Thiết lập khu vực trường học an toàn: Vì tương lai con trẻ

Tác giả: HẠ LIÊN

saosaosaosaosao
26/11/2017 08:22

Những nguy cơ tiềm ẩn TNGT quanh khu vực trường học là nỗi lo của nhiều bậc phụ huynh ở Việt Nam. Để xoa dịu nỗi niềm này, các cơ quan quản lý nhà nước đồng tình với giải pháp thiết lập khu vực trường học an toàn theo mô hình của Hàn Quốc.

 

images1283737_giao_thong1
Cần xây dựng nhiều hơn mô hình khu vực trường học an toàn

Nỗi lòng cha mẹ

Tình trạng ùn tắc, mất TTATGT trước các cổng trường của Hà Nội đã tồn tại nhiều năm và là vấn đề nóng của nhiều bộ, ngành và địa phương. Để giải quyết vấn đề này, các cơ quan quản lý nhà nước cũng như chính các trường học đã đưa ra nhiều giải pháp phù hợp với từng đặc điểm khu vực trường học.

Nhiều trường đã chủ động xây dựng phương án điều chỉnh giờ tan học giữa các khối lớp, cách nhau từ 10 - 15 phút. Các trường học ở trên cùng tuyến phố cũng chủ động phối hợp kế hoạch căn chỉnh giờ tan học so le để số lượng người và phương tiện không bị tăng đột biến vào cùng một thời điểm.

Riêng các trường học có sân rộng, nhà trường đều ưu tiên mở cổng để phụ huynh vào sân đợi đón học sinh, còn những trường chật hẹp, nằm sát đường giao thông, nhà trường bố trí giáo viên dẫn học sinh ra các địa điểm nhất định gần khu vực trường học để giảm áp lực tại khu vực cổng trường.

Theo ghi nhận của Tạp chí GTVT tại Trường Tiểu học Cát Linh trên phố Cát Linh, đúng giờ tan học, học sinh xếp hàng theo lớp, từng đoàn di chuyển ra các địa điểm dọc theo tuyến phố Cát Linh chờ bố mẹ đón. Các em học sinh lớp lớn có điểm chờ phụ huynh xa trường hơn, các em lớp nhỏ được bố trí điểm chờ ngay cạnh trường học. Cũng có cách giảm ùn tắc tương tự, Trường tiểu học Trần Nhật Duật trên phố Trần Nhật Duật cũng phân chia điểm trả học sinh dọc theo tuyến phố. Hàng ngày cứ đến giờ tan trường, phụ huynh đón con em mình theo địa điểm đã được nhà trường quy định.

Tuy nhiên điều đáng nói, mặc dù đã phân bố nhỏ các điểm trả học sinh nhưng tình trạng phụ huynh học sinh đỗ tràn lan, lấn chiếm đường đi lại hai điểm trường này vẫn xảy ra, ùn tắc giờ tan học vẫn còn tiếp diễn. Đại diện tổ bảo vệ Trường Tiểu học Trần Nhật Duật cho biết, dù có quy định về điểm đón nhưng có rất nhiều phụ huynh không tuân thủ, vẫn cố đỗ sát cổng trường đợi con dù đã được nhắc nhở nhiều lần.

Khi được hỏi lý do không đỗ đúng điểm trả học sinh do nhà trường quy định, chị Thúy - phụ huynh học sinh lớp 3A bức xúc nói: “Ai cũng biết nhà trường quy định phải đón con tại điểm cách đây 300m nhưng chỗ đón các con rất hẹp, một lớp có đến 45 học sinh, phụ huynh đi đón mỗi người một xe máy thì đỗ vào đâu được nữa, vẫn phải đỗ giữa đường chờ con thì đỗ ở đâu chẳng như nhau. Đường này đông xe cộ làm sao mà yên tâm đứng giữa đường gọi con chạy ra được, vậy nên mình đỗ sát cổng trường chờ con là an toàn nhất”.

Đồng quan điểm với chị Thúy, anh Minh Hoàng - phụ huynh học sinh lớp 1C chia sẻ: “Tôi đi ô tô nên phải đỗ xa điểm trả học sinh hơn bình thường. Nhưng con mình bé, mới đi học năm đầu tiên mà bảo chờ con ở một điểm cách trường học đến 500m để con chạy ra cũng sốt ruột lắm. Khu vực này do có nhiều xe lên cầu Chương Dương nên mật độ rất đông, đặc biệt vào giờ tan trường. Dù có cô giáo dẫn ra điểm chờ đón nhưng một lớp đông như vậy thì không thể lường trước được rủi ro tai nạn”.

 Thí điểm mô hình khu trường học an toàn

Mới đây, tại buổi làm việc về kế hoạch tổng thể ATGT cho Thủ đô Hà Nội giữa Ủy ban ATGT Quốc gia và Bộ Cơ sở hạ tầng, Đất đai và Giao thông Hàn Quốc, nhóm nghiên cứu đến từ Hàn Quốc đã chỉ rõ và nhấn mạnh, với thực trạng giao thông như hiện nay, việc thiết lập khu trường học an toàn tại Việt Nam là vô cùng cấp thiết và cần sớm triển khai.

Ông Jaehoon Sul - chuyên gia giao thông Hàn Quốc, thành viên nghiên cứu ATGT Hà Nội đánh giá, hiện nay các cơ sở giáo dục trên địa bàn Hà Nội chưa quan tâm đến vấn đề đảm bảo ATGT cho học sinh. Khu vực xung quanh nhiều trường học tại Hà Nội không hề có hệ thống đèn tín hiệu, vạch kẻ đường, gờ giảm tốc, biển báo hạn chế tốc độ. Với tình hình giao thông đông đúc, mật độ phương tiện lớn vào giờ tan trường thì đây là nguy cơ tiềm ẩn TNGT cho học sinh rất cao.

Theo ông Jaehoon Sul, trước đây tại Hàn Quốc cũng có tình trạng tương tự xảy ra. Nhìn nhận được vấn đề này, Chính phủ Hàn Quốc đã sửa đổi Luật Giao thông đường bộ để đưa vào mô hình khu trường học an toàn. Mô hình này đã được các thành phố lớn tại Hàn Quốc áp dụng từ năm 1995. Theo đó, cách trường 300m đến 500m sẽ có biển báo khu vực bảo hộ trẻ em để người dân lưu thông trên đường điều chỉnh tốc độ chậm hơn. Trước cổng trường học sẽ là một đoạn đường cấm đỗ xe, được phủ lớp sơn đỏ trên bề mặt và thông số giới hạn tốc độ dưới 30 km/h, phía trên vỉa hè được dựng một hàng rào đảm bảo tuyệt đối khoảng cách an toàn giữa các em học sinh và phương tiện trên đường.

“Đối với Việt Nam, nhiệm vụ đầu tiên để xây dựng mô hình khu trường học an toàn là chỉnh sửa Luật Giao thông đường bộ để thiết lập cơ sở pháp lý, sau đó đưa ra hướng dẫn cụ thể về quy trình tổ chức, các tiêu chuẩn thiết kế, xây dựng và phân tích hiệu quả khu vực trường học an toàn”, ông Jaehoon Sul nói.

Ước tính, chi phí xây dựng mô hình này khoảng 135.000 USD, thông thường sẽ được tiến hành trong 2 năm. Tuy chi phí có cao song kết quả thu được lại rất hiệu quả. Thống kê cho thấy, tại Hàn Quốc, khi bổ sung 100 mô hình khu trường học an toàn đã giúp giảm được 17,8% tai nạn cho người đi bộ và giảm 31,8% TNGT hàng năm.

Về vấn đề này, ông Ngô Mạnh Tuấn - Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, việc đảm bảo ATGT cho học sinh khi đến trường là rất quan trọng. Sở GTVT Hà Nội sẽ đề xuất đưa lộ trình thực hiện trường học an toàn vào kế hoạch thực hiện trong thời gian tới. Ban đầu sẽ thực hiện ở những trường học nằm trên trục đường chính, sau đó tổng kết hiệu quả và nhân rộng.

Đồng tình với ý kiến của Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội, bà Kiều Thị Diễm - Phó Vụ trưởng Vụ ATGT (Bộ GTVT) nhận định, kế hoạch ATGT cho khu vực trường học rất khả quan và có ý nghĩa lớn đến an toàn tính mạng của học sinh, sự yên tâm của các bậc phụ huynh. Hà Nội cần huy động tìm nguồn vốn để thí điểm mô hình này, trước mắt là 02 - 3 trường thực hiện thí điểm, tiến tới nhân rộng ra toàn khu vực.

“Về phía Vụ ATGT, cơ quan tham vấn, bộ phận xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cũng sẽ cùng bàn bạc với các chuyên gia để phân tích kỹ hơn về việc đề xuất đưa vào nghị định, quy định bắt buộc”, bà Diễm nhấn mạnh

 

Hà Nam là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện Dự án “Đi đến trường an toàn - Về đến nhà an toàn” do Hiệp hội An toàn đường bộ toàn cầu tài trợ. Theo đó, dự án này thực hiện xây dựng mối quan hệ, trách nhiệm của chính quyền trong quản lý, xây dựng công trình trong giáo dục và đề cập tới việc cưỡng chế trong giải quyết các vấn đề giao thông nhằm đảm bảo an toàn nhất cho học sinh. Ông Bùi Đức Tĩnh - Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Hà Nam cho biết, mặc dù Dự án đã kết thúc song vẫn tiếp tục phát huy hiệu quả cho tỉnh. Ban đầu chỉ có 5 trường được thực hiện thí điểm, sau đó được nhân rộng thêm 14 trường. Qua đó, học sinh được học các kỹ năng tham gia giao thông an toàn. Ngoài ra, Ban ATGT tỉnh đã cải tạo một số “điểm đen”, các trường được trang bị hệ thống hỗ trợ giảng dạy hiện đại, do đó các em có thêm kỹ năng tham gia an toàn, phụ huynh học sinh nhận thức rõ hơn việc trang bị kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho các em. Đây là tiền đề quan trọng để Hà Nam kéo giảm TNGT liên quan đến học sinh trong nhiều năm qua.

Ý kiến của bạn

Bình luận