Theo dấu đường dây đưa “xe bùa”… ra nước ngoài

06/05/2015 06:44

Hiện nay, các loại xe máy như xe gian, xe trộm cắp, xe không giấy tờ hải quan… còn được gọi là “xe bùa” – vẫn được một nhóm người tiến hành các giao dịch mua bán bất hợp pháp.


Trạm gác thứ hai từ phía Việt Nam sang tại khu vực thiên la địa võng.

Trạm gác thứ hai từ phía Việt Nam sang tại khu vực thiên la địa võng.

Ngoài đối tượng trộm cắp do các tên “đá xế”, thì để vận hành trơn tru hoạt động tiêu thụ “xe bùa” là một đường dây khép kín từ tiêu thụ, làm giấy tờ giả, lừa đảo… PV đã vào cuộc điều tra và phát hiện ra rất nhiều mảng tối củathế giới ngầm này.

Để tìm hiểu thực hư việc đưa “xe bùa” ra nước ngoài, cụ thể là sang Campuchia như thế nào, PV đã theo những tay mai mối lên đường. Ngoài cửa khẩu chính thức ở các tỉnh phía Nam, chúng tôi phát hiện, còn có rất nhiều “đường phụ”, đường mòn đi về hết sức dễ dàng giữa hai nước Việt Nam – Campuchia. Được sự giúp đỡ của những tay mai mối, PV đã tìm ra cung đường “độc” và hết sức nguy hiểm, chỉ với giá khoảng 500.000 đồng.

Xe ôm qua Cam (Campuchia)

Theo lời kể của thổ địa M., từng có vài năm kinh nghiệm cùng các “nài xe” đưa xe sang Campuchia tiêu thụ, thì sau khi gom được xe, giới “xe bùa” sẽ tập kết tại khu vực nào đó, rồi chuyển sang Cam khi thuận lợi. Khu vực tập kết thường là từ các tỉnh đưa về TP.HCM (các quận, huyện vùng ven, tiếp giáp như Thủ Đức, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Q.12…) hoặc là đưa đến các tỉnh biên giới như Long An, Tây Ninh, An Giang… đưa qua Cam cho gần.

Từ đây, xe được đưa qua Cam thông qua các “đường phụ”, đường mòn. Hiện nay, ngoài các cửa khẩu như: Tịnh Biên (An Giang), Mộc Bài (Tây Ninh), Mộc Hóa (Long An)…, thì một điểm khác cũng nổi lên, mang tên con đường cờ bạc, buôn lậu, “xe bùa” sang Campuchia, chính là cửa khẩu Mỹ Quý Tây (hay còn gọi là cửa khẩu Tho Mo), thuộc xã Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An.

Giới buôn lậu truyền tai nhau, hiện nay, một số cửa khẩu đang “đánh rát” nên cửa khẩu Tho Mo được dân buôn lậu và đánh bạc chọn làm cung đường “lướt”. Ngày 24/4/2015, để tìm hiểu cách vượt biên sang Campuchia mà không cần giấy tờ thông hành hay hộ chiếu, PV lên đường, trực tiếp “mục sở thị”. Mới 9h sáng, trời đã nắng chói chang. Từ TP.HCM, PV phải mất gần hai tiếng đồng hồ mới có thể đến được địa phận huyện Đức Huệ.

Sau khi qua huyện Đức Hòa, PV rẽ vào đường ĐT 825 để đi Đức Huệ. Đường ĐT 825 đang làm nên bụi mù mịt. Đến được trung tâm huyện lỵ Đức Huệ, PV theo con đường độc đạo 838 để vào xã biên giới Mỹ Quý Tây với lộ trình 20km. Con đường này được đầu tư xây dựng khá tốt nên xe chạy êm. Đây cũng chính là cung đường các tay buôn lậu, “nài xe” kéo hết ga, phóng ầm ầm. Sau khi dừng chân tại chợ Tho Mo nghỉ ngơi và tìm thông tin, PV được biết, nếu không có hộ chiếu hay giấy thông hành, sẽ không bao giờ qua cửa khẩu được.

PV chứng kiến một người, chắc chắn là không có hộ chiếu giấy thông hành chạy qua cửa khẩu, ngay lập tức bị chặn lại và yêu cầu xuất trình giấy tờ. Cuộc trao đổi của cán bộ hải quan và người dân như sau: “Tôi muốn sang Campuchia du lịch”. Cán bộ hải quan cửa khẩu cho biết: “Không có hộ chiếu, không thể qua”. Trên gương mặt của người này thoáng chút thất vọng. Quay trở lại thì có ba người đàn ông ngồi gần đó hỏi ngay “muốn sang bên đó chơi bài không?”. “Chỉ muốn đi du lịch thôi…”. Người đàn ông đáp lại, “bên đó có gì đâu mà du lịch, có đi đánh bài thì anh chở sang?…”.

Lần mục sở thị đầu tiên thất bại, PV tấp vào quán café của chị Ba. Thấy người lạ, chị Ba hỏi ngay: “Muốn sang bên đó chơi à?”. PV gật đầu và đáp: “Nhưng không qua cửa khẩu được”. Chị Ba nói: “Nếu muốn qua, chị kêu thằng em xe ôm đưa sang”. Chị Ba còn tiếp lời như muốn khuyên: “Sang bên đó thì phải có xe ôm quen và có người canh chừng, chứ lơ ngơ là bị nhốt đấy”. PV hỏi: “Đường đi đó có xa không?”. Chị Ba cho biết: “Chỉ khoảng hai, ba cây số, nhưng quan trọng là có người canh đường cho đi”.

PV hỏi tiếp: “Vậy mất bao nhiêu tiền xe ôm?”. Chị Ba nói: “Chị gọi giùm, hai người giáp mặt, trao đổi cụ thể”. Đợi chừng 10 phút sau một thanh niên trạc khoảng ngoài 30 tuổi, chạy chiếc Sirius màu đen (sau này được biết là Nam) đỗ xịch trước quán café hỏi: “Ai đi đâu?”. Không cần hỏi, cũng chẳng quan tâm đến giá cả, thanh niên này hối: “Đi thôi”. PV hỏi giá, Nam cho biết, “300.000 đồng”.

Thiên la địa võng

Sau khi lên xe được một đoạn, Nam cho biết: “300.000 đồng là giá chung, ai cũng vậy. Mà, anh cũng đưa tiền cho người ta, chứ không phải đưa cho em đâu”. Quả thật, khi mới rẽ vào con đường nhỏ bên phải, từ phía cửa khẩu Tho Mo ngược trở ra, Nam rẽ ngay vào một bãi tập kết được giới thiệu là nơi gửi xe của các con bài, đầu nậu mua bán hàng lậu hay bất cứ giao dịch gì. Ngay tại bãi này, Nam kêu PV đưa tiền cho một người đàn ông đang ngồi canh cửa ở chốt đầu tiên này.

Theo quan sát của PV, cùng ngồi với người đàn ông này còn có ba bốn người khác. Sau khi PV đưa tiền, người đàn ông này cũng đưa lại cho Nam 100.000  đồng. Tiếp tục qua một chốt khác, chỉ có vài ba người ngồi canh, nhưng Nam không phải ghé vào hay đóng tiền gì. Qua một đoạn đường vắng, vào chốt có khoảng trên chục người và chục xe gắn máy, đa phần là Wave, Sirius, Dream, Nam đưa 100.000 đồng cho một người nói tiếng Campuchia. Anh này liền ghi vào sổ và đưa cho PV một mảnh giấy nhỏ.

Nam dặn: “Phải giữ kỹ mảnh giấy này, tí nữa có người chở ra sẽ không mất tiền”. Tại đây, sau khi làm “thủ tục” xong, PV được một thanh niên nói giọng Campuchia chở vào địa phận nước bạn. Chạy được một đoạn ngắn của cánh đồng trống, PV quan sát thấy có mấy sòng bài hiện ra. Khi đưa đến đồn cửa khẩu Tho Mo phía nước bạn, thanh niên chở PV nói: “Lại đó đăng ký đi”.

Hóa ra, “lại đăng ký” là mua một “vé” vào nước bạn với giá 100.000 đồng. Lúc này, có hai cán bộ cửa khẩu của nước bạn, nhưng nói tiếng Việt: “Nộp một trăm ngàn đồng rồi vào chơi đi”. Sau đó, thanh niên kia chở PV vào một casino tại đây. Mục đích của chuyến đi là việc khác, nên PV nói: “Chưa muốn chơi bài, muốn đi tham quan chút cho bớt căng thẳng”. Tin lời, thanh niên kia để mặc PV và nói: “Khi nào muốn về, cứ quay ra chỗ chốt cửa khẩu, sẽ có người đưa về”.

Lang thang trên đất bạn được một lúc, PV tiếp cận một người tên Rút khi thấy anh này đang mân mê mấy chiếc xe. PV chào bằng tiếng Việt và nói: “Đánh bài hết tiền, cần bán chiếc xe đang gửi bên quán café ở gần cửa khẩu Tho Mo, không biết ở đây có ai mua giùm không?”. Anh này hỏi ngay: “Xe gì?”. PV nói, chiếc Dylan. Anh này đáp: “Bên này không chuộng xe đó đâu, nếu muốn bán nó, anh bán bên kia có giá hơn, còn bên này chỉ mua các loại Wave, Dream thôi. Nhưng, Dream là của Thái ấy. Còn Wave là loại Wave á hoặc Wave S ấy”.

PV hỏi: “Anh mua số lượng nhiều không?”. Người thanh niên đáp: “Bao nhiêu cũng được, anh cứ đưa lên đây, anh em sẽ lo đưa sang cho. Chỉ cần anh đưa đến biên giới là được”. PV nói: “Xe không giấy tờ nhé”. “Ok, thì mấy đứa dưới cũng đem sang đây toàn xe không giấy tờ mà”, người này trả lời. PV hỏi tiếp: “Anh đưa sang đây bằng đường mòn à?”. Thanh niên này đáp có vẻ nghi ngờ: “Cách nào cũng được. Đó chỉ là một con đường thôi, còn nhiều con đường khác, cửa khẩu khác nữa. Chỉ cần anh có xe, cứ mang lên đây hoặc cửa khẩu nào cũng được, tại Long An hoặc Tây Ninh”.

Theo Người đưa tin

Ý kiến của bạn

Bình luận