Mỹ muốn dùng thương vụ bán tiêm kích F-35 gây sức ép buộc Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ hệ thống S-400 của Nga - Ảnh: RT |
Bộ trưởng Canikli khẳng định thỏa thuận về S-400 đã được ký kết, và không có vấn đề gì với việc mua hệ thống này.
Còn về thương vụ mua tiêm kích F-35, Bộ trưởng cho biết: "Thổ Nhĩ Kỳ đã tham gia vào dự án này nhiều năm trước, và quá trình giao hàng sẽ bắt đầu vào năm tới. Chúng ta trả tiền cho các chi phí. Nó không liên quan (đến vụ mua S-400)".
Thổ Nhĩ Kỳ đặt hàng 30 tiêm kích F-35 với đối tác Mỹ, và dự kiến sẽ sắm thêm 70 chiếc nữa, theo trang Sputnik News.
Tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Canikli được đưa ra sau khi Volkan Bozkir, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết Mỹ "không tích cực" trong việc bán F-35 cho Ankara, nếu quốc gia Trung Đông này mua hệ thống S-400.
"Mỹ rất coi trọng vấn đề S-400, Quốc hội Mỹ muốn liên kết vấn đề này với thương vụ F-35, theo cách nếu chúng ta tiếp tục mua S-400, họ sẽ ra quyết định cấm cung cấp F-35", trang Hurriyet dẫn lời ông Bozkir.
Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định việc mua hệ thống phòng thủ S-400 của Nga không ảnh hưởng gì đến thương vụ sở hữu tiêm kích F-35 từ Mỹ - Ảnh: Hurriyet
Vào cuối năm 2017, Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được thỏa thuận mua 4 hệ thống phòng thủ S-400 của Nga với giá 2,5 tỉ USD. Lô hàng đầu tiên dự kiến sẽ được giao cho Ankara vào cuối năm 2019. Trước động thái này, Mỹ đã tiến hành chiến dịch gây sức ép, cảnh cáo Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải đối mặt với "hậu quả" nếu để tiến trình bàn giao S-400 tiếp tục.
Ngoài biện pháp đe dọa, Washington còn ngỏ ý cung cấp hệ thống phòng thủ Patriot như là giải pháp thay thế cho S-400. Dự kiến Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về chính trị - quân sự Tina Kaidanow sẽ đem theo lời đề nghị bán vũ khí này tới Ankara vào ngày 31.3 tới.
Chủ tịch Bozkir cho hay Thổ Nhĩ Kỳ đang chuẩn bị xem xét lời đề nghị này của Mỹ, nhưng lưu ý rằng quyết định cuối cùng vẫn phải dựa trên những điều khoản phía Washington đưa ra.
Quan hệ với Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ, hai thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đã gặp trục trặc trong nhiều năm. Căng thẳng mới nhất giữa hai nước xoay quanh cuộc chiến tại Syria. Mỹ ủng hộ dân quân người Kurd chống IS, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ xem lực lượng này là phản động.
Rạn nứt trong mối quan hệ này có thể sẽ càng nghiêm trọng vì vụ việc cựu sĩ quan tình báo Nga bị đầu độc tại Anh. Trong khi Mỹ cùng các đồng minh NATO khác trục xuất hơn 100 nhà ngoại giao Nga vì vụ này, Thổ Nhĩ Kỳ lại không làm vậy.
Tối 26.3, Phó thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Bekir Bozdag cho biết chính sách đối ngoại Ankra căn cứ trên những lợi ích của nước này, và trong khi quan hệ Nga-Thổ đang rất tốt đẹp thì quốc gia Trung Đông sẽ không có hành động nào chống lại Moscow.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.