Trong năm 2021, doanh số ô tô toàn cầu tăng 5%, tương ứng khoảng 82,1 triệu xe (bao gồm cả xe du lịch, xe tải và xe thương mại hạng nhẹ ). Tuy nhiên, không phải thị trường nào cũng ghi nhận những tín hiệu tích cực. Nhìn vào thực tế, doanh số trong năm 2021 vẫn thấp hơn so với trước khi đại dịch xảy ra, là 89,6 triệu xe bán ra trong năm 2019.
Trung Quốc vẫn là thị trường dẫn đầu về doanh số với 26,3 triệu xe, tăng 4% so với năm 2020 và 6% so với năm 2019. Khủng hoảng về sản xuất không ảnh hưởng quá nhiều đến Trung Quốc như các khu vực khác, do nước này khuyến khích phát triển xe điện và thị trường tràn ngập những mẫu xe nội địa giá rẻ.
Mặt khác, thị trường Mỹ mặc dù ghi nhận sự phục hồi nhẹ trong năm 2021 (tăng 4% so với năm 2020), nhưng con số 15 triệu chiếc bán ra vẫn kém xa so với con số 17 triệu chiếc vào năm 2019. Không giống như Trung Quốc và châu Âu, Mỹ vẫn chưa được hưởng lợi từ sự gia tăng doanh số bán xe điện. Năm 2021, xe điện thuần túy chỉ chiếm 3% thị trường, trong khi chúng chiếm 11% ở Trung Quốc và 10% trên toàn châu Âu.
Sự bùng nổ xe điện vẫn không đủ để bù đắp những tác động tiêu cực trong vài năm qua. Minh chứng rõ ràng nhất là thị trường châu Âu. Cụ thể, đăng ký xe hạng nhẹ năm 2021 giảm 25%, tương đương 4,04 triệu chiếc so với năm 2019, đây là một sự sụt giảm lớn. Trước đây, thị trường xe châu Âu có quy mô tương tự như thị trường Mỹ. Tuy nhiên, điều đó đã thay đổi với khoảng cách tăng vọt từ 1,15 triệu chiếc vào năm 2019 lên 3,2 triệu chiếc vào năm ngoái.
Khó khăn tại các thị trường chính của Châu Âu là nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm này. Ví dụ, Ý trước đây nằm trong top 10 thị trường xe lớn nhất thế giới, năm ngoái đã tụt xuống trí thứ 12 sau Nga. Năm 2019, Ý đứng thứ 9 trên thị trường với gần 2,1 triệu chiếc, xếp sau Brazil với 2,68 triệu chiếc và xếp sau Canada với 1,93 triệu chiếc.
Tình trạng trên cũng xảy ra với Đức, Pháp, Vương quốc Anh và Tây Ban Nha, tất cả đều ghi nhận mức giảm từ 22% đến 31% từ năm 2019 đến năm 2021. Bất chấp những khó khăn, Đức, Pháp và Anh vẫn đứng trong top 10. Trong đó Đức là quốc gia hàng đầu của châu Âu với vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng Top 10 thị trường ôtô lớn nhất thế giới.
Mặc dù chính phủ châu Âu đã đưa ra nhiều ưu đãi để khuyến khích người tiêu dùng lựa chọn xe điện, tuy nhiên việc đó chưa đủ để làm giảm giá xe, một trong những yếu tố quan trọng nhất để thay thế xe dùng động cơ đốt trong.
Ở các thị trường khác như Hàn Quốc, Chile và Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận những tín hiệu tích cực hơn. Trên thực tế, Hàn Quốc đã hoán đổi vị trí với Ý trong hai năm qua, leo từ vị trí thứ 12 lên thứ 9. Chile có thể đối phó tốt hơn với cuộc khủng hoảng vì nước này không có ngành công nghiệp địa phương; mọi thứ đều được nhập khẩu. Đây là lý do chính khiến quốc gia này vượt qua Argentina và trở thành thị trường lớn thứ hai ở Nam Mỹ. Trong khi đó Argentina có nhiều hơn Chile 2,4 triệu dân.
Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng hạng từ vị trí 25 trong năm 2019 lên vị trí thứ 18 vào năm ngoái, vượt qua Nam Phi, Hà Lan, Ả Rập Xê-út, Ba Lan, Bỉ và Thái Lan. Nguyên nhân do nước này coi xe là thứ tài sản giữ tiền tốt trước sự mất giá mạnh của đồng nội tệ.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.