Phối cảnh cầu Bình Khánh bắc qua sông Soài Rạp (Nhà Bè, Cần Giờ) |
Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) vừa ký kết hợp đồng với các nhà thầu Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 6 - Công ty cổ phần (Cienco 6), Liên danh Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng B.M.T và Hanshin Engineering&Construction Co.,Ltd thực hiện 3 gói thầu A5, A6, A7 thuộc dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành (TP.HCM - Long An, Đồng Nai).
Theo đó, gói thầu xây lắp A5 xây dựng tuyến đường dài 3,45km, xây dựng 2 cầu Ông Kèo và Bầu Sen nằm trên tuyến chính với tổng chiều dài 720,6m, rộng 24,5m.
Gói thầu xây lắp A6 xây dựng tuyến đường dài 16,5km, xây dựng cầu vượt Phước An dài gần 620m, rộng 24,5m. Xây dựng một trạm thu phí, hệ thống an toàn giao thông và hệ thống chiếu sáng…
Gói thầu xây lắp A7 xây dựng tuyến đường dài 5,3km, xây dựng 2 cầu Thị Vải và Rạch Ngoài với tổng chiều dài 3,2366km, rộng 24,5m. Xây dựng một nút giao quốc lộ 51, một trạm thu phí, tường chống ồn, hệ thống an toàn giao thông và hệ thống chiếu sáng…
Theo chủ đầu tư, hiện các nhà thầu khẩn trương triển khai thi công, đảm bảo kết nối liên hoàn đồng bộ phân đoạn phía Tây với phân đoạn giữa và phân đoạn phía Đông, phấn đấu hoàn thành thông tuyến đưa cao tốc vào khai thác vào năm 2020.
Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành khởi công ngày 19-7-2014, dự kiến thông xe toàn tuyến dài 57,1km năm 2020. Trong đó có 2 công trình cầu dây văng Bình Khánh bắc qua sông Soài Rạp, cầu Phước Khánh bắc qua sông Lòng Tàu có độ tĩnh không thông thuyền 55m (cho tàu biển có trọng tải đến 50.000 tấn lưu thông) lớn nhất Việt Nam. Xây dựng 6 nút giao trong giai đoạn I và 2 nút giao trong giai đoạn II. Tổng mức đầu tư dự án (giai đoạn I) 31.320 tỉ đồng (tương đương 1, 48 tỉ USD), huy động từ vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), vốn vay của Chính phủ Nhật Bản thông qua Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.