Thị trường ô tô Việt: “Mỏ vàng” cho hàng xóm?

Doanh nghiệp 07/05/2015 06:46

Với quy mô dân số trên 90 triệu dân và lượng xe bán ra hàng năm mới chỉ là 140.000 chiếc, Việt Nam sẽ trở thành “mỏ vàng” của ngành công nghiệp ô tô trong khu vực nếu không có những chính sách hỗ trợ hợp lý.


Lắp ráp ô tô cũng dần trở thành chuyện khó ở Việt Nam

Hiện nay, với dân số trên 90 triệu dân, và năm 2014 vừa qua toàn ngành ô tô mới tiêu thụ được chưa tới 200.000 xe, cả nhập khẩu và lắp ráp trong nước, rõ ràng trong tương lai gần, thị trường này sẽ còn rất nhiều tiềm năng để phát triển.

So sánh với 2 người hàng xóm, Thái Lan với dân số hơn 65 triệu người, nhưng năm 2012 đã lên đỉnh với hơn 1,4 triệu chiếc xe tiêu thụ trong thị trường nội địa. Trong khi đó, Indonesia với hơn 250 triệu dân, năm 2012 cũng tiêu thụ 1,2 triệu chiếc xe. Những con số đó là khổng lồ so với con số chưa tới 200.000 xe tiêu thụ tại Việt Nam.

Bởi lẽ đó, không quá khó hiểu khi các doanh nghiệp vẫn tiếp tục đầu tư vào thị trường Việt Nam, dù biết rằng tương lai sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, khi tới năm 2018, thuế nhập khẩu ô tô trong khu vực sẽ về mức 0%.

Ngành công nghiệp ô tô rất đặc thù, nó đòi hỏi phải có một thị trường đủ lớn, để ngành công nghiệp phụ trợ, sản xuất các chi tiết liên quan tới việc lắp ráp thành một chiếc xe hơi hoàn chỉnh, có thể phát triển.

Nếu không có ngành công nghiệp phụ trợ, tức là các linh phụ kiện trên chiếc ô tô sẽ là nhập khẩu hoàn toàn từ nước ngoài, vì vậy những chiếc xe chỉ ở dạng lắp ráp trong nước chứ chưa tiến tới sản xuất ô tô được.

Chính vì con số chưa tới 200.000 xe tiêu thụ trong năm 2014, nên thị trường Việt Nam không thể có sức hút đủ lớn để các doanh nghiệp phụ trợ phát triển. Kể cả khi nhà nước có hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp này, thì mức giá của những sản phẩm phụ trợ cũng cao hơn tương đối so với các nước hàng xóm vốn có quy mô thị trường lớn, số lượng sản phẩm phụ trợ nhiều nên giá rẻ hơn.

Với tiềm năng phát triển rất lớn, nhưng hiện tại vẫn chỉ là ‘nụ hoa’ chưa nở, sức ép phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam được dồn lên vai nhà quản lý, với đòi hỏi phải đưa ra những chính sách, đường hướng cho một chặng đường quá ngắn, từ nay tới năm 2018.

Thực tế, yêu cầu về đường hướng phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã được vẽ ra từ rất lâu, nhưng sau một thời gian dài loay hoay, tới nay dường như những hành động đã là muộn.

Những khó khăn khách quan như điều kiện giao thông, kinh tế, văn hóa giao thông,… khiến cho tốc độ phát triển của thị trường ô tô Việt Nam ở mức thấp, ảnh hưởng qua lại với ngành công nghiệp phụ trợ, khiến Việt Nam vẫn mãi chỉ là lắp ráp ô tô mà không có một ngành công nghiệp ô tô đích thực.

Tới năm 2018, đến cả việc lắp ráp xe trong nước cũng không còn là lợi thế của các doanh nghiệp nữa, khi mà việc nhập khẩu xe từ các nước hàng xóm về thậm chí còn rẻ hơn việc lắp ráp, với các sản phẩm phụ trợ cũng phải nhập khẩu.

Thái Lan, và giờ là Indonesia, đang là đất đắc địa để các doanh nghiệp ô tô tới xây nhà máy, hưởng lợi từ các chính sách hỗ trợ, có được thị trường nội địa quy mô lớn và sẵn sàng xuất khẩu sang các nước, trong đó có Việt Nam. Khi mà thị trường Thái Lan đang giảm do lượng xe hơi đã tạm đủ, còn thị trường Indonesia đã sẵn sàng với nhiều mẫu xe phù hợp để đổ bộ vào Việt Nam khi thời cơ đến vào năm 2018.

Rõ ràng ‘mỏ vàng’ thị trường ô tô Việt Nam với tiềm năng rất lớn trong tương lai đang được rình rập bởi nhiều gã ‘thợ mỏ’ hàng xóm, sẵn sàng khai thác khi tới cơ hội, trong khi những ‘thợ mỏ’ nội địa lại gặp đầy khó khăn.

Từ giờ tới năm 2018, chắc chắn sẽ có nhiều giải pháp được đưa ra, và câu chuyện về sản xuất, lắp ráp trong nước hay nhập khẩu, câu chuyện về ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, sẽ còn là đề tài được đem ra bàn luận và mổ xẻ rất nhiều nữa.

Theo Tiền Phong

Ý kiến của bạn

Bình luận