Hỗ trợ kịp thời của Chính phủ đã giúp thị trường ô tô Việt Nam nhanh chóng vượt qua khó khăn và tăng trưởng trở lại - Ảnh minh họa. |
Đại dịch càn quét, thị trường lao đao
Vừa bước qua mùa cao điểm cuối năm 2019, thị trường ô tô chưa kịp khởi động cho một vòng quay mới thì đại dịch Covid-19 nổ ra. Toàn xã hội thực hiện giãn cách, thị trường ô tô cũng vì thế mà “lao thẳng xuống”.
Trong tháng giãn cách xã hội, theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số ô tô bán ra trong tháng 4 chỉ đạt 11.761 chiếc, giảm 39% so với tháng trước và 44% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là con số “thê thảm” nếu so sánh với bức tranh màu hồng cuối năm 2019 và hàng loạt hãng xe tăng trưởng âm sau 4 tháng đầu năm 2020.
Không chỉ vậy, cả nền kinh tế lao đao, người tiêu dùng sụt giảm thu nhập và đương nhiên cũng phải cắt giảm chi tiêu, thắt lưng buộc bụng để rồi quyết định hạn chế mua sắm những đồ giá trị lớn, đặc biệt là ô tô.
Việc xã hội giãn cách cũng buộc nhiều nhà máy sản xuất ô tô phải đồng loạt tạm dừng dây chuyền hoạt động trong thời gian dài. Sau Ford và Toyota, TC Motor, Honda Việt Nam rồi Mercedes-Benz, Nissan... lần lượt thông báo đóng cửa, dừng sản xuất tạm thời. Quá trình tạm dừng dây chuyền sản xuất trong thời gian dài (hơn nửa tháng) cùng sự suy giảm của thị trường đã giáng một đòn mạnh tới nhiều hãng xe ở Việt Nam. Lượng xe tồn tại các kho, cảng tăng tới hàng chục nghìn chiếc. Tài chính khó khăn cùng ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã buộc các hãng xe hủy bỏ nhiều chương trình quảng bá xe thường niên để tiết kiệm chi phí cũng như tránh nguy cơ lây lan bệnh dịch.
Vì thế, các triển lãm xe truyền thống như Vietnam AutoExpo 2020, Vietnam Motor Show lần lượt hoãn rồi hủy. Ảnh hưởng của dịch bệnh cũng đã góp phần làm thay đổi phương thức quảng bá, tiếp thị của các hãng xe. Thay vì những lễ ra mắt hoành tráng, hàng loạt mẫu xe mới đã được trình làng dưới hình thức trực tuyến.
Nhà nước hỗ trợ, thị trường “tan băng” nhờ lệ phí trước bạ giảm
Trước thực trạng của ngành công nghiệp ô tô, Chính phủ đã kịp thời có những chính sách hỗ trợ nhằm kích thích tiêu dùng trong nước và đồng hành cùng các doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn. Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định số 70/2020/NĐ-CP ngày 28/6, trong đó quy định giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Chính sách này ngay lập tức đã có ảnh hưởng, giúp tăng sức hấp dẫn cho toàn bộ các dòng xe lắp ráp nội địa, đặc biệt là ô tô dưới 9 chỗ ngồi khi giúp khách hàng tiết kiệm được hàng chục đến hàng trăm triệu đồng. Dù chỉ có tác động trực tiếp tới ô tô “nội”, nhưng chính sách này cũng khiến nhiều hãng xe nhập khẩu phải tăng cường ưu đãi hoặc hỗ trợ lệ phí trước bạ cho khách hàng để cạnh tranh tốt hơn với những sản phẩm lắp ráp trong nước.
Nhờ vậy, doanh số xe lắp ráp cả năm 2020 của các thành viên VAMA đã đạt 187.104 chiếc, chỉ giảm 1% so với năm 2019, trong khi ô tô nhập khẩu mới bán ra được 109.530 chiếc cùng thời điểm, giảm 17% so với năm trước liền kề. Bên cạnh đó, nhờ những nỗ lực của Chính phủ, Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được dịch Covid-19 và đưa cả xã hội về tình trạng bình thường mới. Nhờ đó, kinh tế bắt đầu khởi sắc trở lại trong những tháng cuối năm và thị trường xe theo đó cũng dần “tan băng”.
Trong tháng cuối cùng của năm 2020, nhiều nhà sản xuất xe trong nước không có đủ hàng để bán bởi sức mua tăng đột biến. Chỉ trong tháng 12/2020, các thành viên VAMA bán được số lượng xe cao kỷ lục với 47.865 chiếc, tăng 45% so với cùng kỳ năm 2019. Hãng xe Việt VinFast cũng lập kỷ lục bán hàng với 4.503 xe chỉ trong một tháng, trong khi TC Motor (nhà sản xuất và phân phối chính thức xe Hyundai tại Việt Nam) bán được 13.306 xe các loại.
Cùng với đó, các hãng xe cũng mạnh dạn trình làng những “con bài” mới, trong đó có không ít mẫu xe lần đầu xuất hiện tại Việt Nam như Kia Seltos, Toyota Corolla Cross... Ngoài ra, năm 2020 cũng đánh dấu sự xuất hiện trở lại của nhiều thương hiệu xe như MG, Renault hay Jeep....
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.