Không cần xích mích, chỉ cần thưởng thức trọn vẹn chuyến đi |
Cuộc sống hiện nay thừa hưởng rất nhiều lợi ích từ những phát kiến công nghệ giúp giải quyết hàng loạt những vấn đề trên thế giới. Chẳng hạn, những chiếc áo được thiết kế với đặc tính không cần là ủi mà vẫn phẳng phiu. Đặc biệt, đối với một bộ phận không nhỏ những người có sở thích đi du lịch giống như tôi, những sáng tạo độc đáo liên quan đến các thiết bị, công cụ hỗ trợ cho máy bay lại càng trở nên thiết yếu và được đón chào hơn bao giờ hết. Bật mí một chút, khía cạnh trên đây cũng một phần là lý do tại sao tôi luôn mang chiếc headphone khử âm, chống ồn vô cùng tốt làm người bạn đồng hành trên mỗi chuyến bay của mình.
Thành thực mà nói, tôi di chuyển rất nhiều. Thi thoảng tôi có tự cho phép mình “thả ga” hưởng thụ một chút, nhưng hầu hết mọi lần tôi đều chọn vé hạng thường hoặc xe khách đường dài. Các hãng vận tải tại Mỹ, về cơ bản, đều đã tìm ra được yếu tố duy nhất thu hút sự chú ý của khách hàng, đó là giá vé dự kiến - “dự kiến” ở đây đồng nghĩa với việc những công ty đó sẽ còn tung ra hàng đống những chiêu trò nữa để khiến chúng ta phải trả thêm những khoản phí phụ đi kèm mà vốn chưa từng được nhắc đến trước đó.
Hơn nữa, họ cũng đang có xu hướng nhồi nhét nhiều hành khách hết sức có thể vào một không gian trống bằng việc cắt giảm kích cỡ ghế ngồi cũng như chỗ để chân, để rồi cuối cùng là những vụ xích mích ngớ ngẩn và ngu xuẩn nổ ra giữa những người thiếu văn hóa hoặc không kiềm chế được bản thân.
Hãy đến với hãng thiết kế Paperclip và Giám đốc của công ty, anh James Lee. Chuyên môn của anh dành riêng cho lĩnh vực liên quan đến ghế ngồi của máy bay, ngoài ra anh cũng để dành cho riêng mình một vài ý tưởng và dự án sáng tạo khác - đủ đột phá để giúp anh thắng vài cuộc thi giữa các doanh nghiệp đi kèm với danh tiếng nổi bật mang lại cho công ty - mà tôi nghĩ các hãng hàng không cũng nên học tập và làm theo. Khi được biết trụ sở chính nơi làm việc của anh tọa lạc ở Hồng Kông, cũng là nơi tôi đang đến thăm với tư cách là một giảng viên đại học, không chần chừ một chút nào, tôi đã tận dụng ngay lập tức cơ hội này để ngắm nhìn, chiêm ngưỡng thêm những thiết kế đáng ngưỡng mộ được tạo ra tại nơi đây.
Một trong những phát minh nổi bật nhất của Paperclip là giá để tay ghế ngồi vô cùng độc đáo và tiện lợi, hoàn toàn có thể giúp bạn loại bỏ thêm một nguy cơ… chiến tranh với người ngồi kế bên.Như hình ảnh minh họa phía trên, hình thức của nó cũng cực kỳ đơn giản đến bất ngờ, chỉ bao gồm một đường cong nhỏ phân cách thành hai tầng đặt tay.
Những người có cùng một vóc dáng có thể vẫn cùng thích một tầng nhất định, nhưng ít ra việc “đàm phán phân chia lãnh thổ” sẽ dễ thở hơn rất nhiều vì xét cho cùng, độ cao giữa hai tầng không đáng kể là bao nên cũng không gây nên quá nhiều khó chịu cho bạn kể cả khi không được chọn tầng yêu thích.
Về phần Lee, anh hiện tại mới ở độ tuổi 30, tốt nghiệp ngành kỹ sư máy móc tại Đại học Hồng Kông (nơi tôi hiện đang tham gia giảng dạy tại Khoa Báo chí và Truyền thông), nắm trong tay bằng cử nhân tại MIT, chuyên ngành hàng không. Trước đó anh từng làm việc cho Cathay Pacific - một hãng lớn chuyên về dịch vụ giao thông và vận chuyển tại cùng thành phố, sau đó tự đi theo con đường và quyết định của riêng mình vài năm trước. Cụ thể, anh cùng một nhóm bạn, bao gồm những kỹ thuật viên và thiết kế, đã ngày đêm mày mò và sáng tạo ra từng ý tưởng tại một căn hộ tại khu Fotan, khá xa so với trung tâm thành phố nhưng lại thừa hưởng những ưu điểm như chi phí và giá thành rất phải chăng, nếu không muốn nói là rẻ đến không thể tin nổi.
Lee may mắn tận dụng cơ hội của mình để thu hút sự chú ý của các hãng hàng không khi anh phát triển một sản phẩm của riêng mình - thứ đã giúp anh giành được giải thưởng danh tiếng cùng tấm séc 25.000 USD vào đầu năm nay. Thiết kế có tên gọi “Butterfly”, một hệ thống ghế ngồi tiện dụng có thể lắp ráp và tháo rời dễ dàng, giúp cho chất lượng cũng như trải nghiệm trên mỗi hàng ghế Premium Economy (cận cao cấp) trở nên dễ chịu và trọn vẹn hơn đối với hành khách. Về cơ bản, đây là hạng dịch vụ ăn đứt những toa xe đường dài chật chội nhưng vẫn chưa sánh được với khoang hạng nhất trên máy bay, nhưng ít ra ghế ngồi và khoảng trống cũng đã được nới rộng thêm đáng kể.
Với sự trợ giúp của Butterfly, hai ghế Premium Economy có thể được cải tiến trở thành một ghế loại cao cấp chẳng kém gì sự sang trọng, tiện nghi của khoang dịch vụ hạng sang. Điều này đồng nghĩa với việc những hoạt động, tiến trình nâng cấp, sửa chữa các bộ phận tương tự trên máy bay sẽ dễ dàng hơn rất nhiều, góp phần làm tăng trưởng nhanh chóng doanh số cũng như những phản hồi tích cực từ phía khách hàng.
Thực ra tên hiệu gốc của sản phẩm trên là Caterpillar (sâu bướm), miêu tả đúng như những đặc điểm của một ấu trùng đang trong quá trình chuyển hóa sang giai đoạn trở thành dạng hoàn chỉnh. Nhưng trong một xã hội đầy rủi ro và tranh chấp như hiện nay, Lee cũng không phải là một ngoại lệ khi vô tình vướng vào vụ việc “lùm xùm” khi một công ty cơ khí hạng nặng có tên gần giống - Caterpiller, khác một chữ cái "e" - đã gửi thông báo đến anh, khẳng định rằng việc làm này đang vi phạm tên đăng ký nhãn hiệu của họ.
Nghe có vẻ vô lý và ngớ ngẩn, nhưng Lee lại cảm thấy mình có trách nhiệm phải làm đúng luật, nên đã thay đổi tên và chấp thuận yêu cầu của họ, thay vì nguy cơ có thể phải bỏ ra xấp xỉ 200.000 USD để có thể lo chi phí chỉ để thắng kiện cho… một chữ cái khác nhau.
Butterfly chưa thực sự được phát triển trở thành phiên bản thiết kế cỡ lớn hoàn chỉnh, vì nó tuân theo mẫu nguyên gốc do Lee tạo ra và tất nhiên đã có sự can thiệp và tính toán đến từ công nghệ máy tính. Cũng như nhiều lĩnh vực khác, việc chúng ta nhờ cậy và tin tưởng vào khả năng phi thường, chính xác của công nghệ hoàn toàn là dễ hiểu và đóng một vai trò quan trọng trong toàn thể quá trình, ngay cả khi cảm hứng ban đầu vẫn đến từ con người. Đặc biệt, những thuật toán tích hợp đi kèm là nhân tố chính yếu trong công cuộc sáng tạo và thiết kế như trên.
Chắc chắn tôi sẽ hoàn toàn ủng hộ một sản phẩm đột phá có thể giúp chấm dứt những chuỗi tranh giành nực cười trên mỗi chuyến đi của mình như vậy, và tôi hy vọng không chỉ những khách hàng như tôi mà ngay cả các hãng vận tải cũng chú tâm lắng nghe và hưởng ứng nhiều hơn nữa đến tiếng nói và cảm xúc của cộng đồng chung.
Thế nhưng, vẫn không ai dám chắc chắn rằng họ sẽ chấp nhận bỏ thời gian ra nâng cấp và tu sửa toàn bộ cả hệ thống trang bị như vậy, vì ngay cả khi không có thay đổi nào được đặt ra, người chịu thiệt duy nhất vẫn chỉ là khách hàng. Dù sao ít ra họ không nhẫn tâm đến nỗi đưa vào thiết kế một phòng dành riêng cho hành khách đứng là được rồi!
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.