhập khẩu năng lượng từ các quốc gia láng giềng, hoặc sử dụng nguồn năng lượng từ ngoài biển".
Nguyên nhân bởi các quốc gia lớn hơn sẽ có nhiều đất đai, tương ứng với quy mô dân số dễ quản lý hơn. Các quốc gia này dễ dàng hoạch định các dự án và địa điểm đặt các cơ sở năng lượng mặt trời, gió hay thủy điện.
Mặc dù con số 139 quốc gia khá lớn nhưng nhóm nghiên cứu khẳng định sẽ chưa dừng ở đó. Nhóm đang lên kế hoạch phát triển "lộ trình xanh" cho từng thành phố nhằm hướng tới mục tiêu tạo ra 100% năng lượng sạch.
Từ chỗ khai thác tài nguyên, con người đang dần nhận ra những nguy cơ tiềm tàng của tình trạng cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Nhưng để có một lộ trình đảm bảo hài hòa giữa lợi ích năng lượng và bảo vệ Trái Đất sẽ cần sự chung tay giữa các quốc gia, đặc biệt những nước sở hữu nguồn tài nguyên hóa thạch khổng lồ như Mỹ và Trung Quốc.
Nghiên cứu trên của các nhà khoa học đã được đăng tải trên chuyên trang tổng hợp bài báo khoa học ScienceDirect mới đây.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.