Thiếu nhân lực tay nghề ở Thái là cơ hội cho phụ tùng ôtô Việt

14/07/2017 09:46

Ngành sản xuất linh phụ kiện ôtô Việt Nam đang có cơ hội tốt khi lực lượng lao động có tay nghề tại Thái Lan thiếu hụt.

 

Thiếu nhân lực tay nghề ở Thái là cơ hội cho phụ t
Đang có cơ hội về lý thuyết để Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất ôtô của ASEAN.

Phân tích mới của chuyên gia cho rằng, ngành công nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng ôtô của Việt Nam đang đứng trước cơ hội tham gia vào chuỗi sản xuất tại Đông Nam Á khi Thái Lan đang thiếu hụt nguồn lao động tay nghề.

Ông Chris Humphrey, Giám đốc điều hành của Hội đồng kinh doanh EU-ASEAN, trụ sở tại Singapore nhận xét, các nhà sản xuất tại Việt Nam không chỉ đang củng cố vị trí tại thị trường nội địa mà còn mở rộng hoạt động xuất khẩu, đặc biệt tại thị trường truyền thống là Đông Nam Á. Trong đó, cơ hội cho mảng sản xuất linh kiện phụ tùng ôtô đặc biệt sáng sủa.

"Khi hàng rào thuế quan được dỡ bỏ theo Hiệp định của cộng đồng kinh tế ASEAN, sẽ cho phép Việt Nam có thể lắp ráp các bộ phận và phụ tùng để phục vụ ngành công nghiệp sản xuất ôtô ở quốc gia khác trong khu vực – chẳng hạn Thái Lan, một đất nước đang thiếu lao động lành nghề”, ông Chris Humphrey đánh giá.

Ở bình diện chung, ngành công nghiệp sản xuất Việt Nam nói chung đang có những bước chuyển đổi khi quan tâm nhiều hơn đến các thị trường phân khúc cao, xa hơn thị trường ASEAN. Từ tháng 1 đến tháng 9/2016, tỷ trọng xuất khẩu sang các nước ASEAN chiếm 51% so với 85% trong cùng kỳ năm ngoái. Theo Metal Expert in Focus, Việt Nam đang tập trung vào không chỉ các thị trường cốt lõi, mà còn các thị trường cao cấp như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và châu Âu.

Tuy nhiên, "mẫu số chung" để nắm bắt được cơ hội tham gia vào chuỗi sản xuất ôtô ASEAN nói riêng và xuất khẩu sản phẩm công nghiệp đến thị trường cao cấp nói chung chính là phải tăng độ tinh vi và ổn định tính chính xác trong sản xuất.

“Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ là những thị trường tiềm năng đối với Việt Nam. Tuy nhiên, các quốc gia này là nhà sản xuất cao cấp, do đó yêu cầu về chất lượng, tính ổn định và độ chính xác là rất cao. Khi thảo luận với các chuyên gia trong ngành, chúng tôi đã nhận được ý tưởng rằng các công nghệ đo lường nên được chú ý nhiều hơn trong sản xuất”, bà Kasinee Phantteeranurak, Quản lý dự án Công ty Reed Tradex khuyến nghị.

Tiến sĩ Henry Shih, Giám đốc điều hành của SuperAlloy Industrial (SAI) - một nhà cung cấp các sản phẩm kim loại nhẹ có chất lượng cao cho các nhà sản xuất ôtô hàng đầu thế giới như BMW, Mercedes-Benz, Porsche, Rolls Royce, Ford, Toyota, GM, Honda… chia sẻ cùng quan điểm trên.

"Khi chúng tôi bắt đầu thâm nhập thị trường châu Âu vào năm 2008, chúng tôi đã phát hiện ra sự cần thiết của các giải pháp đo lường để đáp ứng nhu cầu cao của khách hàng tại đây. Chúng tôi bắt đầu với các máy đo CMM để có thể kiểm soát đo lường trong suốt quá trình sản xuất và phản hồi dữ liệu cập nhật trên các máy CNC hiện có lúc bấy giờ, nhờ đó mà sản xuất hiệu quả và chính xác hơn", ông Henry kể lại.

Theo Báo cáo Chỉ số cạnh tranh toàn cầu năm 2017 (Global Competitiveness Index), Việt Nam có chỉ số cạnh tranh cao hơn cả 6 quốc gia trong Liên minh châu Âu. Trong số này, đáng chú ý khi 4 trong số đó là Slovenia, Cộng hoà Síp, Slovakia và Hy Lạp, được coi là nền kinh tế tiên tiến tầm cỡ với GDP bình quân đầu người tối thiểu 17.700 USD, gấp tám lần so với Việt Nam.

Sự tiến bộ này một phần nhờ vào ngành công nghiệp sản xuất Việt Nam từ việc tập trung vào các yêu cầu cơ bản, hiện nay đang dần phát triển theo hướng nâng cao hiệu suất, tăng độ chính xác và giảm hao phí. Cũng nhờ điều này, thị trường các thiết bị công nghệ về đo lường, 3D, tự đông hóa và robot… đang có cửa tăng trưởng ở đây.

Ý kiến của bạn

Bình luận