Ngày 15/2, trả lời phỏng vấn hãng thông tấn TASS, lãnh đạo Tập đoàn Helicopters of Russia, Andrey Boginsky cho biết, quá trình thử nghiệm cấp quốc gia của trực thăng Mi-28NM đã được lên kế hoạch thực hiện vào cuối năm 2017.
"Chúng tôi có thể chắc chắn việc thử nghiệm cấp quốc gia của trực thăng Mi-28NM sẽ được bắt đầu trong năm nay", ông A. Boginsky cho biết.
Hiện chưa rõ kế hoạch đưa vào trang bị Mi-28NM của Bộ Quốc phòng Nga. Tuy nhiên, theo nhiều nguồn tin, Bộ Quốc phòng Nga dự kiến sẽ đưa Mi-28NM vào trang bị trong vài năm tới, ngay sau khi sản phẩm này vượt qua chương trình thử nghiệm cấp quốc gia.
Liên quan tới Mi-28NM, mới đây Tổ hợp nghiên cứu chế tạo máy Kolomna đã công bố thông tin đang phát triển thế hệ tên lửa chống tăng mới dành cho Mi-28NM. Đạn tên lửa Akata mới được thiết kế với khả năng kháng nhiễu cao và có thể tiêu diệt các mục tiêu thiết giáp hiện đại, cũng như mục tiêu bay thấp ở khoảng cách 8 km.
Nga công bố các hình ảnh đầu tiên của nguyên mẫu phiên bản trực thăng tấn công nâng cấp Mi-28NM từ cuối năm 2016. Mi-28NM được trang bị kết cấu cánh quạt hoàn toàn mới và hệ thống hỗ trợ điều khiển cải tiến giúp nâng hiệu năng tổng thể của động cơ thêm 13%, tăng tốc độ bay tối đa của máy bay lên 340 km/h.
Cùng với đó, Mi-28NM cũng được trang bị hệ thống hỗ trợ quan sát bằng quang - ảnh nhiệt và radar cung cấp góc nhìn toàn cảnh xung quanh máy bay trong bất kỳ điều kiện nào cho phi công.
Hệ thống điều khiển kép tương tự như trên các máy bay tiêm kích cũng được trang bị trên Mi-28NM cho phép hai phi công có thể trao đổi quyền điều khiển máy bay để tập trung cho nhiệm vụ chiến đấu.
Điểm nhấn khác trên Mi-28NM là công nghệ gây nhiễu và đánh chặn tên lửa giúp tăng khả năng sống sót khi hoạt động ở độ cao thấp. Kênh trao đổi thông tin mã hóa được bảo mật cao cũng giúp Mi-28NM có thể tương tác tốt với các đơn vị đồng minh trên chiến trường, trong đó có tổ hợp máy bay không người lái.
So với người tiền nhiệm Mi-28 "Thợ săn đêm", phiên bản nâng cấp có tính năng chiến đấu vượt trội từ 2 tới 2,5 lần. Với động cơ mới mạnh mẽ, kết cấu cánh quạt được thiết kế lại để tối ưu lực nâng và hạn chế phát ồn, hệ thống điện tử trên khoang hiện đại, Mi-28NM sẽ "ác mộng" đối với các mục tiêu trên bộ.
Điểm mới trên Mi-28NM là việc sử dụng 100% thiết bị, khí tài có nguồn gốc nội địa của Nga. Điều này giúp Nga tránh phụ thuộc vào nguồn phụ tùng nhập khẩu từ các quốc gia SNG như nhiều dòng trang bị quân sự khác.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.