Thị trường lao động Nhật Bản: “Quyết trảm” để cứu thị trường lớn

13/04/2016 06:10

Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) sẽ tạm dừng dịch vụ đưa lao động sang Nhật Bản đối với những doanh nghiệp (DN) có tỉ lệ thực tập sinh bỏ hợp đồng cao hơn 5%.


Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) sẽ tạm dừng dịch vụ đưa lao động sang Nhật Bản đối với những doanh nghiệp (DN) có tỉ lệ thực tập sinh bỏ hợp đồng cao hơn 5%. Quy định này sẽ chỉ được gỡ bỏ khi DN tập trung thực hiện các giải pháp giảm tỉ lệ bỏ trốn xuống dưới 5%.  Đây là một trong những nỗ lực của cơ quan chức năng nhằm giảm thiểu tình trạng tu nghiệp sinh tại thị trường Nhật Bản đang có xu hướng gia tăng trở lại.

Theo thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước, hiện cả nước có 73 doanh nghiệp xuất khẩu lao động (XKLĐ) đang thực hiện đưa lao động (LĐ) sang làm việc tại Nhật Bản dưới dạng tu nghiệp sinh (TNS) với số lượng năm sau cao hơn năm trước. Đặc biệt 2 năm gần đây, số TNS sang thị trường này đã tăng nhanh chóng. Nếu như năm 2014 có khoảng 20.000 TNS thì  năm 2015 đã có gần 30.000 TNS sang thị trường này. Tuy nhiên, theo phản ảnh của nhiều TNS, họ phải chịu mức phí cao hơn so với quy định do đó tình trạng LĐ bỏ trốn có xu hướng gia tăng... 

0400_6a_BSZQ
Lao động VN chuẩn bị làm thủ tục xuất cảnh    Ảnh minh họa

Mặc dù tháng 11.2015, Bộ LĐTBXH đã từng có quy định tạm đình chỉ dịch vụ trong thời hạn 90 ngày với các DN có tỷ lệ thực tập sinh bỏ hợp đồng trên tổng số thực tập sinh đang thực tập tại Nhật Bản, tuy nhiên tình hình lao động Việt Nam bất hợp pháp tại Nhật vẫn không giảm đáng kể. Trước nguy cơ tình trạng này bị ảnh hưởng dẫn đến bị mất quota như thị trường Hàn Quốc, Bộ LĐTBXH đã quyết liệt và mạnh tay hơn nữa trong việc “trảm” những DN để xảy ra tình trạng  LĐ bỏ trốn nhiều hơn 5%. Cụ thể, từ ngày 6.4.2016, sẽ áp dụng chế tài dừng hoạt động đưa TNS đối với DN có tỉ lệ LĐ bỏ trốn trên 5% không có thời hạn. Đồng thời, việc rà soát của cơ quan quản lý đối với các DN sẽ được thực hiện định kỳ 6 tháng/lần.

Trong chỉ đạo mới lần này, Bộ LĐTB&XH cũng quy định rõ những khoản phí DN được thu từ người LĐ sang làm việc tại Nhật Bản theo diện TNS. Cụ thể, các khoản phí theo quy định với mức không quá 3.600 USD/người/hợp đồng 3 năm, không quá 1.200 USD/người/hợp đồng 1 năm. DN chỉ được thu các khoản phí theo quy định sau khi thực tập sinh đã được phía Nhật Bản cấp tư cách lưu trú và DN đã ký họp đồng đưa thực tập sinh sang thực tập tại Nhật Bản với TNS. Bộ LĐTBXH nghiêm cấm các hành vi thu tiền trước dưới mọi hình thức đối với thực tập sinh. Văn bản nêu rõ: "DN chỉ được phép tuyển chọn và đào tạo thực tập sinh sau khi hợp đồng phái cử thực tập sinh sang Nhật Bản có hiệu lực (đã đăng ký và được Bộ LĐTBXH chấp thuận) và phù hợp với kế hoạch tiếp nhận của các tổ chức tiếp nhận của Nhật Bản".

Bên cạnh đó, mức học phí đào tạo tiếng Nhật cũng được quy định rõ: Không quá 5.900.000 đồng/khóa tiếng Nhật tương ứng với thời lượng khoảng 520 tiết/ khóa học (tương ứng với mức quy định tại Quyết định 630/QĐ-LĐTBXH ngày 19.5.2010 về việc quy định tạm thời đơn giá đào tạo nghề, ngoại ngữ và bồi dưỡng kiến thức cho người lao động thuộc các huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài theo chính sách tại Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ). Đồng thời, tài liệu liên quan đến công tác đào tạo lao động trước khi đi phải được lưu giữ đầy đủ trong hồ sơ lưu của TNS tại DN cho tới khi TNS về nước và thanh lý hợp đồng.

Đối với hợp đồng phái cử thực tập sinh sang Nhật Bản, DN XKLĐ phải đảm bảo các điều kiện tối thiểu sau: Thời giờ làm việc không được vượt quá 8h/ngày và 40 giờ/ tuần;  mức trợ cấp đào tạo và thực tập kỹ thuật: Trong thời gian đào tạo (tối đa 2 tháng) tại Nhật Bản, mức trợ cấp đào tạo tối thiểu là 30.000 Yên/tháng (đối với trường hợp được cung cấp miễn phí các bữa ăn) và tối thiểu là 50.000 Yen/tháng (đối với trường hợp không được cung cấp miễn phí các bữa ăn). Trong thời gian thực tập kỹ thuật, thực tập sinh được hưởng lương theo quy định tại Luật lương tối thiểu của Nhật Bản…

Ngoài ra, Bộ LĐTBXH cũng nêu rõ: Mức khấu trừ chi phí nhà ở (không áp dụng đối với thời gian đào tạo) từ tiền lương hàng tháng của thực tập sinh theo thực tế, nhưng không vượt quá 20.000 Yen/người/tháng (đối với các thành phố lớn: Tokyo, Osaka, Kyoto, Nagoya, mức khấu trừ không vượt quá 30.000 Yên/người/tháng). Còn về chi phí đi lại, vé máy bay khứ hồi cho thực tập sinh tới Nhật Bản và trở về Việt Nam sau khi hoàn thành hợp đồng do phía tổ chức tiếp nhận của Nhật Bản chi trả…

Theo Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước Nguyễn Ngọc Quỳnh, những  thị trường lao động có mức lương cao, danh sách hợp đồng cung ứng lao động được cấp phép, nhu cầu tuyển dụng của các công ty… sẽ công khai trên Cổng thông tin điện tử của Cục Quản lý lao động ngoài nước (website dolab.com.vn). Đồng thời,  những DN XKLĐ bị rút giấy phép cũng sẽ đăng thông tin công khai lên. Đặc biệt, lao động sẽ được cung cấp thông tin minh bạch về tình hình thẩm định và đăng ký hợp đồng, các hợp đồng được chấp thuận và không được chấp thuận để giảm thiểu tình trạng lừa đảo.

Theo Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước Nguyễn Ngọc Quỳnh, những thị trường lao động có mức lương cao, danh sách hợp đồng cung ứng lao động được cấp phép, nhu cầu tuyển dụng của các công ty… sẽ công khai trên Cổng thông tin điện tử của Cục Quản lý lao động ngoài nước (website dolab.com.vn). Đồng thời, những DN XKLĐ bị rút giấy phép cũng sẽ đăng thông tin công khai lên. Đặc biệt, lao động sẽ được cung cấp thông tin minh bạch về tình hình thẩm định và đăng ký hợp đồng, các hợp đồng được chấp thuận và không được chấp thuận để giảm thiểu tình trạng lừa đảo.

Ý kiến của bạn

Bình luận