Khó khăn trong việc thực hiện đầu tư tuyến đường cao tốc Nình Bình - Hải Phòng đoạn qua địa bàn TP.Hải Phòng là nội dung được đề cập rõ trong văn bản vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi đến Văn phòng Chính phủ.
Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc, tại Văn bản 6711 ngày 20/9/2022 về việc đầu tư xây dựng đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua địa bàn TP.Hải Phòng, Bộ KH&ĐT đã có ý kiến về thẩm quyền quản lý và đầu tư đường cao tốc.
Theo đó, căn cứ quy định của Nghị định 11/2010 của Chính phủ về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; Luật Ngân sách Nhà nước; Luật Xây dựng; Luật Đầu tư công năm 2019, dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách Trung ương và thẩm quyền quản lý đầu tư xây dựng thuộc Bộ GTVT.
Đồng thời, tại Văn bản 6711, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề nghị Bộ GTVT phối hợp với các cơ quan liên quan sớm nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ để trình cấp có thẩm quyền xem xét việc sửa đổi các quy định có liên quan đến thẩm quyền quản lý xây dựng đường cao tốc, quốc lộ, tạo điều kiện cho các địa phương có đủ căn cứ pháp lý để thực hiện đầu tư các đoạn tuyến cao tốc đi qua địa phương.
Tiếp đó, tại Văn bản 13825/BGTVT-KHĐT ngày 26/12/2022 về việc đầu tư xây dựng cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua địa bàn TP.Hải Phòng, Bộ GTVT có ý kiến: "Để tạo điều kiện cho các địa phương quản lý, đầu tư các đoạn cao tốc qua địa bàn, Bộ GTVT đã điều chỉnh thẩm quyền đầu tư các đoạn cao tốc trong dự thảo Luật Đường bộ và đã được Chính phủ trình Quốc hội, sau khi Luật được ban hành làm cơ sở để các địa phương đầu tư" và ủng hộ đề xuất giao UBND TP.Hải Phòng sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương để đầu tư tuyến đường và giao TP.Hải Phòng quyết định đầu tư dự án. Tuy nhiên, đến nay, Luật Đường bộ chưa được Quốc hội thông qua do đó chưa có cơ sở để áp dụng nội dung này.
Theo Bộ KH&ĐT, tại Văn bản 6711 ngày 20/9/2022, Bộ KH&ĐT kiến nghị UBND TP.Hải Phòng nghiên cứu phương án bổ sung dự án vào dự án đường ven biển do UBND TP.Hải Phòng triển khai.
Bộ KH&ĐT cho biết, theo báo cáo của UBND TP.Hải Phòng, việc triển khai đầu tư dự án theo phương thức PPP (gồm cả 2 phương án bổ sung hợp đồng vào dự án đường ven biển và lập dự án đầu tư mới) đều không khả thi do nhiều nguyên nhân. Do đó, để đáp ứng yêu cầu vận tải ngày cang tăng cao, UBND TP.Hải Phòng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT thực hiện đầu tư đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng bằng nguồn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025.
Trường hợp ngân sách Trung ương hạn chế, không bố trí được nguồn vốn đầu tư trong giai đoạn hiện nay, đề nghị giao UBND TP.Hải Phòng quyết định đầu tư xây dựng đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng bằng nguốn vốn ngân sách TP.Hải Phòng. UBND TP.Hải Phòng cam kết bố trí đủ nguồn vốn để đầu tư xây dựng.
Bộ KH&ĐT cho rằng, tại thời điểm hiện tại, đề xuất "giao Bộ GTVT thực hiện đầu tư đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng bằng nguồn vốn ngân sách Trung ương trong giai đoạn 2021 - 2025" là có cơ sở pháp lý nhưng không khả thi do chưa xác định được nguồn vốn thực hiện.
Theo Bộ KH&ĐT, việc trình các cấp có thẩm quyền đồng ý chủ trương giao UBND TP.Hải Phòng quyết định đầu tư xây dựng đường cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng bằng nguồn vốn ngân sách TP.Hải Phòng sẽ giải quyết được khó khăn về nguồn vốn đầu tư nhưng chưa có căn cứ pháp lý để thực hiện chủ trương này.
"Đây là khó khăn, vướng mắc về pháp lý đang xảy ra tại một số địa phương có khả năng bố trí nguồn vốn đầu tư, có nhu cầu đầu tư nhưng chưa thể thực hiện đầu tư các tuyến cao tốc trên địa bàn", Bộ KH&ĐT thông tin và cho biết, năm 2023 là năm giữa kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.
Do đó, Bộ KH&ĐT kiến nghị Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT rà soát, đánh giá việc thực hiện kế hoạch được giao, dự kiến số vốn không giải ngân hết, báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép điều chỉnh, bổ sung danh mục dự án để triển khai thực hiện theo hình thức đầu tư công trong giai đoạn 2021 - 2025.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.